Qua điện thoại, giọng Hải Yến nhẹ nhàng và dễ thương khiến tôi cứ hình dung Yến là một cô nàng dịu dàng với đầm váy điệu đà, hàng hiệu như bao ca sĩ khác.
Nhưng ngược lại với suy nghĩ đó, Nguyễn Hải Yến để mái tóc khá nam tính, mặc một chiếc quần jeans ngắn phối với áo sơ mi dài tay màu trắng trùm mông và mang một đôi giày thể thao khi tới cuộc hẹn với tôi.
Lúc đầu trò chuyện, Yến khá rụt rè. Chỉ khi cuộc nói chuyện đã thân mật hơn, tự nhiên hơn, Yến mới tâm sự rất thật. Yến chẳng giấu gì, cả những chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt của bố mẹ.
Có lẽ vì cả người hỏi và người trả lời đều như kể, như trút lòng mình với nhau, để chia sẻ về những nỗi niềm mà bất cứ một số phận nhỏ bé nào ở cuộc đời này cũng có thể... nếm trải.
“Mẹ sợ em bị les”
Nhà em có 3 anh chị em, Yến là con út. Từ ông bà, cô dì, chú bác đến anh chị em họ nhà Yến đều không ai làm về nghệ thuật.
Nguyễn Hải Yến đã đến với âm nhạc như thế nào?
Trước em là vận động viên thể thao đấy chứ, quãng từ năm 1998 đến 2002.
Rồi vì sao Yến lại rẽ sang ca nhạc?
Hồi đó em thi đấu giải bị chấn thương đầu gối phải nên nghỉ. Hơn nữa, từ đầu mẹ đã phản đối em theo nghề vận động viên thể thao rồi. Bởi vì mẹ cũng đi xem em thi đấu một số giải, trong đó có giải Mở Rộng toàn quốc ở Bình Thuận, năm đó em được huy chương Bạc.
Mẹ em bảo, đẻ con lành mà cứ thế này thì chắc thành con què. Mà cả nhà có mỗi cô con gái thôi. Mà mẹ thì không ở gần do hoàn cảnh gia đình em cũng có chút phức tạp.
Thứ hai là, con gái thì đến tầm tuổi đó là lẽ ra phải có bạn trai rồi nhưng em thì chả bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Em nhớ là phòng em ở có khoảng 8 đến 12 bạn, mà không chỉ có các bạn cùng đội tuyển mà còn có các bạn nữ đá bóng.
Các bộ môn khác còn đỡ, riêng chuyên ngành đá bóng thì nhìn ai cũng như con trai. Mẹ sợ em bị les. Ngày xưa làm gì có trào lưu lệch lạc giới tính như bây giờ nhưng mẹ em vẫn sợ.
Em được nhiều huy chương lắm, từ Giải Hội khỏe Phù Đổng, Giải trẻ, Giải Mở rộng, Giải Châu Á... Hiện ở nhà em có khoảng hơn chục cái huy chương nhưng không có cái nào là đồng, toàn vàng với bạc.
Hồi em thi cấp 2, cấp 3 đều được cộng điểm nhờ các giải thưởng về thể thao hết.
Nói như vậy, trong làng thể thao ở Hà Nội những năm ấy, Nguyễn Hải Yến cũng là một ngôi sao rồi...
Ngày xưa khi em ở liên đoàn thì mọi người cũng biết em. Hồi đấy em thi đấu hạng 51kg nhưng em là lùn nhất trong phi đội đấy luôn. Em khủng nhất. Các bạn thường 51kg thì cao trên 1m60 cả, chỉ có em là 1m55.
Để giành được các giải thưởng em nghĩ đó là nỗ lực của bản thân, là đam mê. Ngày xưa giải cũng không có nhiều, quanh đi quanh lại ở hạng cân đấy thì các vận động viên gặp nhau hoài nên chuyện mọi người ấn tượng cũng là điều đương nhiên thôi.
Nhưng mọi người ấn tượng với em ở chỗ, sao mà có một đứa vừa béo vừa lùn mà lại nhanh thế.
Phải từ bỏ đam mê thể thao hẳn chấn thương đó nặng lắm?
Em bị chấn thương đầu gối, nứt rạn xương bánh chè. Đó là vào năm 2001, lúc đó em đang học lớp 11. Đến tận bây giờ em mới hiểu là chơi thể thao, bị chấn thương lúc đang ở tuổi lớn thì ảnh hưởng đến sau này như thế nào.
Sau này chân trái em vẫn phát triển bình thường nhưng chân phải thì ngưng không phát triển nữa. Nếu mọi người để ý thì sẽ thấy Hải Yến là người đi vẫn theo kiểu chân viết chân xóa đi, hơi tập tễnh.
