- Sống khác, với ông, có là một trải nghiệm thú vị?
- Với tôi, sống khác chỉ đơn giản là được sống, được thấy mình trong đó. Ở tất tật những nơi mình có mặt và tham gia một cách tự nguyện: từ chuyện vào sân xem bóng đá đến việc lau nhà, rửa bát, đi chợ, làm vườn, la cà chè chén vỉa hè, cà phê một mình hay “cà phê thứ bảy” với nhiều mình, thậm chí cả cãi nhau nữa. Sống mà không có mình trong đó thì chẳng có gì thú vị cả. Ngồi cà phê hoặc bia rượu với nhau mà chỉ có chuyện “chính trị vỉa hè”, chuyện “tiếu lâm hiện đại”, nói xấu người nổi tiếng khi họ vắng mặt…, tôi thấy không có mình ở đó. Nghĩa là không “được sống”. Những lúc đó, tôi thường đánh bài chuồn.
- Một người gần như không lúc nào chịu ngồi yên, nhưng lạ thay, vẫn gây cảm giác “sống chậm”. Phong thái ấy đến từ đâu?
- “Được sống” và “sống chậm” theo tôi là 2 khái niệm không đồng “phạm trù”. Sống chậm không đồng nghĩa với sống ít, cũng không đồng nghĩa với sự chậm rãi theo kiểu rề rà. Sống chậm là sống sâu, sống tập trung, sống đến cùng với một quá trình, một trạng thái, một công việc. Không “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”, không “ăn xôi ở thì”, không “đi tắt đón đầu”, không “mềm nắn rắn buông”, “dễ làm khó bỏ”, không “đẽo cày giữa đường”, không “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”…
“Được sống” không có nghĩa là sống nhiều, theo kiểu “hòa thượng thích đủ thứ”. Tùy vào sức khỏe, khả năng tài chính và văn hóa nền tảng cá nhân và cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội nữa mà sẽ là “ít” hay “nhiều”. Nhưng điều quan trọng không phải là nhiều hay ít mà là trong những cách “sống” đó, có mình hay không.
- Trong sự quảng giao của mình, điều gì đã khiến ông có thể sống chung được với người khác mà không vấp phải một scandal nào, dù không ít lần cả giận?
- Tôi không phải là người quảng giao. Tôi rất nóng tính, nhưng trong mọi mối quan hệ, tôi thuộc loại người không có tính tranh đấu nên vì thế cũng ít có scandal.
Tôi làm việc chủ động. Chủ động tìm người, chủ động kết bạn. Khẩu hiệu của tôi là “yêu tất cả mọi người nhưng khi làm việc chỉ tin cậy vào một số người”. Trong mấy chục năm hoạt động âm nhạc, tôi thấy sự tin cậy ấy không sai. Đừng chỉ thấy mình, đừng quá yêu mình, cái gì cũng vơ về cho mình, đừng lấn chỗ người khác! Hãy xếp mình ở cuối hàng! Nếu được như thế thì tính nóng chỉ là chuyện nhất thời, dễ được tha thứ thôi. Là một người tim mạch có vấn đề, tôi rất cảm ơn sự tha thứ của mọi người.
- Bằng việc tạo ra sự kết nối giữa những người ưa thích sáng tạo và người sáng tạo qua chuỗi hoạt động của “Cà phê thứ bảy”, ông có lạc quan hơn về sự đổi khác, sẽ đến từ một lớp khán giả có tiền và có học?
- Sự kết nối đó là rất cần thiết, dù hiện tại, mới chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp. Qua 3 năm đồng hành cùng “Cà phê thứ bảy”, tôi đã nhìn ra cái vẻ đẹp ẩn giấu ở những người trí thức. Nó cho tôi niềm cảm hứng và sức mạnh để làm việc. Có rất nhiều người hay hơn mình, giỏi hơn mình. Họ đang làm cuộc leo dốc đầy khó khăn, đáng khâm phục.
- Năm qua, như ông thấy, là một năm diễn ra nhiều đợt dậy sóng hơn cả của người hâm mộ, trước yêu cầu người nổi tiếng cần phải sống khác, ít ra là sống kịp với những gì họ đang có trong tay: tên tuổi, sự kỳ vọng của công chúng… Đòi hỏi đấy theo ông có chính đáng?
- Mọi cái diễn ra đều có lý của nó. Thực tế cho hay khi cái xấu không còn che giấu, nó muốn đóng vai trò chủ đạo thì cái tốt sẽ “đánh tiếng” như một phản ứng tự nhiên. Mà đã là phản ứng thì bao giờ cũng có đầy đủ những cung bậc, có nghiệt ngã, có điềm tĩnh, có công bằng. Không nên nghĩ rằng nó chính đáng hay không. Nghiệt ngã quá khích cũng có vai trò và giá trị của nó. Dù điềm tĩnh công bằng là cái chúng ta cần hơn. Nhưng theo tôi, nên có cả hai, thì mới là đời sống!
- Cái khác đáng ngại nhất ở đây phải chăng là chuyển động ngược chiều này: Trong khi khán giả thì đang cố gắng “lớn lên”, nhưng không ít người của công chúng thì lại đang “lớn… xuống”?
- Người của công chúng lý ra phông văn hóa phải cao hơn khán giả của mình. Nhưng lúc này, có vẻ như với một số (thực ra là khá nhiều), thì ngược lại. Nổi tiếng ghê gớm nhưng “lùn” cũng ghê gớm. Những “chú lùn không tự biết” ấy gần như hết thuốc chữa. Vì lớp “khán giả lùn” của họ đông quá. Chưa kể, còn cả một đội ngũ những phóng viên “lùn”. Cái hệ thống “lùn” ấy, liên doanh “lùn” ấy đang chế ngự tinh thần của xã hội ta (mà tôi gọi là “quyền lực lùn”).
“Xã hội lùn” thì đẻ ra “văn hóa lùn”. “Văn hóa lùn” thì đẻ ra “công chúng lùn”. “Công chúng lùn” thì đẻ ra “người nổi tiếng lùn”. Bao giờ thì chấm dứt được cái vòng “sinh sản vô tính” này? Câu trả lời thuộc về những người... chưa ra đời. Còn chúng ta, khi nhận ra điều này là đã bắt đầu cho một sự trả lời rồi.
- Từng nhịn ăn để nghe nhạc, ông có thể giúp cho những người mà phông văn hóa không theo kịp sự nổi tiếng kia một lời khuyên: Làm thế nào để có thể đi xa từ chỗ mình đứng?
- Tôi không dám khuyên ai, nhất là với những người nổi tiếng, vì mỗi người một khác, mỗi thời một khác. Bản thân tôi phông văn hóa cũng chẳng cao gì cho lắm. Chỉ có một điều có thể chia sẻ được với các bạn là nếu luôn thấy mình thiếu thì sẽ tận dụng được nhiều cơ hội để tiếp nhận, để nạp vào, và nhờ vậy, vốn liếng sẽ một giàu lên. Nếu luôn thấy mình thấp thì mình sẽ có động lực để vươn lên, cao lên. Có thể giàu không bằng ai, cao không bằng ai, nhưng sẽ giàu hơn, cao hơn chính mình, và thế cũng là đã đủ!...