Từ một anh thợ mỏ đam mê nghệ thuật, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trở thành một diễn viên được nhiều người yêu quý.
56 năm theo nghề là ngần ấy năm ông “hồn nhiên” dâng hiến cho nghiệp diễn. Người nghệ sĩ ấy chia sẻ, nếu tính toán chắc ông sẽ bỏ giữa chừng vì nghề này thu nhập bèo bọt lại quá vất vả.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng phim ảnh của ông tham gia đã lên tới con số 97, những trải nghiệm cũng đủ để viết một cuốn ký sự dài. Ấy vậy mà ông vẫn chưa có cho mình bất cứ danh hiệu nào.
Người ngoài nghĩ còn thấy buồn nhưng người trong cuộc chỉ cười mỗi khi nhắc tới: “Phù du cả mà. Danh hiệu là của nhà nước, người ta là nghệ sĩ nhân dân còn tôi là nghệ sĩ của nhân dân, của quần chúng kia mà”.
Giữ cho mình suy nghĩ ấy nên ông chọn một cuộc sống không bon chen, vướng bận, tự bằng lòng với những gì đang có.
Như thường lệ vào mỗi buổi sáng, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn lên sân thượng tập thể dục trong khi vợ ông, nghệ sĩ múa Tống Thị Thanh Sơn, tụng kinh niệm phật. Mùa hè, hai ông bà sẽ thức giấc vào lúc 5h sáng nhưng vào những ngày đông lạnh, cả hai sẽ dậy trễ hơn khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Ông chỉ có một vài động tác cơ bản để giữ sức khỏe nhưng với ông như thế là đủ:"Động tác uốn dẻo giúp máu lưu thông tốt, còn búng tay sẽ giúp gân cốt hoạt động trơn tru hơn".
Từng là lính đặc công, trải qua rất nhiều bài tập khắc nghiệt nên ở tuổi 75, ông vẫn có được sức khỏe rất tốt. Nếu việc lên xuống cầu thang đối với người già là gánh nặng thì với ông chỉ là chuyện nhỏ.
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đang sống cùng vợ trong căn nhà 2,5 tầng rộng rãi, chung vách với nhà người con cả. Gia đình đông người nhưng ban ngày, tất cả đều bận rộn với công việc, học tập nên chỉ có hai ông bà ra ra, vào vào.
Năm 2000, đến tuổi về hưu, ông rời khỏi Cục nghệ thuật biểu diễn. Từ đó đến nay, nếu không bận rộn với những vai diễn, ông chỉ ở nhà và ăn cơm vợ nấu.
Ngôi nhà của vợ chồng ông bà được sửa lại vào cuối năm 2013. Ở phòng khách, ông dành rất nhiều chỗ để treo những tấm hình kỷ niệm.
Bức ảnh dưới cùng chụp lại khoảnh khắc lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. Trong lần tới thăm này, Bác còn tặng ông một mẩu thuốc lá. Anh thanh niên Mai Ngọc Căn thời ấy vì tiếc nên chẳng dám hút, chỉ cất cho đến khi nó mục hẳn mới bỏ đi.
Buổi trà sớm của hai người nghệ sĩ già. Ông lấy bà vào năm 1967, sau 1 năm quen biết. "Ngày ấy mỗi lần muốn gặp nhau phải cho kẹo mấy đứa trẻ con để nhờ chuyển thư. Hẹn hò phải trốn chứ không được thoải mái như thế này đâu", ông nhớ lại.
Không có bà chắc ông không làm nghệ thuật được, đó là điều cả hai ông bà đều khẳng định. Không chỉ là một nghệ sĩ múa tài năng, bà còn là chỗ dựa về tinh thần và kinh tế cho ông. "Đến bây giờ, lương tôi bao nhiêu tôi cũng không rõ. Bà ấy cầm hết", ông tâm sự.
Ông nói vậy thôi nhưng cũng hiểu, lương nghệ sĩ ít ỏi như thế nào và để nuôi sống được gia đình, bà đã vất vả ra sao. Ngày còn trẻ, ngoài những lúc thỏa mãn đam mê trên sàn tập, bà còn học trang điểm, làm đầu để tăng thêm thu nhập.
Ở trong nhà nghệ sĩ Mai Ngọc Căn rất dễ tìm thấy những vật dụng được chú thích rất rõ ràng như ống tăm này. Đây là thói quen đồng thời cũng là sự cẩn thận, tỉ mỉ trong tính cách của người nghệ sĩ già.
Từ cổng nhà, công tắc điện đến lò vi sóng... tất cả đều có những tấm bảng hướng dẫn sử dụng và nhắc nhở như bên cạnh. Ông bảo, đây là cách để bản thân và những người trong gia đình cẩn thận hơn.
Hai ông bà thường ăn mì gói vào buổi sáng. Ông thích ăn cà chua sống nên tự thái cho mình một đĩa. Quen biết nghệ sĩ Mai Ngọc Căn, dù lâu hay mới, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ông lê la hàng quán hay uống nước vỉa hè.
Diễn viên Mai Ngọc Căn trong thế giới của riêng mình. Nhà rộng nên hai ông bà, mỗi người một phòng để tiện sinh hoạt.
Ông có cái đồng hồ chạy bằng dây cót vài chục tuổi, cứ một thời gian lại phải lên dây một lần.
Một góc phòng đầy kỷ niệm của người nghệ sĩ già.
Những cuốn băng cát-xét được ông cất rất cẩn thận trên kệ. Dù bây giờ chúng chẳng mấy khi được sử dụng nhưng chẳng bao giờ bị bám bụi.
Từ chiếc bàn nhỏ này, rất nhiều kịch bản đã được ra đời.
Những cuốn sách sờn gáy là kho báu của người nghệ sĩ. Lúc rảnh rỗi, ông có thói quen đọc sách, nghiên cứu và ghi chép.
Không có két với khóa là vài con số, ông cất những hình ảnh, bài báo liên quan đến bản thân trong túi nilon đỏ. Thỉnh thoảng, có khách tới, ông cùng họ lấy ra ôn lại để nhớ về những gì đã qua.
Tấm bản đồ với những chấm tròn nhỏ đánh dấu về những nơi ông đã đến. Điều khiến ông cảm thấy thích thú với nghề diễn cho đến thời điểm này là việc đi du lịch không mất tiền.
Giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi từ năm 2008 được ông giữ gìn rất cẩn thận. Ông kể, thời ông còn đi dạy, có rất nhiều gia đình cầm tiền đến để xin xỏ nhưng ông không nhận.
Số kịch bản được viết bởi nghệ sĩ Mai Ngọc Căn. Ở trong đây, chỉ một số đã được sử dụng, số khác vẫn còn nằm trên giấy. Đây cũng điều khiến ông cảm thấy buồn nên thỉnh thoảng cũng chẳng muốn viết gì thêm.
Ông cũng cất những bài báo viết về mình rất cẩn thận. Ông tâm sự, nhiều phóng viên đến với ông, ai cũng nghĩ ông đã là NSƯT nên họ về viết nguyên văn như thế. Đó là điều ông cảm thấy rất bực mình. Mỗi lần như thế, ông đều lấy bút xóa đi hai chữ "ƯT".
Đóng rất nhiều bộ phim nổi tiếng, có trong tay rất nhiều bằng khen, lại là người nằm trong hội đồng xét duyệt NSƯT nên ai cũng nghĩ ông là NSƯT rồi. Họ quên mất ông, quên mất một người nghệ sĩ cả đời tận tụy, cống hiến cho nghệ thuật.
Mỗi lần bà nhắc chuyện đó, ông đều trầm ngâm. Có lẽ ông cũng có lúc thấy chạnh lòng nhưng rồi lại xua tay: "Phù du cả thôi mà".
Hút thuốc từ năm 13 tuổi, ông từng phải chịu rất nhiều cái tát của mẹ. Nhưng một đứa trẻ ngày ấy lại xem chuyện này là oách, là ngầu nên chẳng bỏ. Khi về già, cũng có thời điểm ông bỏ được 7 tháng nhưng đi đóng phim, vai diễn bắt hút, thế là ông lại "tái nghiện".
Trong khi ông đang tỉ mỉ lau tẩu ở trên tầng thì ở phía dưới, nghệ sĩ Thanh Sơn dọn dẹp và chuẩn bị cơm trưa. Bà cũng giống ông, cũng một đời cống hiến vì nền nghệ thuật của nước nhà.
Ống xịt thơm miệng, bí kíp của người nghệ sĩ già. "Bà ấy bảo tôi cầu kỳ nhưng tôi là người hút thuốc, phải mang theo cái này để hơi thở thơm tho, người đối diện nói chuyện với mình không thấy khó chịu", ông cười.
Ông có thói quen, mỗi ngày hút ba điếu thuốc, uống ba cốc rượu nên mỗi lần ra khỏi nhà, ông đều đổ vào bình này để mang theo.
Còn nếu ở nhà, ông nhâm nhi trước bữa cơm. Ông không thích uống nhiều, mỗi ngày chỉ ba cốc, thế là đủ.
Bữa cơm trưa đạm bạc của hai người nghệ sĩ già. Sau bữa trưa, ông sẽ đi ngủ còn bà sẽ ra chùa. Cuộc sống của hai ông bà mấy năm nay đã lặng lẽ trôi qua như thế.