Những ngày qua, tên của Thùy Minh, đã đốt nóng trên mạng. Có lẽ trong lịch sử MC của nước nhà, chưa một MC nào bị cộng đồng phản ứng gay gắt như Thùy Minh.
Những từ mà cộng đồng mạng dùng cho Thùy Minh nhiều nhất trong thời gian này đều gắn với từ “vô”. Đó là "vô duyên".
Nếu Thùy Minh chịu khó đọc, chịu khó lắng nghe công chúng của mình phản ứng, hẳn Thùy Minh sẽ thấy được điều này.
Ăn mặc như "cái bang" thế này thì có nên chê bai cách ăn mặc của người khác?
Và nói như cách Thùy Minh đã từng nói Kỳ Duyên: Là nói thế thôi, nhưng chắc chắn, Thùy Minh đã đọc.
Thực ra, từ “vô duyên” mà Thùy Minh được nhận từ lâu rồi. Không phải từ sự kiện cô làm show “Những kẻ lắm lời” này.
Trên facebook hồi cô mới tập tọe làm MC trên một kênh truyền hình, đã có không ít những status nêu quan điểm rằng, Thùy Minh dẫn chương trình rất vô duyên.
Mà thực tế thì… vô duyên thật. Nhất là những màn Thùy Minh phỏng vấn, thay vì có những sự nhã nhặn lịch sự cần thiết với người đối diện, Thùy Minh luôn “cắt họng” nhân vật của mình, với một cách hỏi tự tin một cách thái quá để chứng tỏ mình cá tính.
Nhưng những câu hỏi không có chút gì đặc biệt, cũng chẳng thể hiện được trí thông minh hay độ sâu sắc của người hỏi.
Nếu bạn xem chương trình “Ghế đỏ” của Thùy Minh trên một kênh truyền hình, hẳn bạn sẽ cảm nhận được điều này rất rõ.
Một MC truyền hình có nghề, thì việc tối kỵ nhất là để nhân vật của mình có cảm giác khó chịu hoặc cảm thấy không muốn hợp tác trong phần trả lời. Nếu có, đó sẽ là một thất bại thảm hại của các talk show.
Những chương trình Thùy Minh làm đôi khi làm người ta nhớ lại một talk show “kinh dị” mà trước đây MC Thành Nhân từng làm khi phỏng vấn Ưng Hoàng Phúc.
Với cách hỏi đầy “bề trên” và thiếu kỹ năng ứng xử của Thành Nhân, Ưng Hoàng Phúc đã từ chối và bỏ vào trong, để lại Thành Nhân với…gạch đá của cộng đồng.
Thùy Minh cũng chẳng khá hơn. Xem show của cô, có một vài bình luận rằng: “Cô này bị…tăng động”. Thôi thì, làm người cuả công chúng, việc nhận những bình phẩm trái chiều từ phía công chúng suy cho cùng cũng bình thường thôi.
Nhưng, một người làm nghề thiếu kỹ năng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vì chẳng có nhà đài nào lại muốn chương trình mình bị ghét vì một cô hay một cậu MC khiến người ta mất thiện cảm với chương trình của họ.
Và cũng chẳng một nhà đài nào có thể dung nạp một MC luôn chứng tỏ mình có cái tôi mà cái tôi đó luôn làm cho mọi thứ “hỏng hết bánh kẹo”
Tóm lại, kỹ năng giao tiếp kém, phong cách không ổn, thì việc không nên làm MC là việc tốt biết bao nhiêu cho hàng triệu công chúng ngồi trước màn ảnh.
Nếu kỹ năng yếu có thể “cho em về tôi luyện thêm để mùa sau thi tiếp”, nhưng “vô duyên” là cái lỗi khó có thể tha thứ đối với một MC.
Xét theo hiệu ứng đám đông, 1 người, thậm chí 10 người nói tôi vô duyên, chẳng sao. Nhưng cả hàng trăm người nói tôi vô duyên thì chắc chắn là tôi… vô duyên khỏi chối cãi.
Tôi từng tham gia một sự kiện tại một khách sạn sang trọng hàng đầu Sài Gòn, cho một thương hiệu rất nổi tiếng. Hôm đó, MC Hà Anh cũng xuất hiện với tư cách khách mời.
Chúng tôi “thần hồn nát thần tín” vì một câu dịch của Thùy Minh: “Ông ấy rất hạnh phúc vì chúng ta cười nhe răng như thế này”. Trong khi, câu nguyên bản tiếng Anh của nhân vật nói thì hoàn toàn không phải thế.
