Dấu mốc thay đổi cuộc đời NSND Trịnh Thịnh

Cẩm Giang |

(Soha.vn) - Người nghệ sĩ già đã trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

9h30 ngày 12/4, vì tuổi cao sức yếu NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Bạch Mai. Sự ra đi của ông không chỉ là nỗi buồn cho gia đình mà còn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu phim Việt.

Nhìn lại chặng đường ông đã đi, những gì ông đã cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà, khán giả càng cảm nhận rõ hơn về sự mất mát đó.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926, thời điểm giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân. Từ nhỏ, ông được bố mẹ cho đi học tại trường do Pháp mở với hy vọng sau này kiếm được chân thư ký cao giấy để nuôi thân. Ngay từ ngày ấy, Trịnh Thịnh đã bắt đầu cảm nhận được niềm đam mê điện ảnh đang chảy rần rật trong cơ thể.

Chỉ cần nghe nói có chiếu phim ở rạp Hàng Da, Hàng Quạt, ông lại tìm mọi cách để được đến xem.

Vậy nhưng sau khi học xong, ông lại bằng lòng với vị trí ông ký ở ngân hàng Đông Dương. Thời còn làm ở đó, ông cũng là một tay vợt tennis có tiếng. Tuy nhiên, năm 1954, ngân hàng ngừng hoạt động, "ông ký" Trịnh Thịnh lại xuống đường bán nước mía. Không chỉ buôn bán, ông còn làm rất nhiều nghề khác để sinh sống, có thời gian ông còn ra ngoại thành làm ruộng. 

Những hình ảnh không thể quên về NSND Trịnh Thịnh

Ngày ấy, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, NSND Trịnh Thịnh vẫn một mực dành tình yêu cho môn nghệ thuật thứ 7. Đó cũng là lý do khiến ông quyết định thi tuyển diễn viên lồng tiếng cho Hãng xuất nhập khẩu phim của Nga và vào làm ở đó. Cuộc đời của ông chỉ chính thức sang trang khi nhận lời đạo diễn Phạm Kỳ Nam cho vai diễn trong bộ phim Chung một dòng sông vào năm 1956.

Với kinh nghiệm và những gì quan sát trong được suốt thời gian làm diễn viên lồng tiếng, ông đã vào vai rất "ngọt". Con đường điện ảnh của ông cũng dần trở nên rộng mở sau vai diễn thành công ấy.

Hơn 40 năm theo nghề, NSND Trịnh Thịnh đã thủ vai chính trong rất nhiều phim ở các thể loại nhân vật khác nhau như bi, hài, tâm lý xã hội. Ông từng vào vai Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực, người cha trong Lá ngọc cành vàng, lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, phim Vợ chồng A Phủ, Xích lô...

Dù không phải là diễn viên được đào tạo bài bản nhưng diễn xuất của NSND Trịnh Thịnh luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Ông say nghề, sống với nhân vật thật sự chứ không chỉ cố gắng làm sao cho giống nhất.

"Nghề diễn viên không phải nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng. Theo tôi, đó là bản lĩnh đầu tiên cần có ở một người diễn viên", ông từng chia sẻ.

Có lẽ vì thế nên khi vào vai ông Củng trong bộ phim Vợ chồng anh Lực, NSND Trịnh Thịnh đã khiến cho cả đoàn làm phim vô cùng ngạc nhiên. Trong một cảnh quay trời mưa, ông đang đi xe đạp bỗng nhiên lại nhảy xuống đi bộ, vác xe lên vai và còn cẩn thận lấy nón che yên cho khỏi ướt. Hành động đó hoàn toàn không hề có trong kịch bản, tất cả chỉ vì người nghệ sĩ ấy bỗng chốc quên rằng mình đang đóng phim và hành xử như ngày thường ông vẫn làm.

Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ấy, người nghệ sĩ già vẫn cười: "Hồi đó, tôi có chiếc xe Favơrit cũ mà trời mưa không bao giờ dám đi, người có thể ướt chứ không thể để xe ướt. Thế nên khi vào vai ông Củng đi xe đạp giữa trời mưa, tôi quên rằng đây là nhân vật trong phim mà chỉ tâm niệm rằng phải bảo vệ chiếc xe".

Là người Hà Nội nhưng NSND Trịnh Thịnh thường xuyên được mời vào vai nông dân. Nhưng ông chẳng cảm thấy chạnh lòng, ngược lại còn cảm thấy rất hứng thú với những vai diễn như thế: "Dù ở tính cách nào, tình huống nào, niềm vui hay nỗi buồn, bi kịch hay hài kịch… tôi cùng đều tìm thấy ở họ những nét thật đáng yêu. Bởi cái thật thà, chân chất rất "đời", đôi khi đến thô kệch, vụng về ở người nông dân chính là chất liệu nguyên sơ, tinh khiết của cuộc sống".

Nhiệt huyết, say nghề là thế nhưng cũng có lúc ông cảm thấy chán nản, bất lực vì không thể theo được dòng phim "mì ăn liền".

Thế nên, ông không xem ti vi vì sợ mình sẽ buồn bực với diễn xuất của các diễn viên trẻ mà chỉ làm bạn với chiếc đài radio để biết thêm tin tức.

Năm 1989, NSND Trịnh Thịnh về hưu. Đến năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu NSND. Năm 2002, ông tham gia bộ phim cuối cùng Tết này ai đến xông nhà của đạo diễn Trần Lực. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và thường xuyên phải nhập viện trong sự lo lắng của những người thân trong gia đình.

Hơn chục năm nay, ông thường xuyên đau ốm. Năm 2007, ông vào viện cắt bỏ túi mật. Năm 2011, ông bị ngã và gãy xương đùi. Năm 2012, ông bị nhồi máu cơ tim và nằm liệt giường từ đó.

Hai năm không đi lại được, dù được vợ và các con tận tình chăm sóc nhưng sức khỏe của NSND ngày càng yếu đi. Hôm qua (12/4), sau hai mươi ngày nằm viện, ông đã về với đất mẹ ở tuổi 88.

Tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 14h45 ngày 15/3 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại