Tang lễ của chàng diễn viên - người mẫu Duy Nhân đã tạm khép lại sau 3 ngày của những nỗi đau tiếc thương và xót xa cho sự cay nghiệt của cuộc đời.
Vậy là Duy Nhân đã ra đi. Cuộc dạo chơi trên dương gian của anh đã khép lại vô cùng ý nghĩa đối với chính anh và cả với những người còn sống.
Có lẽ, Duy Nhân sẽ không bao giờ phải hối hận vì những năm tháng anh sống trên cuộc đời này với tình yêu thương của gia đình, của bạn bè, đồng nghiệp và hơn hết là người vợ tào khang - Kiều Oanh.
Tuy nhiên, đằng sau những tiếng nấc nghẹn ngào, những dòng lệ tuôn rơi, những đôi mắt bần thần của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong thời khắc tiễn đưa Duy Nhân về nơi an nghỉ vẫn còn sự vô cảm, nhẫn tâm đến đau lòng.
Vẫn biết rằng đằng sau sự ra đi của một người nổi tiếng bao giờ cũng xuất hiện những câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Tuy nhiên, đôi khi những câu chuyện đó khiến nhiều người phải giật mình sợ hãi vì sự vô tâm của con người trong xã hội.
Đôi khi nó như những lưỡi dao vô tình cứa vào lòng những người ở lại - những người đang vô cùng yếu đuối, không có chút sức lực nào để đề kháng lại những gì xấu xa trên cuộc đời này.
Những tiếng vỗ tay, cười đua vô duyên, lạc lõng
Ngày Duy Nhân bạo bệnh, cả showbiz Việt xôn xao, lo lắng. Rất đông nghệ sĩ đã tìm đến hỏi thăm và động viên Duy Nhân và gia đình. Thậm chí, bạn bè còn tổ chức đêm nhạc để quyên góp giúp cho Duy Nhân có tiền vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Ngày Duy Nhân đi, cả showbiz Việt xót xa, đau lòng. Ngay sau khi anh trút hơi thở cuối cùng, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã túc trực bên cạnh để động viên gia đình và người vợ trẻ của anh.
Ấy vậy mà.
Bên cạnh nỗi đau xé lòng của người mẹ, người cha khi mất đi đứa con trai ngoan hiền, nỗi đau của người chị mất đi cậu em ngoan ngoãn, nỗi đau của người vợ mất đi người chồng yêu thương thì vẫn còn đâu đó nỗi đau vì sự vô tâm của con người.
Có lẽ lâu lắm rồi Hoài Linh mới bị ái ngại về sự nổi tiếng của mình.
Suốt thời gian diễn ra lễ tang, hầu như khu vực chùa Vĩnh Nghiêm lúc nào cũng đông đúc với rất nhiều người dân tụ tập.
Người thì đến vì thương tiếc chàng người mẫu điển trai, tài năng, tốt tính với nụ cười hiền lành. Nhưng cũng có người đến vì tò mò, hiếu kỳ.
Hoài Linh viếng cứ viếng, người dân thích chụp cứ chụp.
Đau xót hơn, có những đám đông tụ tập chỉ để "ngắm" các nghệ sĩ khác.
Ắt hẳn nghệ sĩ Hoài Linh phải buồn lắm bởi khi anh đến viếng Duy Nhân, "đám đông xấu xí" đã đứng lên vỗ tay hoan hô, lấy điện thoại ra chụp ảnh mà bất chấp nơi họ đang đứng cần sự trang nghiêm và tôn trọng người đã khuất.
Thậm chí, khi Hoài Linh ái ngại xin mọi người giữ yên lặng cho đám tang thì họ vẫn hò hét, cười đùa như đi xem... hội.
Phải rất khó khăn Đông Nhi và Ông Cao Thắng mới có thể vào trong khu vực tang lễ vì bị người dân chụp ảnh liên tục.
"Đám đông xấu xí" ấy cứ nhao nhác mỗi khi có nghệ sĩ nào tới. Họ chỉ chỏ, cười cợt, chê bai nếu như nghệ sĩ nào đó không kịp trang điểm hay nghệ sĩ nào đó vô tình tô son đậm không vừa mắt họ.
