"Thương lắm tóc dài ơi" có sự tham gia của rất nhiều các ca sỹ như Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Quang Linh, Nguyễn Ngọc Anh. Là ca sỹ trẻ nhất của đêm nhạc nhưng Hương Tràm lại được xếp ở vị trí veddett. Cô trình diễn ba ca khúc "Anh", "Nghi ngờ", "Hạ Trắng" và song ca "Tình yêu tôi hát" với anh trai - ca sỹ Tiến Mạnh.
Ngoài ca khúc "Anh" đã được thể hiện rất thành công trên sân khấu The Voice, Hương Tràm đều tỏ ra đuối ở những ca khúc còn lại. Không những thế, khi song ca "Tình yêu tôi hát" với anh trai, Hương Tràm còn hát sai lời. Thay vì hát đúng là "Anh có nghe tình yêu tôi hát" như Tiến Mạnh thì cô lại hát thành "Anh có nghe lời ca tôi hát".
Mặc dù Hương Tràm chỉ hát sai lời có hai từ nhưng đó lại chính ở đoạn hòa giọng với Tiến Mạnh. Chính vì thế, nó gây một chút khó chịu đối với người nghe.
Ngoài Hương Tràm, một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc đỏ Trọng Tấn cũng mắc phải sai sót trong phần trình diễn của mình trong đêm nhạc "Thương lắm tóc dài ơi".
Khi trình diễn ca khúc nhạc xưa "Em đã thấy mùa xuân chưa", Trọng Tấn gặp vấn đề với phần nhạc đệm. Có vẻ như trục trặc trặc xuất phát từ phía ban nhạc đã khiến Trọng Tấn không thể vào được nhạc. Nam ca sỹ này đã rất cố gắng để hoàn thành phần trình diễn của mình. Tuy nhiên, anh cũng chỉ có thể hát được một lần ca khúc "Em đã thấy mùa xuân chưa" rồi dừng lại và xin lỗi khán giả.
Sau sự cố này, Trọng Tấn đã thể hiện rất thành công những ca khúc như "Tình em", "Bông hồng cài áo" và song ca với Anh Thơ "Giận mà thương", "Trên công trường rộn rã tiếng ca".
Anh Thơ có lẽ là ca sỹ thể hiện xuất sắc nhất trong đêm nhạc "Thương lắm tóc dài ơi". Cô khiến khán giả mê đắm và ngưỡng mộ trước một giọng ca hoàn hảo khi cất tiếng hát "Đừng ví em là biển" và đặc biệt "Tàu anh qua núi" - một sáng tác của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa dành cho người vợ của anh - ca sỹ Thanh Hoa. Những tràng pháo tay đã dành cho Anh Thơ không ngớt sau những phần trình diễn này.
Nam ca sỹ Quang Linh đã có sự tái ngộ khá ấn với khán giả Hà Nội. Giọng ca Huế này trình diễn các sáng tác của nhạc sỹ Phạm Duy như "Áo anh sứt chỉ đường tà", "Ngày xưa Hoàng Thị" và "Quê nghèo".
Trước khi trình diễn ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị", Quang Linh đã rất duyên dáng khi kể lại câu chuyện về nhân vật chính trong ca khúc. Theo lời kể của nam ca sỹ gốc Huế này thì ca khúc được nhạc sỹ Phạm Duy sáng tác về một cô gái có tên là Ngọ. Nhà cô Ngọ này ở gần nhà Quang Linh nên anh còn nhớ rất rõ. Khi anh mới 8,9 tuổi thì cô Ngọ đã nổi tiếng khắp vùng kinh kỳ bởi vẻ xinh đẹp, nền nã của mình. Cứ mỗi lần cô đi học qua là các anh, các chú của Quang Linh dù đang làm việc gì đó thì cũng phải dừng lại, bất động để ngắm cô.
Cô Ngọc được rất nhiều thanh niên Huế theo đuổi. Cuối cùng, cô lấy một anh bác sỹ và có với nhau 4 người con.
Thời đó thì người ta sống bằng thực phẩm đổi bằng tem phiếu. Mọi người thường đổi lấy bột mì rồi mang tới một cửa hàng xay sát cán ra làm mì sợi để nấu. Cô Ngọ này cũng giống như bao người phụ nữ Huế thường làm công việc đó. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì cô lại phải lòng anh chủ cửa hàng xay sát. Không may cho người phụ nữ này là anh này lại là người rất hào hoa. Yêu cô Ngọ một thời gian thì anh ta lại quen thêm rất nhiều cô gái khác.
Trước áp lực từ phía dư luận, từ gia đình và thất vọng trong tình cảm, cô Ngọ đã tìm tới cái chết. Đám tang của cô đã khiến cả thành phố Huế rúng động. Người đến đưa tang cô cũng nhiều và rất lâu sau đó, người ta vẫn còn bàn tàn về cô.
Sau khi kể câu chuyện xúc động trên, Quang Linh cho hay, anh tôn trọng cuộc sống riêng của cô Ngọ và cất tiếng hát "Ngày xưa Hoàng Thị" như một sự cảm thương dành cho người phụ nữ bạc mệnh này.
Ngoài Hương Tràm, Tiến Mạnh, Anh Thơ, Trọng Tấn và Quang Linh, Việt Hoàn, Nguyễn Ngọc Anh và các ca sỹ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã hoàn thành khá tốt phần trình diễn của mình. Đêm nhạc "Thương lắm tóc dài ơi" sẽ còn diễn ra trong hai tối 7 và 8/3.
Một số hình ảnh của các ca sỹ trình diễn trên sân khấu trong đêm diễn tối 6/3: