Trong lúc dư luận đang xôn xao về những phát ngôn gây “sốc” của Ngọc Trinh khi người đẹp Trà Vinh cho rằng: “Thà giúp đỡ người ngoài chứ gia đình bên ngoại có chết tôi cũng không giúp”.
Ông T.V. Sen (cậu ruột Ngọc Trinh- PV) tỏ ra hết sức bàng hoàng vì ông nghĩ, chưa bao giờ đứa cháu gái của mình lại ôm mối thù hằn sâu nặng như thế.
Chúng tôi đến xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) tìm gặp ông Hai Đoan (cậu thứ hai của Ngọc Trinh- PV) để giải đáp nhiều uẩn khúc đằng sau những mâu thuẫn này.
Ông Hai Đoan - cậu thứ 2 của Ngọc Trinh.
Quẹt ngang giọt mồ hôi của cái nắng gay gắt, ông Đoan chia sẻ: “Khi mẹ Trinh mất, tôi đã không có liên lạc với con bé, bẵng đi một thời gian, nghe nói nó làm người mẫu gì đó ở Sài Gòn, tôi mừng cho nó.
Giờ lại nghe nó nói hận thù gia đình bên ngoại tôi cảm thấy rất buồn. Trong suy nghĩ của tôi, tôi không tin đó là những lời được phát ra từ đứa cháu ruột của mình”.
Dù không “mang nặng đẻ đau” nhưng bà Sáu Phương lại là người đã cưu mang cha con Ngọc Trinh trong những năm tháng cơ hàn. Cũng chính vì vậy mà có lẽ, bà chính là người gần gũi và yêu thương Ngọc Trinh nhiều nhất.
“Do nỗi ám ảnh về sự ghẻ lạnh, hắt hủi của các cậu mình mà con tôi đã nói ra những điều bức xúc trong lòng con bé bấy lâu. Tuy không sinh ra Trinh nhưng tôi biết những lời con tôi nói ra hoàn toàn là sự thật”, bà Phương cho biết.
Bà Phương, mẹ kế Ngọc Trinh.
Bà Phương nhớ lại: “Để giúp cha trang trải cuộc sống, Trinh đã từng giữ em bé, nhổ lông nách cho người ta để kiếm dăm ba đồng bạc.
Thử hỏi nếu còn xem Ngọc Trinh là cháu thì những người làm cậu mợ kia cớ sao lại ngoảnh mặt làm ngơ. Đó không phải là sự ghẻ lạnh, hắt hủi thì gọi là gì?”.
Được biết, từ ngày bà Phương về sống cùng ông Tòng (cha đẻ Ngọc Trinh- PV) thì họ hàng của Ngọc Trinh càng lạnh nhạt hơn.
Căn nhà của bà đang sống nằm sát vách nhà của vợ chồng ông Sen vậy mà có khi cả năm cũng không nói với nhau một lời nào.
“Chị Cúc (vợ ông Sen- PV) thường chửi mắng tôi thậm tệ, những lúc đó tôi chỉ biết gục đầu khóc, thấy bé Trinh còn nhỏ mà phải chịu cảnh mồ côi nên tôi cố gượng dậy để cùng chồng chăm sóc cho con bé”, bà Phương nghẹn ngào.
Tiếp lời vợ, ông Tòng nhắc lại những ngày “gà trống nuôi con”: “Đôi bàn tay tôi nay đã chai sần do đi chạy xe ôm những ngày đói kém. Căn nhà thì mưa tạt gió lùa, bữa cơm thì khi cháo khi rau, ai ai trong xóm này cũng biết.
Có lúc tôi muốn ngã quỵ vì cực khổ nhưng nghĩ đến vợ tôi, tôi cố gắng chăm sóc cho con mình để bà ấy được an tâm mà yên nghỉ”.
“Để có tiền nuôi con, tôi đã phải làm đủ nghề miễn sao lo được cho con. Trong khi người ta đủ vợ đủ chồng, còn tôi thì một mình xoay sở”, ông Tòng vừa nói vừa hướng mắt về căn nhà của ông Sen sát vách nhà mình.
Theo lời của bà Phương, sau khi Ngọc Trinh làm ra tiền và gửi về để xây căn nhà mới, bên nhà của bà Cúc đã không hài lòng.
“Chị Tư nói khi anh Tòng lấy vợ thì không được sở hữu căn nhà và còn chì chiết nặng nhẹ vợ chồng tôi. Tôi nghĩ rằng, chắc là khi tôi có tiền người ta đem lòng ganh tị”, bà Phương cho hay.
Là người chứng kiến hoàn cảnh bi đát của Ngọc Trinh khi còn bé, ông Út (người láng giềng- PV) bộc bạch:
“Khi tôi còn sửa xe trước cổng ngân hàng cạnh nhà cha con Ngọc Trinh, tôi đã nhìn thấy con bé giữ em cho người ta, áo quần cũ kỹ do không có mẹ trông nom, ai nấy cũng xót lòng.
Sau này tôi mới biết, căn nhà khang trang sát nhà của anh Tòng lại là cậu ruột của con bé”.
Khi nghe những lời lẽ biện minh về sự hắt hủi của họ hàng bên ngoại đối với Ngọc Trinh, bà Phương giọng nhạt đi: “Có lẽ giờ con tôi đã trưởng thành, lại là hình mẫu cho giới trẻ hiện nay, họ hàng bên ngoại bé Trinh đã cố tình chối bỏ những điều không tốt đẹp.
Con tôi là người bộc trực, thẳng thắn nói ra những điều mà nó dồn nén tận đáy lòng. Tôi lấy làm khó hiểu khi họ nói là bất ngờ và không nghĩ rằng mình đã từng đối xử ghẻ lạnh với Trinh.
Con tôi sống khó khăn, đói khát trong khi gia đình họ sung túc, đủ đầy ai mà không biết.
Tôi thường khuyên con tôi rằng, hãy để cho mọi chuyện ngủ yên, mình cứ sống tốt thì mọi người sẽ hiểu, không cần phải giải thích hay biện minh để làm gì”, bà Phương bộc bạch thêm.