Đó là hậu trường của một buổi thực hành nghệ thuật vẽ cơ thể (body painting) của họa sĩ Ngô Lực, vừa diễn ra tại phòng thu âm Gpro của nhạc sĩ Minh Đăng nằm trong con hẻm nhỏ yên tĩnh nối ra đường bờ kênh Nhiêu Lộc ở Quận 3 (TP.HCM).
Như hầu hết những buổi thực hành nghệ thuật đương đại có “dính líu” ít nhiều tới khỏa thân như nghệ thuật trình diễn, vẽ cơ thể…tại TP.HCM, lần “phóng bút” của họa sĩ Ngô Lực diễn ra trong hoàn cảnh hoàn toàn riêng tư, kín đáo và có phần ngẫu hứng.
Do không có khán giả đến xem và thưởng ngoạn, chỉ có mặt vài người bạn thân quen, nên khó có thể gọi đó là buổi trình diễn nghệ thuật.
Dù trình diễn công cộng có lẽ là điều mà bản thân họa sĩ muốn đạt tới để tìm tương tác với khán giả có mặt. Cũng như, làm “phép thử” đối với quan niệm thuần phong mỹ tục và cả với “thước đo” của cơ quan quản lý văn hóa trên ranh giới của sự cấm kỵ.
Rất khó để có một mô tả chính xác, kèm thống kê đầy đủ, về những người tham gia và các buổi thực hành nghệ thuật đương đại có liên quan tới khỏa thân ở TP.HCM.
Sự khắt khe của công chúng và nhà quản lý khiến những thực hành như vậy biết tự giới hạn mình trong dòng chảy “ngầm”, và “show” ra bằng hình ảnh ghi lại. Ngay chính bản thân các nghệ sĩ, người mẫu tham gia cũng xem đây là cuộc chơi riêng tư bên cạnh công việc chính để kiếm sống, mà có khi chẳng liên quan gì đến nghệ thuật!
Nhưng, tính thách thức của một loại hình nghệ thuật đầy mới mẻ và táo bạo có vẻ như đã chinh phục được vào trái tim và tâm trí của những nghệ sĩ, người mẫu “có thể làm bất cứ điều gì mà mình thích”. Cho dù đó là công việc đứng trên ranh giới nhạy cảm giữa nghệ thuật và khiêu dâm, cái đẹp thuần khiết và sự suy đồi luân lý.
24 tuổi, đam mê tất cả những gì liên quan tới nghệ thuật và cũng để kiếm sống, Ngọc My nhận các việc từ đóng phim, đóng quảng cáo, làm người mẫu, đi chụp ảnh…và giờ thì lao vào bận rộn với công việc kinh doanh.
Khác với nhiều cô gái từ quê lên thành phố lập nghiệp, My có cá tính mạnh mẽ và cho biết cô không ngại chia sẻ với báo chí về câu chuyện làm người mẫu body painting của mình. “Người ta nghĩ gì tôi thấy không quan trọng, tôi sống chỉ để làm những gì mình thích”, cô nói.
Sau khi Quyết định khỏa thân để họa sĩ vẽ lên người rồi chụp ảnh lại, Ngọc My nhận thấy đàn ông Việt có “tiêu chuẩn kép” trong cách nhìn về ảnh khỏa thân. Cô nói: “Đàn ông thực sự thích xem hình ảnh phụ nữ khỏa thân, nhưng đó là với người phụ nữ khác, còn với bạn gái thì rõ ràng họ khó chấp nhận”.
Ngay bản thân My cũng cho rằng do chưa có bạn trai nên việc chụp ảnh khỏa thân của cô cũng “dễ” hơn.
Không chỉ có body painting, “mạch ngầm” của sinh hoạt nhiếp ảnh khỏa thân tại TP.HCM cũng thỉnh thoảng trào lên thành “sóng nổi” được bàn tán và chia sẻ nhiều trong giới và trên mạng.
Nếu các nghệ sĩ nhiếp ảnh thế hệ đi trước chỉ dám khai phá thể loại này trong những bức ảnh tạo hình trên những đường cong cơ thể, rồi thêm chút ánh sáng và bóng tối. Thì hôm nay, nhiều nghệ sĩ trẻ lại muốn “nude” trở thành một thông điệp mang lại nhận thức, chứ không chỉ là môi trường khảo sát thuần túy về mặt mỹ học.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Trung Huỳnh cho biết anh muốn những nhân vật trong ảnh khỏa thân của anh không tìm cách giấu mặt bằng những động tác quay lưng hay che mặt, mà nhìn trực diện về phía ống kính.
Bạn bè anh còn có một nhóm bạn trẻ khác, có cả nam lẫn nữ, xem chụp “nude” như một cuộc chơi riêng tư, họ không làm nghệ thuật mà làm trong các văn phòng kinh doanh. Họ chụp lại chính mình như một sự nhìn lại bản thân trong cuộc sống hôm nay.