Vì sao nhà báo nhận lời làm ''bầu sô''?
Thực tế hiện nay rất ít nghệ sĩ trẻ có khả năng đạt được sự cân bằng giữa nghệ thuật và kinh tế. Bài toán họ gặp phải khi mới bước chân vào showbiz quả thực là rất khó khăn khi phải lựa chọn một bên là âm nhạc dễ nghe, giá trị nghệ thuật thấp và một bên là âm nhạc văn minh, hiện đại nhưng kiếm ít tiền.
Với thị trường âm nhạc mới hình thành hiện tại, một ca sĩ trẻ lại đi hát những dòng nhạc cần thời gian để thẩm thấu quả là một sự liều lĩnh và mạo hiểm. Vì vậy cần có người giúp các ca sĩ trẻ tìm ra, lựa chọn một dòng nhạc có được sự cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường, để họ yên tâm kiếm ra tiền từ hoạt động nghệ thuật, từ đó tái đầu tư cho các sản phẩm tiếp theo.
Không chỉ các ca sĩ trẻ mà ngay cả một số "ngôi sao", diva hay một bộ phận những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí lâu nay coi việc có nhà báo đồng hành để đưa ra những định hướng, những chiến lược phát triển là điều cần thiết.
Theo nhà báo Đào Gia Long, sự cố vấn của nhà báo bao hàm việc lựa chọn sô, giá cát xê, phong cách thời trang và xuất hiện ở sự kiện của nghệ sĩ như thế nào? Và tất nhiên anh không bao giờ nghĩ rằng tiếng nói của mình có ý nghĩa quyết định đối với con đường của người nghệ sĩ.
"Họ cảm thấy đúng và tin tưởng thì nghe theo, không thì cũng chẳng sao. Có nhiều nghệ sĩ khi biết tôi, nhờ tư vấn, tôi sẵn sàng làm công việc ấy, từ tâm mình với mong muốn đời sống văn nghệ sẽ phát triển hơn, nghệ sĩ cũng vỡ vạc và có cái nhìn tổng quát hơn về con đường của mình. Điều ấy khiến tôi vui, chỉ như thế là đủ" - nhà báo Đào Gia Long nói.
Từng giúp Hồ Quỳnh Hương, Nam Cường, gần đây là Bằng Kiều, nhà báo Lương Trọng Nghĩa nhận thấy mình có được sự cảm thụ âm nhạc tốt, có cái nhìn nhanh nhạy và phán đoán "ngôi sao trong tương lai" từ một người rất bình thường. Anh tự nhận mình thuộc tuýp người thích chinh phục nên "ca" nào càng khó càng hiểm thì lại càng thích đâm đầu vào.
Viết bài đả kích đối thủ với "gà" của mình
Sự kết hợp giữa ca sĩ và nhà báo ngày càng phổ biến. Có thể kể tên các nhà báo như: T làm cho Đàm Vĩnh Hưng, Q.T làm cho Thủy Tiên, V làm cho Hiền Thục; H làm cho Hồ Quỳnh Hương; A.V làm cho Trà Ngọc Hằng; Q.M làm cho một số ca sĩ trẻ: Đinh Mạnh Ninh, Dương Trường Giang; H.M làm cho Hương Tràm; M.T làm cho Tuấn Hưng; M.P làm cho Long Nhật; Đ.B.N làm cho Hoàng Thùy Linh; H.H làm cho Khắc Việt, Minh Vương; P.T.T làm cho Minh Chung, Mạnh Quân, B.D làm cho Hoàng Quyên,....
Không phủ nhận nhiều nhà báo đã làm tốt vai trò của một người quản lý ca sĩ bên cạnh đó vẫn làm tốt vai trò của người làm báo, hết lòng giúp ca sĩ tạo dựng hình ảnh ấn tượng trong mắt khán giả; giúp ca sĩ trả lời phỏng vấn báo chí khéo léo, chừng mực và quan trọng hơn nữa là giúp ca sĩ ổn định về mặt tinh thần, phong độ làm việc.
