Sáng 22/5, một cuộc Hội nghị trực tuyến 3 miền Bắc - Trung - Nam với các đại diện là các cơ quan quản lý văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã được tổ chức nhằm tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 36/2008/CT-TTG về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, các đơn vị tham gia đã nhanh chóng kết thúc phần đọc tham luận để chuyển sang trao đổi trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Bộ thực hiện sửa đổi một số văn bản quản lý.
Đáng chú ý có phát biểu của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam. Nêu thực trạng về vấn đề thực hiện bảo hộ quyền tác giả cho nhạc sỹ, ông Cẩn cho biết nhiều đơn vị biểu diễn kêu ca đơn giá về bản quyền ca khúc cao, nhưng đó là thỏa thuận riêng và là quyền của nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc đó.
"Đây là tài sản riêng và được thỏa thuận riêng về mặt dân sự. Ca sĩ được quyền ra giá cho tiết mục biểu diễn của mình thì nhạc sĩ cũng phải được quyền ra giá cho tác phẩm mà mình sáng tác. Có những ngôi sao cát xê hát đám cưới tới 400 triệu nhưng không có một đồng cho nhạc sĩ thì sao?" - ông Cẩn đặt câu hỏi.
"Chúng tôi làm việc với các đối tác nước ngoài họ ra giá tới 10.000 USD cho việc sử dụng một bài hát của họ. Đơn cử một nhãn hàng tại Việt Nam muốn sử dụng ca khúc "Bonjour Vietnam" cho quảng cáo của mình, khi chúng tôi liên hệ với đối tác nước ngoài họ đòi tới 100.000 USD. Sau đó thỏa thuận về giá cả tại thị trường Việt Nam họ mới chấp nhận giảm giá xuống còn 10.000 USD.
Khi chúng tôi xây dựng biểu giá tác quyền cho nhạc sĩ sẽ dựa trên: công ước quốc tế, mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á và tình hình tại Việt Nam. Các khoản mức sẽ thay đổi dựa trên thời gian, địa điểm, hình thức... sao cho phù hợp. Ví dụ biểu diễn ở Quận 1 thì sẽ khác với biểu diễn ở các khu vực ngoại thành hoặc ngoại tỉnh." - ông Cẩn nói.
Đề xuất với Bộ về phương án trong thời gian tới, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết từ khi Nghị định 79 ra đời tiền tác quyền phía Trung tâm nhận được giảm hẳn, do thông qua phía Sở cấp phép đôi khi bị thất thoát tác quyền của nhạc sĩ. Thời gian tới ông mong nghị định này sẽ được sửa đổi để bám sát hơn với tình hình thực tiễn.
Ông Nguyễn Hùng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM và đại diện Tòa án nhân dân TP.HCM cùng chia sẻ các kiến nghị xung quanh vấn đề nhiều điều luật chi phối thực hiện quyền sở hữu trí tuệ (đôi khi bị chồng chéo giữa Luật sở hữu trí tuệ và Luật dân sự, các thông tư hướng dẫn).
Một số Nghị định đã quá lạc hậu như Nghị định 61 của chính phủ ban hành từ năm 2002 về vấn đề nhuận bút đến nay không còn đáp ứng nổi giá cả thị trường. Và điều quan trọng nhất cần cải thiện là nhân lực. Bộ máy giám sát và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu. Ngay từ trong những đơn vị của ngành, của Sở cũng có rất ít người nắm được luật.
Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của một tổ chức giám định dân sự, đại diện Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết, hiện nay khi có tranh chấp về bản quyền, tòa án không thể thành lập được hội đồng chuyên môn để xác định mức bồi thường thiệt hại. Nhiều nhạc sĩ hoặc người có chuyên môn từ chối tham gia hội đồng giám định do ngại phiền phúc mặc dù vẫn được trả phí giám định.
Qua thông tin của các bộ ngành trao đổi sáng 22/5, có thể thấy việc hợp tác và trao đổi thông tin trong xã hội dân sự vẫn còn thấp, các cơ quan quản lý phản ứng chậm với sự thay đổi, gặp lúng túng trong việc ứng dụng các bộ luật hoặc nghị định sao cho sát với tình hình thực tế. Hội nghị kết thúc mà chưa đạt được thống nhất về việc chi phí tác quyền sẽ được quản lý như thế nào, hay sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và ra giá của tác giả.