Qua một người bạn, tôi được biết về chị Kim Anh, một người hâm mộ rất đặc biệt của nhạc sĩ Phú Quang. Vị nhạc sĩ tài hoa và chị từng có thời gian là người xa lạ, thân thuộc rồi lại trở thành xa lạ.
Con tạo xoay vần, dòng đời thay đổi, mối dây liên kết giữa họ cứ tự nhiên đứt gãy. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra thì đối với Kim Anh, Phú Quang luôn là một người nhạc sĩ chị yêu mến và tôn trọng. Bất cứ ai trò chuyện với người phụ nữ ấy cũng có thể cảm nhận rõ ràng điều đó.
Chị kể, ngày chị khoảng 12 tuổi, khi mà tivi vẫn còn là thứ hàng xa xỉ và chiếc đài nhỏ gần như là đồ vật tiêu khiển duy nhất, chị thường xuyên được nghe những ca khúc như Biển nỗi nhớ và em, Tình yêu của biển, Điều giản dị… Nghe nhiều thành quen, hôm nào không được nghe lại thấy thiếu. Và thế là yêu.
Bản thân chị cũng không ngờ rằng tình yêu đầu đời ấy sẽ gắn bó như hình với bóng cùng chị ở những năm tiếp theo. Năm chị 14 tuổi, thay vì được đến trường như các bạn, chị phải nằm viện suốt mấy năm trời để chiến đấu với bệnh tật.
Ngày ấy, ngoài người thân, những nhạc phẩm của Phú Quang là động lực lớn nhất để chị vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Cứ thế, âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa ngấm vào máu của chị để rồi người con gái tuổi 18 trăng tròn suốt ngày thả hồn vào những ca khúc vốn chỉ dành cho những người lớn tuổi như Mùa hạ còn đâu và Chiều hoang.
Nhạc sĩ Phú Quang.
Đọc được trên báo thông tin nhạc sĩ Phú Quang đang làm ở đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chị Kim Anh đánh liều viết thư về đài. Trong lá thư gửi cho người nhạc sĩ vừa quen vừa lạ, chị thổ lộ hết nỗi lòng. “Tôi còn nhớ mình đã nói rằng, dù chưa đến tuổi nghe nhạc của chú nhưng mấy năm bị bệnh cháu toàn nghe và cứ thấy yêu cuộc sống hơn”, chị kể.
Bức thư đầu tiên không có hồi âm nhưng một thời gian sau, có một người đàn ông tên Vân tìm đến nhà, đưa một bức thư ngắn của nhạc sĩ Phú Quang và mấy tập lời bài hát đề tặng riêng chị.
“Chú Vân nói là bạn chú Quang, chú Quang ra làm đêm nhạc nên bận không gặp được, nhờ chuyển hộ. Trong thư chú Quang chỉ viết rất ngắn và có cho tôi địa chỉ nhà để chú cháu tiện thư đi tin lại. Hồi đó, nhà chú vẫn ở Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày hôm sau, chú Quang có gọi đến nhà để nói chuyện với tôi trước khi về lại Sài Gòn. Sau đó, thỉnh thoảng đến dịp lễ tết, tôi vẫn gửi thư và thiếp vào nhà chú. Mỗi lần nhận được, chú Quang lại gọi ra cho tôi.
Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại của nghệ sĩ sáo flute Hồng Nhung. Cô Nhung nói chú Quang ra Hà nội làm đêm nhạc nhưng chú bận quá nên cô và các em muốn đến thăm tôi. Rồi cô đến nhà và hẹn tôi tối ra rạp tháng Tám nghe chương trình của chú.
Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức đêm nhạc Phú Quang, mà lại còn không cần vé. Tôi còn nhớ, khi tôi đến chào chú thì chỉ thấy chú cười rồi mải lo công việc. Hôm sau, chú gọi cho tôi nói xin lỗi vì hôm qua cô giới thiệu nhưng chú không nhận ra tôi, tưởng là con của mấy bà bạn cô”, chị Kim Anh trải lòng.
Chị Kim Anh - người hâm mộ Phú Quang theo cách đặc biệt.
Sau hai lần gặp gỡ không thành, Kim Anh lại có dịp vào Sài Gòn một thời gian. Mối quan hệ giữa chị và vị nhạc sĩ tài hoa cũng nhờ đó mà trở nên thân thiết. Lần đầu tiên đến nhà ông, Kim Anh còn gặp được cả nhạc sĩ Phú Ân và cháu gái của nhạc sĩ.
“Gọi là cháu gái nhưng cô ấy lớn tuổi hơn chú, cùng thời với Khánh Ly. Hôm đó cả nhà còn làm liveshow trên sân thượng.
Một lần khác, tôi đến thì chú đang làm việc trong phòng thu. Nhìn thấy tôi và cô em họ, chú hồ hởi bảo chúng tôi vào, rồi chú vừa đánh đàn piano vừa hát. Đó là ca khúc Romance 1 về sau cực kỳ nổi tiếng. Chú bảo chú thích bài này vì sự trúc trắc trong lời thơ của Ý Nhi. Tôi rất vui vì là người đầu tiên được nghe ca khúc và còn được nghe chính tác giả hát”, chị hãnh diện.
Sau khi về Hà Nội, chị vẫn thường xuyên gửi thiếp cho nhạc sĩ tài hoa và mỗi lần nhận được, ông đều gọi ra cho chị. Nhưng mối dây liên kết ấy bị đứt đoạn khi nhạc sĩ ly hôn, Phú Quang chuyển ra Hà Nội.
Chia sẻ về điều này, người phụ nữ 36 tuổi không giấu được sự tiếc nuối: “Cuộc sống của chú có nhiều thay đổi, bị nhòm ngó nhiều có lẽ cũng khiến chú mệt mỏi nên tôi không dám tìm chú nữa. Nghĩ cho cùng, tôi cũng chỉ là một người hâm mộ, không đủ lớn để chia sẻ với chú lúc khó khăn như một người bạn. Có khi sự xuất hiện của tôi còn làm chú khó xử vì cuộc sống đang bề bộn.
Mấy năm trước, khi còn làm với hãng phim truyền hình, một người bạn đã rủ tôi đến quán của chú chơi. Anh bạn tôi có vẻ thân với chú, anh cứ bảo tôi đến chơi thoải mái đi. Nếu chú không nhận ra thì cứ xem như tôi là bạn của anh cũng được nhưng tôi không dám đến.
Tôi sợ những tình cảm tốt đẹp trong lòng bị đổi hướng. Tôi biết dù không nhận ra, chú vẫn cư xử rất đẹp để tôi không cảm thấy hụt hẫng nhưng tôi không muốn đẩy chú vào tình huống đó. Tôi không muốn đến chơi với tâm thế đi gặp một người nổi tiếng cho vui. Tôi không giữ được liên lạc với chú để chia sẻ lúc chú gặp biến cố, thế thì cứ đứng xa để dõi theo như thế này sẽ hay hơn là gặp lại mà thành thoảng qua hời hợt.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn không hiểu tại sao chú lại chọn tôi để hồi âm trong hàng trăm ngàn người hâm mộ khác. Tình cảm của tôi đã được đáp lại một cách quá đẹp, quá đầy đủ để một đứa bé đau ốm ngày ấy không bị tổn thương.
Thế nên dù bây giờ có thể chú không còn nhớ tôi nữa nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn nhớ đến chú với tình cảm kính trọng nhất”.