Với vai trò quản lý báo chí, các nhà báo luôn cập nhật chi tiết và đầy đủ các sự kiện có sự góp mặt của nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều này đôi khi vô hình chung khiến một số phóng viên báo mạng bị "lười" đi. Họ thích công việc ngồi nhận thư và xử lý các tin bài, chùm ảnh với nội dung na ná nhau hơn là tìm kiếm, khai thác và lặn lội để có được bài viết riêng biệt.
Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ trẻ hiện nay thích nhờ nhà báo (quản lý cho mình) bằng những bài viết để đánh bóng tên tuổi, nói xấu, hạ bệ ca sĩ khác. Chuyện nhà báo kiêm bầu sô giấu mặt bằng những bút danh viết bài đả kích những ca sĩ, nghệ sĩ đối thủ với "gà" của mình là điều không phải hiếm.
Vẫn biết vai trò của người làm quản lý truyền thông cho nghệ sĩ chẳng hề đơn giản. Nếu không phải là người có kiến thức truyền thông, có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh khi xử lý khủng hoảng truyền thông thì nguy cơ thất bại rất nhiều. Sự thất bại của kế hoạch truyền thông có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của nghệ sĩ.
Bài học cho thấy rất nhiều nghệ sĩ, khi nhà báo làm được việc cho họ thì họ rất vui vẻ và tình cảm. Còn không làm được việc theo như ý muốn của sẵn sàng quay ngoắt 180 độ, nhất là với nhiều nghệ sĩ trẻ.
Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận quan tâm nhiều nhất là các nhà báo khi vừa làm công việc viết báo vừa làm quản lý truyền thông, "bầu sô" cho nghệ sĩ thì liệu có thực sự công tâm, khách quan trong các bài viết của mình? Việc viết bài vở lăng xê cho nghệ sĩ chỉ vì mối quan hệ giữa họ hơn là nhận định công bằng về tài năng và cống hiến của nghệ sĩ, hay dùng ngòi bút đả kích đối thủ "gà" của mình đều là những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo mà bất cứ ai đặt chân vào nghề cũng đều hiểu rõ.
Nhà báo làm MC, đạo diễn, ca sĩ
Ngoài công việc làm bầu sô, quản lý cho ca sĩ hiện đang tồn tại một bộ phận nhà báo sở hữu giọng hát "tạm ổn" thi thoảng cũng đi hát kiếm thêm thù lao như MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, nhà báo Mạnh Hà, Quỳnh Phạm, biên tập viên Hương Trà, biên tập viên Nguyễn Quang Long,... Bên cạnh đó, có nhà báo thi thoảng chạy sô làm MC ca nhạc như Bá Lục, Quỳnh Hương. Hãn hữu có người nhảy qua làm đạo diễn clip như Quốc Minh,...
Từng tham gia tổ chức nhiều show ca nhạc vì cộng đồng, là đạo diễn clip ca nhạc "Ngày mưa rơi" của ca sĩ Phương Linh (The Voice) mới được ra mắt và nhận nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Nhà báo Quốc Minh chia sẻ rằng đạo diễn là một công việc đặc biệt và những giá trị nó đem lại không thuộc về vật chất.
"Việc mô tả lại một ca khúc bằng hình ảnh thực tế là một thử thách và trải nghiệm rất thú vị. Nó thực sự cân não của người đạo diễn vì sẽ phải kết hợp rất nhiều yếu tố, cân đối, đong đếm và chính sửa sao cho giá trị thẩm mỹ nằm trong con số chung nhất mà không làm mất đi nội dung cốt lõi của bài hát" - Quốc Minh nói.
Với nghệ danh "Khôi Minh", nhà báo Mạnh Hà không giấu giếm việc cát xê mỗi tối đi hát cho một nhà báo như anh giao động từ 500.000 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh đã không còn hứng thú với công việc này bởi những lý do như "thấy mình không đủ đam mê với lại làm nghề này cũng phải chịu khó quan hệ".