Thanh Thảo: "Nhìn cảnh tượng đấy thấy xấu hổ lắm! Tuy không phải là ai nhìn thấy hoạn nạn cũng làm ngơ. Nhưng thà làm ngơ còn đỡ xấu hổ hơn là hôi của kiểu đó. Nhất là báo chí nước ngoài đăng hình ảnh về vấn đề đó làm xấu mặt người Việt Nam quá!
Không biết những người đã tham gia hôi của hôm đó nhìn lại hình ảnh mình trên báo đài có thấy hổ thẹn không? Ngoài việc cần xử lý những người hôi của thì nên tìm cách giúp đỡ bác tài xế khỏi bị đền bù số tiền lớn, hoặc dùng tiền phạt những người đó giúp bác ấy. Hy vọng công ty sẽ không khiển trách và bắt tội bác ấy".
Cao Thái Sơn: "Ngay từ khi đọc thông tin này trên báo chí, tôi đã cảm thấy rất buồn cho một nhóm người không có ý thức có những hành động hôi của, nó không khác gì ăn cướp giữa ban ngày, lấy vật chất của người biến thành của mình.
Chính vì một số đối tượng như thế đã khiến cho hình ảnh con người Việt Nam trở nên méo méo trong mắt bạn bè quốc tế... Đó là một hành động đáng xấu hổ và cần bị lên án. Mẹ tôi dạy tôi từ nhỏ, nhặt được của rơi thì trả lại cho người đã mất...
Nếu không tìm được cho người đánh rơi thì mình nên gửi vào từ thiện... Bản thân những người làm cha làm mẹ đó còn không ý thức được chuyện hôi của, thì làm sao họ dạy con cái họ văn minh lên được... Để hạn chế và ngăn chặn thói xấu này, mọi người cần lên án mạnh mẽ và coi việc hôi của cũng giống như ăn cắp ăn cướp ngoài đường thôi".
Phạm Quỳnh Anh: "Theo Quỳnh Anh thì chúng ta đang bị khủng hoảng niềm tin và sự bao dung yêu thương nhau. Một đứa trẻ có thể bị ngược đãi, một vụ tai nạn có thể trở thành đề tài hiếu kì hơn là trợ giúp nạn nhân, một vụ tai nạn như vừa qua có thể trở thành một cơ hội trục lợi rất nhỏ nhen nhưng để lại một hậu quả có thể hạ gục cuộc sống kinh tế của nạn nhân.
Nếu có thể được, Quỳnh Anh mong cứ mỗi một câu chuyện xấu được truyền đi, chúng ta sