Đêm nhạc Nghìn trùng xa cách , diễn ra đầu tháng 3, là minh chứng cho sự đối lập ở phong cách và thái độ hát nhạc xưa của các ca sĩ nổi tiếng: Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương và Đức Tuấn.
Chương trình dành tôn vinh các tên tuổi: Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh và Văn Cao. Trong số các ca sĩ được mời biểu diễn, Thanh Lam và Tùng Dương "nổi bật" hẳn vì sự biến tấu, phá cách khi đứng trên sân khấu.
Thanh Lam thể hiện đơn ca: Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Buồn tàn thu (Văn Cao)... Hai bản nhạc của hai tác giả, được sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là lời ca buồn man mác, tiết tấu chậm, ý tình gửi vào ca từ, giai điệu thâm trầm và nhẹ nhàng, sâu sắc. Đến với Thanh Lam, nhạc phẩm đã được khoác vào bản phối mới, nhấn nhá những nét nhạc Jazz.
Phong cách biểu diễn của Thanh Lam cũng rất Jazz, rất ngẫu hứng. Từ biểu cảm nét mặt, cử chỉ đến nhấn nhá câu từ đều được chị thể hiện có phần quằn quại, kịch tính. Trong nhịp nghỉ giữa các câu hát, chị luyến láy thêm nhiều đoạn vocal tùy hứng. Với Thu quyến rũ , có đoạn chị dừng lại để hướng micro xuống khán giả chờ đợi sự cộng hưởng hát theo từ người nghe. Nhưng đáp lại nữ ca sĩ chỉ là khoảng im lặng từ các hàng ghế. Rõ ràng nhiều khán giả chưa kịp "định thần" để thưởng thức nhạc xưa theo phong cách mới như thế này. Nhiều khán giả ở đêm nhạc đều ở tuổi trung, cao niên, nên khó có chuyện họ hòa giọng cùng Thanh Lam dù là ở trong một nhạc phẩm mà họ yêu thích. Với nhạc xưa, đa phần người nghe vẫn quen chìm đắm trong sự nhẹ nhàng, tinh tế hơn là cách thể hiện có chút ngẫu hứng, ồn ào.
Sang Buồn tàn thu , Thanh Lam một lần nữa nỗ lực đặt cá tính của mình vào nhạc phẩm. Nhiều người có cảm tưởng đôi lúc chị "oằn mình" để thể hiện bài hát với nhịp điệu rất chậm, như thủ thỉ, tỉ tê, rồi sau đó, càng về cuối, chị ngân nga, luyến láy, làm nặng thêm giai điệu, biến tấu nét âm hưởng ca trù như để nhấn mạnh thêm chất liêu trai. Sự làm mới này dễ khiến cho nhạc phẩm có âm hưởng buồn man mác trở nên nặng nề.
Cảm giác này lặp lại khi Thanh Lam và Tùng Dương song ca Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy). Hai nghệ sĩ trút sự mãnh liệt vào hai ca khúc bằng phong cách thể hiện mạnh mẽ và cảm xúc cuồng nhiệt. Chính điều này góp phần nhấn chìm chất trữ tình đặc trưng của ca khúc.
Với dòng nhạc xưa, một người có chất giọng tốt chưa hẳn là người sẽ hát hay, truyền cảm. Sự "lên đồng" của Tùng Dương khi hát Thiên thai của Văn Cao khiến anh chưa khác hẳn với một Tùng Dương của Chiếc khăn piêu. Đức Tuấn sôi nổi và cường điệu với Mùa thu chết khiến không ít người nghe hơi bị "mệt". Đây có thể là lý do nhiều khán giả có tuổi đã cất công đến sân khấu nghe nhạc nhưng không ít người đứng lên ra về ngay khi các nghệ sĩ đang thể hiện trên sân khấu. Không phải chương trình diễn ra quá khuya hoặc ca sĩ hát không hay. Nhưng có lẽ, nhiều khán giả không tìm được cái họ cần tìm khi đến với một đêm nhạc xưa.
Khi các nghệ sĩ thế hệ sau thể hiện nhạc phẩm do những đại thụ trong làng tân nhạc Việt Nam (tạm gọi là dòng nhạc xưa) sáng tác, luôn xảy ra những tranh cãi sôi nổi giữa những người yêu dòng nhạc này: Khán giả cần sự sâu lắng, giữ nguyên phong vị của các nhạc phẩm hay muốn tìm kiếm sự sôi nổi và phá cách?
Ngoài các ca sĩ tên tuổi nói trên, một tiết mục gần như là "thảm họa" trong đêm Nghìn trùng xa cách chính là màn tam ca Mùa xuân đầu tiên của top 3 giải cao Tiếng hát Truyền hình TP HCM 2012. Lưu Hiền Trinh, Trần Tuấn Hòa và Quang Huy hầu như không thể hòa hợp với nhau trong giai điệu. Riêng Lưu Hiền Trinh hát phô giọng, uốn éo hình thể quá nhiều để rồi lỡ nhịp khi kết hợp với hai đồng nghiệp. Tam ca đã mang đến màn trình diễn hơi ồn ào thay vì thể hiện chất tươi tắn, hồn nhiên và sảng khoái của bài hát.
Trước đây, khi hát trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh với chủ đề Lá đổ muôn chiều , Thanh Lam từng chia sẻ với báo giới, đại ý: “Mọi sự rập khuôn đều mờ nhạt và tôi cho rằng bất cứ nghệ sĩ nào cũng phải sáng tạo, dù cái mới có thể khó chấp nhận, nhưng dần dần sẽ hay”. Tất nhiên, nghệ sĩ làm nên sự khác biệt và được khán giả yêu ở cá tính. Nhưng đặt cá tính của mình vào từng trường hợp cụ thể như thế nào còn tùy thuộc vào bản lĩnh nghề nghiệp của từng người. Sự làm mới bản thân là phạm trù hoàn toàn khác với việc làm mới những giá trị nghệ thuật. Chính vì thế, để "cái mới" có thể đi liền với "cái hay, cái đẹp" trong sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc nói riêng và trong các loại hình nghệ thuật nói chung đòi hỏi nghệ sĩ phải có thời gian, trải nghiệm, nghiên cứu cẩn thận trước khi "ngẫu hứng", "phá cách" theo bản năng. Ngoài ra, khán giả cũng phải là người cởi mở, đón nhận cái mới hơn là khư khư giữ chủ kiến.