Sau buổi tiệc, vị giám đốc thương hiệu thề sống thề chết với chúng tôi: Cô có đi đến bất cứ nơi nào làm việc, nếu nghĩ đến MC thì danh sách đầu bảng “black list” của cô, chắc chắn là Thùy Minh.
MC có rất nhiều dạng. Dạng sang hẳn, chuyên làm sự kiện cho các thương hiệu lớn, như Phan Anh, Anh Quân; những chương trình bình dân hơn, cần chút “ướt át” theo cảm xúc có chị Quỳnh Hương; cần chút vui nhộn hài hước có Thanh Bạch, Trấn Thành.
Thùy Minh ơi, cô ở đâu trong cái bản đồ MC đã được vẽ như kia? Và với những gì mà công chúng phản ứng thời gian qua, dù muốn dù không, tôi cũng khuyên cô không nên làm MC nữa, như cô đã khuyên các ca sĩ không nên đi hát ấy!
Nhân vật tiếp theo là Lê Minh Ngọc. Ngọc nhỏ nhắn, dễ thương, hoạt ngôn, nếu nhìn theo nghĩa tích cực. Nhưng nhìn thế, sẽ không công bằng với Ngọc và không công bằng với những ai đang vô tình bị làm khán giả của Ngọc lúc này.
Ngọc cũng như bao nhiêu chàng trai từ nghèo khó đi lên, rất thích thể hiện. Một danh nhân nào đó nói một câu rất hay: Sự thể hiện nhằm che đậy cái tự ti quê mùa, hoàn toàn đúng với Ngọc trong bất cứ mọi trường hợp
Ngọc bắt đầu bằng việc “điếu đóm” cho mảng thời trang của một tạp chí nổi tiếng ở Việt Nam. Công việc của Ngọc là trợ giúp cho bạn Giám đốc sáng tạo lúc đó, với tư cách là một stylist cho các shoot hình.
Cái này bạn đọc cần biết thêm, công việc của đa số các stylist của Việt Nam như sau: Lên mạng lấy cắp các mẫu hình ảnh của nước ngoài, mix đồ cho thật giống, trang điểm cho thật giống, chỉ đạo người mẫu diễn cho giống để các nhiếp ảnh gia chụp.
Nên có vài bộ ảnh của các nhiếp ảnh, thấy sự giống y chang các concept của nước ngoài, ví dụ một số bộ ảnh về bộ sưu tập của Đỗ Mạnh Cường chẳng hạn, bạn chửi nhiếp ảnh gia là oan cho họ lắm. Tội đồ, chính là các stylist, như Lê Minh Ngọc.
Làm việc với những nhân vật nổi tiếng thường mang đến cho những người như Ngọc những sự ảo tưởng nhất định.
Các bạn này luôn luôn nghĩ mình là “linh hồn của thời trang” mà chẳng buồn tội nghiệp cho cái công việc sao chép đang nhân danh sáng tạo kia.
Thực tế, họ chẳng có một tư duy sáng tạo gì trong các bộ hình đó. Tất cả đều theo một concept đã có sẵn của nước ngoài.
Và cái tai hại của họ là, nhiều khi chụp thời trang Thu Đông mà họ vẫn dùng các concept mà các báo nước ngoài chụp cho Xuân Hè. Ngọc từng làm việc ở một tạp chí nước ngoài phiên bản Việt.
Do làm không tốt công việc nên đã xảy ra cơm không lành canh không ngọt với tạp chí đó, để cuối cùng ấm ức kéo dài, Ngọc lên facebook chửi tạp chí này chẳng ra gì để rồi chính những người trong giới ái ngại cho một lối hành xử công việc.
Trên facebook một dạo, Ngọc hay tự đăng ảnh mình lên và ghi tên các thương hiệu từ quần áo, giày dép đến đồng hồ, để khoe mẽ cho thiên hạ biết: Ừ, tôi xài đồ hiệu như thế này, tôi phong cách như thế nọ, tôi sang chảnh thế kia.
Rất nhiều người cười thầm vì lối thể hiện mình cũng là “người nổi tiếng”, “người giàu” như kia mà chính Ngọc cũng không biết, người sang, người giỏi thực sự chẳng ai la làng lên như thế.
Đã trót sống ảo, người ta sẽ khó bề xuống mặt đất. Có lần vào cửa hàng thương hiệu Hermes, Ngọc muốn thể hiện bằng cách góp ý cho chị Giám đốc Marketing nên phải sắp thế này, nên phải xếp thế kia.
Chị kia im lặng cười khẩy vì bất cứ những ai làm ở các thương hiệu lớn đều hiểu, mỗi thương hiệu có những quy định riêng với cửa hàng của họ trên toàn thế giới, chứ không phải tùy tiện sắp xếp như một gian hàng ngoài chợ được.
