Trong cuộc trò chuyện với tôi, ngôi sao điện ảnh Lý Hùng lần đầu chia sẻ về quãng thời gian 7 năm anh biến mất khỏi màn ảnh và cả những suy nghĩ thẳng thắn về công nghệ PR của các ngôi sao showbiz Việt hiện nay.
Không nên để công chúng chú ý tới mình theo kiểu đó...
Mới đây, anh nói mấy ngôi sao nổi tiếng bây giờ toàn là fan group tự tạo, PR... chứ thực tài thì chưa chắc đã có. Cá nhân anh nghĩ thế nào về công nghệ lăng xê của các ngôi sao trẻ trong showbiz Việt?
Các bạn trẻ bây giờ may mắn lắm. Ngày xưa, tụi tôi muốn có 1 bài báo lên, 1 tuần lễ mới có nên thông tin không đại chúng như bây giờ. Còn bây giờ nhiều khi phỏng vấn xong, 1 tiếng sau đã có bài trên mạng rồi.
Ý tôi nói là công nghệ lăng xê của các bạn trẻ bây giờ quá tốt. Tôi không có ý kiến về chuyện họ tạo scandal ra sao, tôi chỉ khuyên các bạn trẻ, cái gì cũng có hai mặt hết. Công nghệ PR là con dao hai lưỡi.
Nếu chúng ta làm nghệ thuật thì nên để khán giả coi, anh đó đang hát cái gì, chị kia đang đóng phim gì. Còn để nổi tiếng theo kiểu, mất đôi giày, đi xe mới cũng đăng lên báo thì không nên.
Không nên tạo scandal kiểu đó. Không nên để công chúng chú ý tới mình theo kiểu đó. Anh chị tự PR, lần đầu, công chúng có thể bất ngờ đó, nhưng lần thứ 2 thứ 3 người ta đã chán rồi. Điều này rất nguy hiểm.
Cá nhân tôi chưa bao giờ làm điều đó. Tôi không bao giờ muốn dùng vụ việc cá nhân nào đó để PR tên tuổi tôi. PR kiểu mất đôi giày, đi xe mới, sắm đồng hồ, túi xách mới... phản cảm lắm.
Người ta không nói tác phẩm mà toàn bàn tán mấy chuyện đời tư không đâu. Người ta nói tới mình bằng scandal chứ không phải bằng tài năng.
Bạn cứ nhìn lại coi, những người nổi tiếng bằng scandal, những người đó giờ còn tồn tại không? Họ sẽ bị mai một.
Thế nhưng khó có thể phủ nhận rằng, những tin tức đời tư nghệ sĩ luôn có một lượng lớn người đọc quan tâm, họ thích thú với kiểu PR, scandal đó của các ngôi sao...
Giới trẻ hiện nay rất hiện đại. Họ được tiếp cận thông tin của thế giới, nhưng không nên coi thường họ. Họ có thể thích đọc tin giật gân nhưng nếu nghệ sĩ dựa vào điều đó để được nổi tiếng thì không nên. Những ngôi sao kiểu đó cũng không bật lên được.
Tôi đã chứng kiến rồi, có anh nghệ sĩ cũng dựa vào scandal để lên, nhưng chỉ được 1, 2 năm...
Thời gian đầu, đi đâu anh ấy cũng được hô thần tượng, qua tới năm 3 là người khác rồi. Anh đó hết thời. Như vậy, anh đâu tồn tại.
Chẳng qua anh được các phương tiện thông tin đại chúng lăng xê thôi. Thậm chí, khán giả coi phim xong không nhớ mình là ai. Nổi tiếng kiểu đó đâu có giá trị thật.
Cái quan trọng với người nghệ sĩ phải là giá trị thật thì mới tồn tại lâu. Một ngôi sao điện ảnh, một ngôi sao ca nhạc phải là khán giả phong chứ mình không được tự phong.
Anh đâu thể tự vỗ ngực phong mình là ngôi sao được. Nhưng nếu tự khán giả phong thì lúc nào anh cũng ở trong tim họ.
Truyền thông hiện đại, đưa người ta lên cao mà tài thực chưa chắc có thì mai một nhanh lắm. Tôi nói rồi, nghệ thuật phải được chứng minh bằng tác phẩm. Khi anh có tác phẩm để đời thì tên tuổi sợ gì mất, tên tuổi sẽ còn mãi.
Với những cảnh quay nguy hiểm tôi vẫn đóng luôn, ít khi dùng cascadeur. Trông lành lặn vậy thôi chứ người tôi sẹo không à. Tôi phải làm hết mình với nghệ thuật thì tên tuổi mới có với mình.
Chỉ nên dựa vào truyền thông để PR tác phẩm mình làm chứ đừng đưa những thông tin ngoài luồng. Không nên.
