Từ ca sĩ thành giám đốc casting
Từng trải qua thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát nhưng ca sĩ Minh Thuận bây giờ lại được biết đến nhiều với vai trò là một giám đốc casting mát tay.
Gặp Minh Thuận, anh có vẻ hom hem và ốm đi nhiều so với trước đây. Anh bảo gần cả tháng nay đang phải tìm cho được một cậu nhóc khoảng 7 tuổi để vào vai con trai của nhân vật chính trong phim Lửa Phật ( đạo diễn: Dustin Nguyễn).
Minh Thuận với vai trò là giám đốc casting trong buổi casting cho bộ phim truyền hình của Áo mang tên The dream hotel.
Vai diễn này đòi hỏi vừa phải phù hợp nhân dạng, nghĩa là phải có nét hao hao giống nữ diễn viên chính, vừa phải có khả năng thuộc hơn 100 trang thoại lại còn phải biết diễn xuất đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố.
Không những vậy, vai nữ chính trong Cô dâu đại chiến phần 2 cũng khiến Minh Thuận loay hoay suốt hai tuần nay.
“Làm nghề này, gặp những trường hợp “khó nuốt” như vậy là bình thường. Nhất là những vai khách mời đặc biệt, chỉ xuất hiện trong một vài phân đoạn nhỏ nhưng lại cực kỳ khó thuyết phục vì không phải người nổi tiếng nào cũng phù hợp với yêu cầu của mình và chấp nhận tham gia”, giám đốc casting Minh Thuận cho biết.
Từ bỏ sự nghiệp ca hát khi vẫn còn là một ca sĩ ăn khách, Minh Thuận đã không phải hối hận khi giờ đây anh được xem là một giám đốc casting thành công khi tham gia tuyển diễn viên cho hàng chục bộ phim như Bỗng dưng muốn khóc, Cánh đồng bất tận, Cho một tình yêu, Cô gái xấu xí, Thiên mệnh anh hùng, Cô dâu đại chiến…
Nhiều gương mặt diễn viên xuất sắc đã được Minh Thuận giới thiệu đến khán giả như Lan Phương, Midu, Ngân Quỳnh…
Ngoài ra, Minh Thuận còn casting cho các phim nước ngoài như Nhóm hổ ngàn Long Sơn (The Tiger Team) của Đức và Singapore, The Dream Hotel của Áo…
Anh cho biết thành công đến với anh phần lớn cũng nhờ những mối quan hệ tạo dựng được trong nhiều năm đi hát, đồng thời vận dụng những kinh nghiệm học được khi tham gia đóng phim trong thời gian ngắn.
Công việc của anh có thể hình dung một cách đơn giản là nhớ mặt người, ghi lại tên, số điện thoại, địa chỉ để có thể liên lạc khi cần.
“Đôi khi đang đi trên đường, gặp một cụ già đẹp lão hay một cô gái có mái tóc đẹp, tôi cũng đến hỏi han để xin địa chỉ liên lạc, biết đâu sau này cần đến nhân vật đó”, Minh Thuận nói.
Cũng vì phải ghi nhớ nhiều người như vậy, danh bạ điện thoại của Minh Thuận lên đến hàng trăm người. Đối với những trường hợp đến casting, anh cũng đều lưu hồ sơ lại để liên lạc khi có vai diễn thích hợp.
Minh Thuận cho biết những đoàn phim chuyên nghiệp luôn có nhu cầu casting để có nhiều lựa chọn cho phim.
Những đề nghị "hấp dẫn"
Trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển chọn diễn viên, không ít đạo diễn, giám đốc casting thừa nhận từng nhận được những lời đề nghị khá hấp dẫn từ phía diễn viên.
Một đạo diễn nổi tiếng (đề nghị giấu tên) cho biết: “Chuyện gạ tình , gạ tiền qua lại giữa đạo diễn, nhà sản xuất với diễn viên không phải hiếm nhưng cũng không đến mức trắng trợn vì đạo diễn còn phải nghĩ đến bộ phim - đứa con tinh thần của mình. Chỉ trừ khi người đó làm phim theo kiểu chộp giật, đem con bỏ chợ thì mới phó mặc chất lượng phim mà đổi lấy tiền hay tình”.
Đạo diễn Đặng Cao Cường (được biết đến với phim Lệnh xóa sổ và một số phim truyền hình) kể lại: “Bị diễn viên gạ… tình thì chưa nhưng quản lý của diễn viên đó gợi ý thì tôi gặp rồi".