Em còn nhớ là khi em thi vào trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội thì em bị tăng cân vù vù do nghỉ tập luyện mà vẫn duy trì chế độ ăn như cũ. Em phì ra nhanh lắm.
Câu chuyện về chiếc áo dài và đôi guốc...
Nhưng tại sao lại là thanh nhạc mà không phải lĩnh vực khác?
Em chọn ngành khác chứ. Lúc đầu em đăng ký thi sân khấu điện ảnh. Đó là năm trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội mở khoa diễn viên đầu tiên. Và em nghĩ là năm đầu tiên tuyển diễn viên thì cơ hội sẽ tốt hơn cho mình nhiều. Vậy là em đăng ký.
Em đã chuẩn bị 1 tiểu phẩm ngắn, tiếng anh, văn. Em đăng ký hồ sơ xong ra đến cổng trường em gặp Minh Vương M4U bây giờ. Minh Vương học cùng trường cấp 3 với em nhưng khác lớp. Em là bí thư lớp cũng tham gia một số hoạt động văn nghệ nên biết nhau cả.
Minh Vương bảo "Yến ơi hát hay thế mà không đi thi thanh nhạc". Em bảo "Thôi ông ơi, vừa lùn vừa béo như tôi có hát nghìn năm cũng không thành ca sĩ đâu". Minh Vương bảo "Cậu cứ thử đi, biết đâu đấy".
Hồi đó hồ sơ được đăng ký nguyện 2, nguyện vọng 3 mà, thế là em đăng ký 2 khoa cùng 1 trường luôn. Em đỗ thanh nhạc. Tính về chuyên ngành thì em là Á khoa chỉ sau Cao Thái Sơn.
Em cùng khóa với Cao Thái Sơn và Tăng Nhật Tuệ. Điểm của Cao Thái Sơn được 9.5, em được 9.3.
Minh Vương học trong trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội từ trước rồi. Vương học guitar nên chắc là em cũng được bạn thẩm định về giọng hát rồi hay sao ý. Chắc bạn thấy cũng được (cười).
Chị không thể hình dung, từ một vận động viên thể thao Yến thi và trở thành ca sĩ như thế nào?
Nộp đơn xong em mới nghe các bạn hỏi là cậu học tạo nguồn ở đâu? Em ngơ ngác không hiểu tạo nguồn là cái gì. Em tìm hiểu mới biết, thì ra trước khi các bạn đăng ký thi, các bạn đã đăng ký học một cô giáo từ rất lâu rồi.
Trước ngày thi 2 tháng rưỡi, em cũng đi tìm giáo viên để học vì lớp tạo nguồn trong trường đã học lâu rồi, người ta không nhận nữa. Em học cô Vương Kiều Vân, hiện là Phó Khoa Thanh nhạc của trường bây giờ. Cô đang là giám khảo Đồ rê mí.
Em đến nhà. Cô bảo, "Trời ơi, người ta học từ đời nào kiếp nào rồi bây giờ mình mới đi học". Cô bảo, hát thử đi, hát xong rồi nói chuyện.
Em chọn "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa". Mới hát xong 3 câu cô bảo, "Hát thế này thì học cho vui thôi con nhé, có trượt thì sang năm thi lại con ạ". Tự dưng lúc ấy cái quyết tâm là mình phải thi bằng được nó trỗi dậy.
Em học điên cuồng 3 bài để đi thi. Giờ em vẫn nhớ 3 bài đó: "Đàn chim Việt", "Cây thùy dương" và 1 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh. Thi 3 bài, 3 thể loại.
Ngày thi diễn ra như thế nào?
Đó đúng là ngày cực hình. Em vốn dân thể thao chưa bao giờ mang guốc. Hôm đi thi, mẹ sắm cho đôi guốc 5 cm. Mẹ dẫn em đi may chiếc áo dài đầu tiên trong đời.
Hồi học sinh em cũng có áo dài nhưng toàn mặc đồng phục nam, em không thích mặc váy. Em vẫn giữ chiếc áo dài ấy đến mãi gần đây mới cho dì. Chiếc áo dài màu đỏ tía.
Hồi học cấp 3, thứ 2 đầu tuần các bạn nữ phải mặc đồng phục áo dài nhưng em không bao giờ mặc. Trong 2 bộ đồng phục có 1 bộ áo dài, 1 bộ quần áo, em luôn chọn bộ quần áo.
Mẹ đặt tên vần Y, hôm đi thi đợi từ 7h sáng đến 11h trưa, ăn xong bữa cơm qua chiều mới tới lượt. Em đứng một lúc là muốn quẳng ngay đôi guốc rồi, mà em thì mập, mặc áo dài trông như cái đòn bánh tét.
Lúc đó em nặng 68kg. Các bạn bảo, lần đầu tiên, có đứa tự tin như em, vừa béo vừa lùn mà mặc áo dài. Nhưng khi em hát thì mọi người phải có suy nghĩ khác về em. Đến giờ Cao Thái Sơn vẫn nói như thế.