Nhiều người còn không ngần ngại dí sát điện thoại vào mặt nghệ sĩ để "chụp cho nét, xem cho rõ".
Thử hỏi xem trong một tang gia đầy những nỗi đau đến xé ruột, xé gan thì những nụ cười, tiếng reo hò kia đang tượng trưng cho điều gì? Phải chăng đó chính là sự vô tâm đến nhẫn tâm của con người.
Lợi dụng tang gia bối rối để trộm cắp, đặt điều đòi tiền chuộc
Như thường lệ, ở đâu có đám đông, ở đây có trộm cắp. Và còn gì "tuyệt vời" hơn trộm cắp ngay tại một đám tang.
Từ khi tang lễ của Duy Nhân được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm từ sáng 7/5, rất nhiều đám đông đã xuất hiện. Lợi dung chen lấn, xô đẩy rất nhiều người bị móc túi trộm ví, trộm điện thoại.
Vì những đám đông cứ kéo dài nên kẻ gian thản nhiên hành nghề một cách khá thoải mái. Ắt hẳn sau khi trở về từ việc trà trộn trong các đám đông túm tụm trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm, những kẻ gian này đã có trong tay kha khá tài sản có giá trị.
Thế đấy, người ta không chỉ ăn trộm ngay trước cổng chùa mà còn dám ăn trộm ngay trong đám tang.
Câu chuyện trộm, cướp không chỉ dừng lại ở cổng chùa mà ngay cả trong đám tang vẫn có kẻ lạ mặt bất ngờ xuất hiện và đặt điều vu khống.
Sáng 8/5, một sự việc bất ngờ đã xảy ra khiến nhiều người bức xúc. Một người đàn ông lạ mặt đã đến lễ viếng, gặp chị của Duy Nhân và đặt điều để xin tiền khiến cô vô cùng tức giận. Sự việc diễn ra rất nhanh, người đàn ông đó nhanh chóng bị đuổi đi.
Quá uất ức vì tức giận, chị gái của Duy Nhân gần như ngất xỉu.
Xin hỏi nhân văn ở đâu khi con người ta còn định kiếm chác trên nỗi đau, sự yếu đuối của con người trong lúc tang gia?
Chen lấn, xô đẩy ngang nhiên trong đám tang
Câu chuyện chen lấn, xô đẩy trong các sự kiện có mặt của nghệ sĩ không phải là điều gì quá lạ lẫm. Chen lấn trong đám cưới, chen lấn trong show ca nhạc, chen lấn trong sự kiện... có thể tạm thời chấp nhận được.
Nhưng chen lấn, xô đẩy, tranh nhau vị trí đứng nhìn nghệ sĩ cho dễ trong đám ma thì có lẽ người dễ tính nhất cũng chẳng thế thỏa hiệp.
Trong 3 ngày 2 đêm diễn ra tang lễ, từng đám đông cứ ùn ùn kéo đến. Họ thích đứng đâu thì đứng, thích chen ai thì chen, thích xô đẩy ai thì xô mà chẳng sợ phiền hà đến ai.
Người dân đứng kín đường khiến giao thông bị tắc nghẽn tới hàng chục mét.
Thậm chí, trong ngày di quan, gia đình và ban tổ chức tang lễ phải nhờ vả người dân xin họ đứng tản ra một chút để đưa vòng hoa ra ngoài.
Trước giờ di quan khu vực bên ngoài nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm khá lộn xộn do người dân vây kín. Hầu hết các con đường xung quanh chùa đều bị tắc mấy chục mét.
Quang cảnh lộn xộn, tắc nghẽn trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm.
Những người bạn của Duy Nhân phải hỗ trợ gia đình để phân làn giao thông, tránh ùn tắc cản trở việc di quan. Một số khác thì hỗ trợ gia đình đưa vòng hoa ra ngoài xe tang. Ấy vậy mà người dân vẫn lao ra đứng chắn hết làn đường.
Và mục đích của họ chỉ có một : Nhìn mặt các nghệ sĩ cho dễ.
Không ngại ngần leo lên cột để nhìn cho dễ.
Khung cảnh này lại tái hiện tại đài hỏa thiêu Bình Hưng Hòa. Để nhìn được vào bên trong, không ít người ngại ngần trèo lên các tượng đá, cột nhà, đu bám như diễn xiếc để nhìn cho dễ.