Làm gì có chuyện tôi đầu quân cho TVB
Vào cuối thập niên 90, khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, bỗng dưng anh không xuất hiện trên màn ảnh. Anh đã ở đâu và làm gì trong thời gian đó?
Thời gian đó tôi đi diễn ca nhạc, có một số đoàn họ mời. Đi trong nước rồi đi cả nước ngoài. Được giao lưu trực tiếp với khán giả, thích lắm. Máu tôi là máu thích phiêu lưu mà.
Hẳn là đi hát anh được khán giả yêu lắm nên anh mới bỏ điện ảnh 7 năm như thế...
Lúc đó đi hát, tôi được bà con thương lắm, từ miền Trung, miền Tây, miền Bắc. Mấy cô chú lớn tuổi hỏi, "ủa sao bấy lâu nay không thấy Lý Hùng".
Tôi bảo, "lúc này con đi ca nhạc nhiều, ít đi phim lắm cô". Họ bảo, "đóng phim đi, muốn xem Lý Hùng đóng phim quá".
Rồi đi ra khu phố cố, gặp người dân, họ bảo: "Lý Hùng nhìn còn ngon đấy”. Tôi không hiểu, hỏi lại “ủa, ngon là gì?" Họ bảo, là còn phong độ đó.
Tôi còn đi biểu diễn ở nước ngoài cho bà con Việt kiều xem. Tôi sang Úc 6 lần và được bà con Việt kiều ở Úc thương lắm. Họ yêu mến tới mức mời đi ăn BBQ, rồi tặng quần áo, giày dép. Nhưng tôi từ chối.
Tôi bảo thôi, cám ơn, tình cảm thế này là quý lắm rồi, trân trọng lắm. Gặp nhau là vui rồi. Rồi qua 9 nước châu Âu như Đức, Tiệp Khắc, Nga, Thụy Sĩ, Thụy Điển… cũng rất vui.
Tôi nhớ hoài lần qua Thụy Sĩ biểu diễn, đúng vào dịp Giáng sinh. Tôi với chú Bảo Quốc là diễn viên hài ra đường chơi, tưởng Giáng sinh bên họ giống ở Việt Nam, ai dè đường phố vắng tanh, không một bóng người.
Té ra, bên Tây ngày Giáng sinh họ đóng cửa ăn tối ở nhà không à. Hai chú cháu lang thang trên đường phố Thụy Sĩ.
Cuối cùng hai chú cháu về nhà uống lon bia ăn thịt nguội rồi đắp mền ngủ. Đó là một cái Giáng sinh lạ và ấn tượng.
Cũng năm đó, ngày mùng 1 Tết tây, chúng tôi có mặt ở Berlin, Đức thì lại quá vui. Họ bắn pháo hoa với mấy chục ngàn người ở quảng trường. Rồi gặp bà con kiều bào mình ở đó, họ xin chụp hình. Nhiều người còn mời về nhà ăn cơm.
Nghe nói thời gian đó, anh còn sang Hồng Kông đầu quân cho TVB vì yêu ảnh hậu Lê Tư. Thực hư chuyện này thế nào, thưa anh?
Hồng Kông với tôi giống như là người nhà luôn rồi. Tôi tham gia 6 phim Hồng Kông mà. "Kế hoạch 99", "Hồng hải tặc", "Truy nã tội phạm"…
Bây giờ qua Hồng Kong tôi còn đi đường Mertro được mà, khỏi phải đi taxi. Vì Hồng Kông có hai khu. Một khu Cửu Long giống như Chợ Lớn của mình nè và một khu thành phố mới. Tôi rành đường lắm.
Tôi sang đó đóng phim gặp Lê Tư, Bạch Thiếu Thông… họ rất quý tôi. Thậm chí, khi người ta hỏi cô thấy diễn viên Việt Nam thế nào, Lê Tư trả lời trên báo là cô rất thích Lý Hùng, diễn suất tốt, con người thân thiện…
Nhưng giữa tôi và Lê Tư chỉ là tình cảm anh em trong nghề nghiệp thôi.
Làm gì có chuyện đầu quân cho TVB. Thời đó còn khó khăn lắm, chỉ là hợp tác đóng phim thôi. Mà tôi đóng phim với họ cũng không đóng vai phụ, vai chính luôn. Tôi rất hãnh diện vì điều đó.
Không dựa vào điện ảnh để bước sang ca nhạc
Bỏ 7 năm theo ca nhạc, nhưng anh lại không thể thành công như điện ảnh. Anh có tiếc không?
Tôi không hối tiếc, thậm chí rất sung sướng vì đã làm được điều tôi thích. Tôi không dựa vào điện ảnh để bước sang ca nhạc. Tôi mê ca nhạc từ thời còn trong trường học.
Con người ta làm sao được trọn vẹn cả đôi đường. Như diễn viên Lưu Đức Hoa, đóng phim rất hay nhưng ca nhạc anh ấy cũng chỉ được 6, 7 thôi.
Trương Học Hữu ca hay vậy đó mà qua phim cũng đâu nổi tiếng như ca nhạc. Khi người ta giỏi ở lĩnh vực này, qua lĩnh vực kia thì chỉ… trung bình thôi. Tôi cũng thế.
Dù vậy, tôi vẫn được các đơn vị tổ chức mời hát đi hát lại ở cùng một địa điểm, vậy là tôi vui rồi. Điều đó chứng minh là mình có khả năng biểu diễn ca nhạc chứ không phải người ta đến coi mặt Lý Hùng, tài tử đóng phim.
Tôi đã phát hành 4 album, nhưng không phải vì mục đích kinh doanh mà là thích thì làm. 4 album đó đều ra trong thời điểm 7 năm tôi đi hát.
Rồi anh bắt đầu nhớ điện ảnh từ khi nào?
Có lần tôi đang ở Gia Lai, đạo diễn Trần Anh Đôn gửi cho tôi kịch bản phim “Đô la trắng”. Anh Đôn hỏi: “Lý Hùng còn mê đóng phim không"? Tôi bảo, "nếu hay thì được, mà đầu tư thế nào"?
Anh Đôn nói, "yên tâm, phim của hãng TFS đầu tư tốt". Điện ảnh mà, không đầu tư là phim không hay. Có đầu tư mới có chất lượng.
Cho đến ngày hôm nay, tôi giữ được tên tuổi là vì tôi đóng những phim có sự đầu tư. Phim đòi hỏi không gian mở. Nếu có kinh tế, anh đi xa, anh sẽ có những cảnh quay rất đẹp.
Tôi đọc kịch bản lại thấy hay quá nên tôi nhận lời. Lúc đó tôi đóng vai đại úy Nguyễn Trực, đội trưởng đội hình sự bắt cướp. Trong kịch bản có những pha phải bay nhảy, đua mô tô. Tôi đọc tôi hết hồn luôn.
Tôi hỏi, khi nào bấm máy? Anh Đôn nói 1 tháng nữa. Lúc đó tôi 82 kí. Trong 1 tháng tôi giảm 10 kí còn 72 kí để đảm nhận vai diễn này. Vì hồi đó, tôi đi hát ca nhạc nên cũng không cần dáng đẹp làm chi nên bỏ bê tập luyện, ăn uống nhiều.
Nhiều người hết hồn, hỏi tôi uống thuốc giảm cân hả? Tôi nói không. Tôi con nhà võ, có phương pháp ăn kiêng tập luyện để giảm cân.
Té xe còn sợ hư xe, làm sao có phim hay được
Có một thực tế là, bây giờ phim vài chục tập chỉ quay trong vòng 2, 3 tháng. Trong khi, ngày xưa, phim dài chừng 90 phút có khi quay cả năm... Cá nhân anh nhận định như thế nào về tư duy làm nghề hiện nay của những người làm điện ảnh nói chung?
Tùy thời đại. Thời bao cấp của ba tôi ngày xưa có khi cả ngày chỉ quay 1 cảnh rồi về. Họ cứ quay đi quay lại cho tới lúc ưng ý thì thôi. Bao cấp mà, không bị áp lực về tiền bạc và thời gian. Thế thì bảo sao tác phẩm không hay.
Như ba tôi nghiên cứu nhân vật tới mấy tháng trời trước khi bấm máy. Muốn người ốm lại (gầy) mặc áo mưa giữa trưa nắng chạy bộ cho ra mồ hôi.
Sự nỗ lực đó thì bây giờ diễn viên không thể có, không thể bằng được. Tâm huyết của diễn viên ngày xưa cao lắm.
Còn bây giờ là nền kinh tế thị trường. Là sao, anh làm chậm, sản xuất chết, tiền nhiều, không có lời. Tôi mời anh, anh nhờ tôi. Đó là mối quan hệ hai chiều.
Ví dụ, tôi mời Lý Hùng đóng, catse cao thì ngược lại tôi phải có rating cho người ta. Hồi xưa, hoàn cảnh cho phép mình như thế. Còn bây giờ, muốn có phim thật hay, quay kỹ thì hơi khó ở thời điểm này.
Ngay cả phim chiếu rạp, công nghệ máy quay Redone, cũng chỉ chừng nửa tháng 20 ngày là xong rồi. Thế thì làm sao bằng phim ngày xưa được.
Cũng khó trách được những người làm phim hiện nay. Phim Mỹ hay là vì họ đầu tư cả mấy triệu đô. Họ phá nhà, nổ bom, nổ xe hơi như chơi, hoành tráng với công nghệ âm thanh 7 chấm.
Còn làm phim ở mình đến té xe còn sợ hư xe thì làm sao có phim hay được. Tôi nói rồi, phim muốn hay phải có kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên giỏi và phải có tiền nữa.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!