Theo lời nhà báo Đinh Thu Hiền, khi viết về cuộc chia ly của Thương Tín và người vợ thứ hai, chị đã rất xúc động.
Không chỉ vì tình tiết chị Nghĩa, vợ Thương Tín về báo mộng cho mẹ chồng là mình đã chết, mà hơn thế, là cảm giác “rất rõ” như là có ai đó đang đứng sau lưng mình. Lúc đó là 2 giờ sáng.
Nhà báo Đinh Thu Hiền kể: “Ban ngày tôi đi làm tòa soạn nên hầu như thời gian viết sách đều là ban đêm. Khi tôi viết đến đoạn hồi ức của anh Tín về cảnh anh ngồi trong chiếc thuyền thúng và nhìn hai mẹ con chị Nghĩa đi lên tàu và không kịp lên chuyến tàu đó.
Anh phải quay trở về thành phố, khi ấy, nhà cửa, xe cộ, tài sản đã bán hết rồi. Khi má anh ở quê lên hỏi, Nghĩa đâu rồi con?
Vì bà chưa biết là hai mẹ con chị Nghĩa đã đi vượt biên. Rồi bà kể về giấc mơ thấy chị Nghĩa mặc đồ trắng về, dắt hai đứa con đi. Bà hỏi mà chị không nói gì.
Khi tôi viết đến đoạn đó, tôi có cảm giác là có người nào đó đứng ở phía sau mình”.
Chính Thương Tín cũng cho biết, mặc dù rất mong được một lần mơ thấy người vợ ấy, nhưng trong suốt mấy chục năm qua, tâm nguyện đó của anh không thành hiện thực.
Mặc dù có tới 4 người vợ, nhưng bà Nghĩa là người làm anh nặng lòng nhất mỗi khi nghĩ về. Trong anh, luôn có chút gì đó như ân hận vì chưa một lần nói lời yêu với người phụ nữ đó.
Cũng theo lời người trong cuộc, cuốn hồi ký được thực hiện trong hai năm. Cứ cách 1 ngày họ lại gặp nhau 1 lần. Và mỗi lần gặp, Thương Tín nhớ được cái gì thì kể cái đó. Còn Đinh Thu Hiền cứ ghi âm lại.
Vậy nên, giai đoạn bóc băng ghi âm với Đinh Thu Hiền là khâu khó khăn và phức tạp nhất. Chị phải chắp nối cho các câu chuyện mà Thương Tín kể được liền mạch, đúng sự thật đã diễn ra trong cuộc đời giông tố của anh.