"Khi tôi làm đạo diễn một bộ phim truyền hình, quản lý của cô diễn viên nọ đã đặt vấn đề sẽ đưa tất cả cát-xê đóng phim cộng thêm 100 triệu đồng cho tôi. Ngoài ra, người này còn bỏ nhỏ sẽ sắp xếp cho tôi đi khách sạn với cô diễn viên này. Khi đó, tôi cười và bảo rằng nếu anh có một tỷ đồng và khoảng 20 cô như vậy thì tôi chấp nhận. Dĩ nhiên không ai điên rồ đến mức chấp nhận một điều kiện phi lý như vậy. Sau đó tôi bỏ phim luôn vì tranh cãi với nhà sản xuất, họ ép tôi nhận cô diễn viên này vào phim mặc dù cô ta chẳng có tài cán gì…”, đạo diễn Đặng Cao Cường cho biết thêm.
Phim Scandal của đạo diễn Victor Vũ từng đề cập đến những chuyện hậu trường, mối quan hệ giữa đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất.
Sau nhiều năm trong nghề, nam diễn viên Hòa Hiệp, người được biết đến với nhiều phim truyền hình như Mùi ngò gai, Cổng mặt trời. .. cũng đã thấm thía hoặc chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười. Theo Hòa Hiệp, bên cạnh những đoàn làm phim casting nghiêm túc, chuyên nghiệp vẫn còn có những đạo diễn, nhà sản xuất chọn diễn viên dựa trên… giá cả dẫn đến nhiều thực trạng đáng buồn.
“Để có được vai diễn, không ít người chấp nhận lấy giá thấp, thậm chí còn chia lại một nửa cho đạo diễn hoặc không lấy tiền hay chính đạo diễn là người “gợi ý” đổi vai diễn lấy tình hoặc tiền. Bạn tôi từng được đạo diễn gợi ý bỏ 100 triệu để đổi lấy vai diễn…”, Hòa Hiệp chia sẻ.
Bản thân cũng vài lần gặp trường hợp bị “đá” khỏi vai diễn vì có diễn viên khác đưa giá thấp hơn hoặc trao đổi điều kiện với đạo diễn nhưng Hòa Hiệp cho biết anh không lên án ai vì mỗi người đều có quyền lựa chọn riêng.
“Hiện nay, những cuộc casting thường rơi vào hai vấn nạn. Thứ nhất là casting để lăng xê cho phim (nhưng thực chất là đã chọn được diễn viên). Thứ hai là lợi dụng để thu tiền người đi casting. Tôi biết có trường hợp người tham gia casting đóng tiền rồi nhưng ngày hôm đó đông quá phải dời sang hôm sau casting thì phải đóng tiền lại cho ngày mới”, Hòa Hiệp chia sẻ.
Mang vấn đề này hỏi lại Minh Thuận, anh cười bảo: “ Casting cho chục bộ phim mà đến nay cùng lắm tôi chỉ nhận có… thùng bia của anh em diễn viên nhân dịp tết thôi. Nhiều diễn viên lâu lâu cũng gọi hỏi thăm, mời đi ăn uống, nhưng tôi cũng chỉ nghĩ đó là cách họ nhắc khéo nhà làm phim lưu tâm tới mình, có vai thì gọi chứ không có gì là xấu”.
Anh nói: “Nghề casting thấy vậy mà cũng bạc, nhiều lúc cũng chạnh lòng khi thấy những diễn viên từng được mình phát hiện, giới thiệu lên màn ảnh nhưng khi tỏa sáng rồi lại “tiết kiệm” một lời cảm ơn. Ở nước ngoài, tên của giám đốc casting nằm sau tên đạo diễn khi chạy phần giới thiệu ê kíp thực hiện. Còn ở Việt Nam, ít ai chú ý đến việc này”.
Cũng theo Minh Thuận , việc casting diễn viên trong hai năm gần đây đã giảm nhiều vì khủng hoảng kinh tế. Các dự án đều muốn tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất nên bỏ qua phần casting mà chỉ gọi điện cho những gương mặt quen thuộc mời tham gia vai diễn....
Và sau rất nhiều chuyện cười ra nước mắt ở chốn hậu trường, việc phát hiện kịp thời những tài năng như Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Nguyệt Ánh... cho đến giờ vẫn là mong muốn của những người làm nghề casting chân chính.
Phải có tài năng thật sự
Những gương mặt mới muốn xuất hiện trên màn ảnh và có chỗ đứng trong làng giải trí không phải chuyện dễ dàng. Vì dù họ có "đổi" được vai diễn thì cũng khó lòng "đổi" được khán giả và các nhà chuyên môn nếu không có... tài năng thật sự.
"Nếu bạn đi casting mà bạn nói với đạo diễn rằng em đi chơi, đi thử cho biết, sao cũng được… là mất điểm ngay", ý kiến của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Ít ai biết rằng diễn viên Hòa Hiệp với vai nhà báo Đỗ Hòa trong Nghề báo (vai diễn đầu tiên trong phim truyền hình dài tập) hay vai Khanh trong Mùi ngò gai cũng từng trải qua quãng thời gian casting ở nhiều phim nhưng không thành.