Rồi chị ấy gửi email cho người sếp vùng quản lý của tạp chí kia, phê phán Ngọc rất nhiều, kèm theo một câu cảnh báo: “Nếu các anh còn để nhân vật này làm việc với thương hiệu của tôi, tôi sẽ cắt quảng cáo trên tạp chí của anh”
Có lẽ Ngọc không hiểu điều này đâu. Và có lẽ, Ngọc không nhận ra, kiến thức thời trang mà Ngọc có, chưa thể ngồi đó mà hướng dẫn cho người khác được dù tư cách biên tập hay gì khác liên quan đến thời trang.
Ngọc có mấy tiệm bán cháo vịt, bán thịt vịt. Lời khuyên cho Ngọc: Em nên tập trung việc bán thịt vịt đi, rất hợp với dáng em, đừng dây vào thời trang làm gì. Không nên.
Và cuối cùng: Nguyễn Ngọc Thạch. Chẳng biết vui hay buồn khi Việt Nam có thêm một “nhà văn”. Và cũng chẳng biết là vui hay buồn, khi “nhà văn” đó nổi ầm ầm trên mạng với những trang viết về đề tài đồng tính, theo kiểu của Thạch.
Tôi nhấn mạnh: theo kiểu của Thạch.
Các trang viết của Thạch chỉ là tình dục và tình dục. Nhân vật đồng tính của Thạch với những tình yêu sao mà nó sến súa, bi đát, với những mô típ quen quá.
Kiểu như: Anh phải đi lấy vợ. Rồi anh chịu không được, chạy đến nhà trọ đứng trước cửa chờ em hàng tiếng đồng hồ. Rồi anh cũng vào được nhà, đè em ra hôn ngấu nghiến. Rồi anh lại về với lựa chọn của anh, em sống với bơ vơ hờn tủi.
Người ta chờ đợi những thứ lớn hơn điều đó. Bạn đọc cần ở nhà văn một suy nghĩ tích cực vì ai cũng cần có lối thoát trong cuộc sống.
Những người đồng tính bên ngoài có bi kịch đến thế không? Không. Có sến đến thế không? Không. Họ có những giá trị của họ, và có những lựa chọn của họ, mà Thạch không thể đại diện cho họ được.
Thạch cũng như Minh, như Ngọc, rất thích thể hiện. Nhưng là thể hiện quan điểm không giống ai (đúng hơn là chẳng giống được ai) trên facebook. Đôi khi buồn tình lên anh khoe thêm một và bộ phận trên cơ thể mình trên mạng.
Thực ra, Thạch “giả điên” rất giỏi và đôi khi “giả đần” rất tài, nhưng đằng sau là một phù thủy PR. Có lẽ đó là những thứ khiến Thạch trở nên hút hàng, với mấy kiểu văn chương lảm nhảm ngôn tình kia.
Với kiểu văn chương “chưa sạch nước cản”, nội dung cũ, lối thể hiện sến súa ngôn tình “nhà quê” như Thạch, bạn đọc đã quá thừa rồi. Chẳng cần thêm nữa. Nên, đừng viết văn nữa, Thạch ơi!
Nếu đọc được những phê phán như trên, bộ ba "Những kẻ lắm lời" có thấy đau đớn giống như những ngôi sao (nạn nhân của họ) đã giận dữ?
Đến đây, vấn đề đã rõ. Tôi xin nói ngay rằng: Những lời phê phán trên đây của tôi chỉ là cách nhại lại giọng, nhại lại cách nhìn mà Bộ ba lắm lời đã phê phán người khác.
Còn bản thân tôi, với cái nhìn tích cực, tôi vẫn thấy những điểm sáng ở cả ba người, dù họ đang mắc sai lầm trong Những kẻ lắm lời.
Thùy Minh, đương nhiên vẫn là một MC cá tính và thông minh, người góp phần rất quan trọng cho nhiều gameshow hay mà cô dẫn.
Ngọc Thạch, trong mắt rôi, vẫn là một nhà văn dũng cảm, có nhiều hành động tích cực vì cộng đồng giới tính của mình.
Minh Ngọc thì sao, những thành tựu của anh đã chứng tỏ anh là một stylist được sự lựa chọn của những ngôi sao hàng đầu.
Mong rằng, những lùm xùm này sẽ khép lại và công chúng sẽ tiếp tục được nhìn thấy Thùy Minh, Minh Ngọc, Ngọc Thạch như cái cách tích cực mà tôi đã thấy.