Họ cũng quên mất khu vực đài hỏa táng là một trong những nơi rất kiêng kỵ của con người.
Đến sư tử đá cũng bị "dẫm".
Những "anh hùng" xấu xí
Từ khi mạng xã hội bùng nổ, có một khái niệm được gọi là "cư dân mạng". Cụm từ này tượng trung cho những người ngồi lướt Facebook cả ngày, tham gia kha khá các diễn đàn.
Họ chăm chỉ đăng tải trạng thái (status) theo tâm trạng cảm xúc, khoe của, khoe con, buôn chuyện nhảm, than thở hoặc “truyền hình trực tiếp” mọi hoạt động trong ngày cho cả cộng đồng Facebook biết.
Và tất nhiên, trong họ có tôi, có bạn hay bất kỳ ai đó nhưng ở những cung bậc khác nhau.
Tuy nhiên, bạn có quyền tự chọn làm 1 cư dân mạng chân chính hay một "anh hùng bàn phím".
Anh hùng bàn phím là ai? Họ những người nói rất hay, nói rất hào hùng, nói như đúng rồi, xôn xao ào ào, bới móc, xâu xé, “ném đá” thậm tệ một đối tượng thông tin nào đó – trên mạng xã hội, mà đương nhiên, chẳng phải chịu một trách nhiệm nào về phát ngôn của mình.
Tâm sự của Trà Ngọc Hằng.
Và đôi khi để thỏa mãn sự sướng của bản thân mà nhiều cư dân mạng tự cho mình cái quyền chỉ trích, chê bai thậm chí đánh giá nhân phẩm của người khác.
Có thể dễ dàng nhận ra khá nhiều bình luận, đánh giá của nhiều "anh hùng bàn phím" dưới các bài báo về đám tang Duy Nhân. Họ thỏa sức tò mò, thắc mắc từ ngoại hình đến cả tâm trạng người đi viếng.
Nhiều cư dân mạng không ngại ngùng chửi mắng Trà Ngọc Hằng chỉ vì cô mặc áo phông, quần jeans rách kết hợp cùng giày slip-on tới đám tang. Hay họ thỏa sức phê phán nghệ sĩ này hay nghệ sĩ nọ trang điểm, ăn mặc như đi diễn.
Nhưng họ chẳng bao giờ biết rằng đúng là thật sự nhiều nghệ sĩ phải tranh thủ từng giờ, từng phút từ chỗ biểu diễn tới thắp hương cho người bạn xấu số của mình. Xin đừng đánh giá sự "chân thành qua lớp phấn dày hay mỏng" như lời chia sẻ của Trà Ngọc Hằng.
Nếu chê bai về hình thức chưa làm các "anh hùng" thấy vui thì họ sẽ kiêm thêm việc nhận xét nhân cách, cảm xúc của người khác. Có vô số bình luận vội vã buông như câu như: "Sao Kiều Oanh không khóc như mẹ với chị gái vậy, không thương chồng sao", "Sao không cho con dâu mang bầu"...
Có lẽ nhiều cư dân mạng cho rằng họ là đại diện cho dư luận, cho số đông nên có quyền phán xét, so đo sự chân thành, tấm chân tình của người khác.
Thậm chí, nhiều "anh hùng" cũng chẳng biết rằng chính những lời nói vô tâm của mình sẽ trở thành con dao đâm sâu làm tổn thương người đã ra đi và những người còn sống.
Không chỉ rảnh đến mức đi chỉ trích, phán xét nhân phẩm của người khác, đám "anh hùng bàn phím" này còn tranh thủ lập vài page để tìm kiếm những lượt like bất nhẫn.
Một trong những fanpage được lập ngay sau khi Duy Nhân qua đời của "cư dân mạng".
Hơn bao giờ hết, xin đừng đem sự mất mát, nỗi đau của gia đình người khác làm trò vui, thỏa mãn những thú vui ảo tưởng của chính mình.
>> Mẹ và chị gái ngất xỉu khi linh cữu Duy Nhân được đưa vào hỏa táng
>> Nghẹn lòng hình ảnh Kiều Oanh tuyệt vọng trong đám tang chồng