Hòa Hiệp cho biết: “Lúc còn đi học, bạn bè đi casting nên tôi cũng đi theo cho vui. Giờ ngẫm lại, tôi nhận ra rằng học hành xong xuôi rồi hãy đóng phim sẽ tốt hơn rất nhiều. Một số bạn bè của tôi lúc đi học thì nhận hết phim này đến phim kia, rồi bỏ học. Nhưng sau đó không nhiều người duy trì được với nghề này và cũng không để lại dấu ấn gì đặc biệt”.
Cũng theo Hòa Hiệp, thông thường các nhà sản xuất và đạo diễn chỉ casting những diễn viên vai phụ còn những vai chính, thứ chính đều đã có những lựa chọn riêng. Vậy nên cơ hội cho người mới rất ít, nên họ phải biết gây chú ý bằng những vai diễn nhỏ trước.
Điều này cũng được một nhà làm phim lý giải rằng do áp lực về doanh thu và thời gian mà đạo diễn và nhà sản xuất không thể "mạo hiểm" với các gương mặt mới.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dù thế nào đi nữa thì diễn xuất vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Ngoại hình đôi khi không đánh giá đẹp xấu mà phải xem có phù hợp với vai diễn hay không.
"Mặc dù trong thực tế vẫn có những chuyện đổi tình, tiền lấy vai diễn nhưng với tôi, khi cầm trong tay tiền tỷ của người khác để làm phim, tôi phải làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của mình. Đó còn là sự tôn trọng đối với nghề nghiệp mà mình theo đuổi", đạo diễn Dũng "khùng" chia sẻ.
Hòa Hiệp nhận giải thưởng HTV Awards 2011.
Về cơ hội cho người mới trong những buổi casting, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: "Đạo diễn luôn hình dung sẵn trong đầu về nhân vật của mình. Chính vì thế, diễn viên được chọn trước hết phải hợp vai, hợp về tạo hình và diễn xuất. Ngoài ra còn có những “điểm cộng” khác như cách làm việc, độ ăn khách, độ phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất…".
"Riêng về những gương mặt mới, nếu muốn thu hút sự chú ý của đạo diễn thì phải có cái gì đó riêng biệt và chứng tỏ được khả năng làm việc chuyên nghiệp của mình qua những việc rất nhỏ, chẳng hạn như luôn đến đúng giờ casting theo yêu cầu. Điều quan trọng không kém là người tham gia casting phải thể hiện sự quyết liệt với nghề. Nếu bạn đi casting mà bạn nói với đạo diễn rằng em đi chơi, đi thử cho biết, sao cũng được… là mất điểm ngay", đạo diễn Dũng "khùng" nhấn mạnh.
Dì đi thử, cháu được vai
Đó là câu chuyện ít người biết của Nguyệt Ánh với vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của mình: Vân trong phim Dốc tình.
Theo lời kể của Nguyệt Ánh, khi đó cô chỉ mới là sinh viên năm nhất chuyên ngành ngân hàng, theo người dì đi tham gia casting bộ phim Dốc tình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Từ bé đến lớn chưa từng nghĩ rằng mình sẽ theo môn nghệ thuật thứ bảy vậy mà Nguyệt Ánh lại bất ngờ lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh chỉ với sự mộc mạc của mình.
Diễn viên Nguyệt Ánh.
Sau khi từ chối rồi lại được thuyết phục, cuối cùng Nguyệt Ánh cũng nhận lời đóng phim. “Cũng nhờ lần đi casting "ké" đó mà tôi đã bén duyên với nghệ thuật luôn. Còn dì tôi mặc dù cũng được mời một vai trong phim nhưng sau đó không thu xếp được nên cuối cùng dì đi casting nhưng cháu lại được vai”, Nguyệt Ánh kể.
Cũng với Dốc tình, ngoài Nguyệt Ánh còn có những diễn viên "mới toanh" như Kim Hiền, Tăng Thanh Hà, Huy Khánh… sau này đều trở thành những tên tuổi nổi tiếng trong làng giải trí Việt.
“Ở những vai diễn sau này, 90% các vai của tôi là đo ni đóng giày chứ không phải đi casting nữa. Những người trong nghề thường biết được điểm mạnh, yếu của các diễn viên và biết đâu là gương mặt phù hợp cho nhân vật của mình nên khi được biết đến nhiều thì cách làm việc cũng khác đi. Với tôi thì nhà làm phim thường gọi điện thoại đến hỏi thăm về thời gian, nói sơ về kịch bản sau đó gửi qua cho tôi nghiên cứu, nếu thỏa thuận được hợp đồng thì ký”, diễn viên Nguyệt Ánh chia sẻ.