Năm đó chị Minh Ánh chấm và em bị chị trừ điểm trang phục. Vì sau một hồi đi guốc, em chịu không nổi nên ra ngay ngoài mua đôi dép lào để đi.
Vậy mà Yến vẫn giành ngôi vị Á khoa?
Em được Á khoa môn thanh nhạc thôi, còn những môn kia, em xách dép mọi người. Trong xướng âm, thẩm âm tiết tấu có rất nhiều giọng, đồ, rê, mi, fa, sol, la, si, đô. Có trưởng và thứ, chưa tính thăng giáng.
Em thuộc làu làu sol trưởng, đến lúc vào thi em bốc ngay phải rê thứ. Lệch hẳn ra ngoài tủ. May quá, em chỉ vừa đủ điểm để đỗ thôi. Còn văn em được 6,5.
Bạn học cùng lớp, Cao Thái Sơn đã nổi tiếng từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn Yến?
Đúng là khi đang học năm nhất, năm hai Cao Thái Sơn đã là ngôi sao ở trường rồi. Dù vậy, trong quá trình học, em và Cao Thái Sơn luôn nằm trong top 3 của lớp. Em và anh Sơn cứ lần lượt thay đổi vị trí cho nhau.
Em còn nhớ Cao Thái Sơn rất chăm chỉ. Ngày xưa Cao Thái Sơn còn học trường Thương Mại hay Ngoại thương gì nữa cơ. Cao Thái Sơn chỉ học chuyên ngành bên này còn các môn khác học hết bên kia.
“Bố mẹ bỏ nhau từ năm em học lớp 6”
Nãy Yến nói đến chuyện gia đình có chút phức tạp...?
Em không ngại nói thật với chị đâu. Mẹ và bố em bỏ nhau năm em học lớp 6. Sau khi mẹ lấy người khác thì bố cũng lấy người phụ nữ khác rồi về Hưng Yên ở luôn. Khoảng 2 năm sau, tức là vào năm em học lớp 8.
Em ở với anh trai nên tính em thật ra cũng hơi nam tính. Em nói thật, ngày ấy mà em vào showbiz thì Gil Lê cũng không có cửa với em đâu (cười)!
Bố một nơi, mẹ một chốn, ba anh em ở với nhau ư?
Đầu tiên là 3 anh em ở với nhau. Hơn 1 năm sau mẹ đi Trung Quốc về, mẹ em đi buôn bán làm ăn bên Trung Quốc. Mẹ xây cho cái nhà mới. Anh lớn ở nhà cũ, hai anh em em ở nhà mới mẹ xây cho.
Vì mẹ em nghĩ là chuyện tình cảm với người đàn ông dẫu có không được trọn vẹn nhưng con cái thì vẫn phải lo. Lúc đó anh cả 22 tuổi, anh thứ 2 cũng 20 rồi. Mẹ tính xây nhà để mốt các anh có lấy vợ cũng tiện vì các anh có bạn gái cả rồi.
Vậy cuộc sống của mấy anh em khi đó thế nào?
Lớp 7 em đã bán hàng rồi. Em bán kẹp tóc, cột tóc, mẹ em buôn bán hàng đó mà. Mẹ đưa hàng về cho bán. Sáng em bán hàng, chiều đi học. Tiền tiêu của hai anh em, em lo hết. Mẹ cho tiền đóng học thôi, đó là khoản cố định.
Hai anh em thay nhau nấu cơm. Em nấu sáng, anh trai em nấu chiều. Vừa bán vừa nấu. Cầm tô cơm, vừa bán vừa ăn.
Anh trai em không học cao đâu. Anh cả làm thợ hàn. Anh thứ hai làm cho ông cậu, chuyên chở vôi ve, vôi bột. Chính vì thế sau này, khi em về đội tuyển ở thì anh đóng cửa hàng kẹp tóc để mở đại lý sơn. Em còn nhớ là sơn cova.
Tính cách Yến có bị ảnh hưởng từ những năm tháng tuổi thơ không tròn trặn ấy không?
Có chứ chị. Đến giờ em vẫn nói với mọi người là, không gì tốt nhất bằng việc con cái có đầy đủ bố mẹ. Em không cổ súy cho chuyện các bạn đăng đàn làm mẹ đơn thân đâu.
Đứa trẻ chỉ tốt nhất khi có được cả bố lẫn mẹ. Chuyện vợ chồng biết là không tính xa được, đi được với nhau ngày nào hay ngày ấy. Quan trọng là tôn trọng nhau, nếu mốt không hợp nhau, không ở được với nhau thì còn phải lo cho con cái.
Cám ơn Hải Yến đã chia sẻ, chúc Yến luôn lạc quan và cá tính trong cả cuộc sống lẫn âm nhạc!