Chủ đề này tất nhiên không phải là theme chính của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", nhưng Nguyễn Nhật Ánh rất dụng công trong truyện, Victor Vũ cũng mổ xẻ khá kỹ khi chuyển thể, tuy nhiên dường như anh chưa chạm sâu vào được nhân vật như trong truyện của tác phẩm chuyển thể.
Đó là chủ đề về cái ác, đặc biệt là cái ác của trẻ con. Đấy là một chủ đề rất đặc biệt nhưng ít khi được đề cập đến trong văn chương và phim ảnh, bởi nó hơi nhạy cảm.
Nhưng thực sự có những cái ác của trẻ con rất đáng sợ, vì không ai nghĩ bọn trẻ ác cả, vì chúng được mặc nhiên che lấp trong cái vỏ bọc hồn nhiên của con trẻ. Cho dù cái ác của những đứa trẻ kiểu này đôi khi giết chết hoặc hủy hoại cuộc đời của người lớn.
Trong bộ phim Children's Hour (1961) của đạo diễn Wiliam Wyler, một con bé nhà giàu quen được nuông chiều khi bị cô giáo trong trường dòng phạt, nó đã trả thù bằng cách về nhà dựng lên câu chuyện 2 cô giáo trong trường là đồng tính và yêu nhau.
Cảnh quay phim "Children’s Hour".
Một tin sét đánh trong bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, lại trong một trường dòng. Cuộc đời 2 cô giáo trẻ nát bấy từ đấy. Một người không chịu nổi dư luận, treo mình lên thòng lọng. Một người nữa bị người yêu sắp cưới từ hôn, bỏ đi biệt xứ.
Trong The Hunt (2012) xem chấn động tâm can của điện ảnh Đan Mạch 3 năm trước, cũng nói về cái ác khó lý giải nổi của một bé gái chỉ mới 3, 4 tuổi.
Chỉ vì sự giận dỗi tự ái trẻ con, lại chịu sự tổn thương vì sống trong một gia đình không hạnh phúc, con bé con đấy đã nói dối rằng ông giáo làng (mà nó từng rất yêu quý) khoe của quý trước mặt nó (chỉ vì tình cờ tối hôm trước nó nhìn thấy thằng anh đang xem một bộ phim heo trên máy tính).
The Hunt (2012)
Ôi thôi cuộc đời của một ông giáo làng hiền lành tử tế đang cố để xây dựng cuộc sống mới rơi dần vào một cái địa ngục không đáy của những lời cáo buộc, tấn công của dân làng.
Ai đi nghi ngờ một con bé con vài ba tuổi? Ai lại đi tin lời thanh minh của một kẻ bị buộc tội ấu dâm?
Cái ác trẻ con trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh khác với hai câu chuyện về lời nói dối chết người của hai đứa trẻ nói trên.
Và ông khai mở nó một cách từ tốn và khéo léo, như một ca phẫu thuật tâm lý của một bác sĩ giỏi nghề, khiến cho "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của ông cao hơn một bậc so với những truyện dài mà ông viết cho tuổi mới lớn.
Truyện được viết lại dưới giọng kể của nhân vật ngôi thứ nhất, thằng Thiều, một cậu bé thiếu niên đang vào tuổi lớn.
Những hồi ức của nó gói trọn cả một vùng làng quê nghèo miền Trung trong những năm khốn khó nhưng cũng tràn đầy những kí ức, những hoài niệm đẹp, trong trẻo của tuổi thơ, của tình anh em, của những rung động đầu đời.
Nếu như thế thì không khác gì những truyện dài khác của Nguyễn Nhật Ánh. Điều làm nó khác biệt, là ông đã chạm vào được sâu hơn thế giới nội tâm của thằng Thiều, đặc biệt là cái ác của nó.
Thiều là một thằng bé đa cảm, có phần yếu đuối và ích kỷ. Nó học giỏi nên được ba mẹ nó ưu tiên hơn hẳn thằng Tường, một thằng bé được mô tả là học dốt nhưng lại rất giỏi những trò chơi trẻ con, thích đọc sách và có một thế giới tưởng tượng phong phú.
Nó chỉ có một điểm yếu: yêu quý đến mức thần tượng thằng anh trai của nó.
Cái ác đầu tiên của thằng Thiều là khi nó thua trong một trò chơi (dại) ném đá của bọn trẻ làng quê (không biết chơi gì), bèn bày mưu cho thằng em đến gần rồi ném viên đá vào trán khiến thằng em chảy máu.
Cái ác lần thứ 2 là khi thằng Thiều để ông hàng xóm bắt mất con cóc, dù nó biết với thằng Tường đó là cậu cóc vàng, là thế giới tưởng tượng tuổi thơ của đứa em trai, chỉ vì nó đố kị và ghen tức khi thấy thằng Tường và con Mận thân thiết chơi đùa với nhau.
Cái ác lần thứ 3 của thằng Thiều là khi nó ra đồng mót khoai trở về trong trận đói sau cơn lũ và tình cờ nghe lỏm cuộc đối thoại giữa thằng Tường và con Mận đang chia nhau mấy miếng thịt gà.
Không còn là sự ghen tức và đố kị nữa, cái ác của thằng Thiều lần này dường như không còn một chút lí trí nào nữa cho toan tính, bày mưu - thay vào đó là cơn giận giữ trào sôi của sự tích tụ ( vị kỷ) lâu ngày, khiến nó lao vào nhà vác cái gậy gỗ rồi phang tới tấp vào lưng thằng em trai trước sự bàng hoàng của con Mận.
Thằng Tường sau 3 cơn ác của ông anh trai nó yêu quý, gục ngã hoàn toàn mà vẫn không hiểu tại sao.
Cái giỏi của Nguyễn Nhật Ánh trong việc xây dựng cái ác trẻ con trong truyện dài này chính là việc ông không để người lớn can thiệp rồi răn dạy hay ra bài học đạo đức cho bọn trẻ.
Ba lần ác của thằng Thiều với thằng Tường bố mẹ nó đều không hề hay biết. Dường như ông đã có một cam kết không để người lớn nhúng tay vào những bí mật của bọn trẻ.
Ông để bọn chúng tự chữa lành vết thương cho nhau và cùng nhau đứng dậy. Cả ba lần ra tay ác với thằng em, Tường đều biết thằng anh mình cố tình, nhưng nó không mảy may trách móc, nó chỉ không hiểu tại sao.
Và nó đều cố tìm mọi cách để che dấu tội cho thằng anh, không để thằng Thiều phải liên lụy.
Thằng Thiều, có lẽ đến lần ác thứ 3, sau trận đòn tàn bạo dành cho thằng em trai và trước tình cảm trước sau như một của thằng em, nó mới thực sự hồi tỉnh, mới chiến thắng được sự vị kỷ và cái ác bên trong nó.
Và cuối cùng nó đã thấy được hoa vàng trên cỏ xanh, một vẻ đẹp bịnh dị trước mắt mà có lẽ giờ nó mới phát hiện như reo lên vậy.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, vì vậy như một sự thức tỉnh của thằng Thiều trước cái ác.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.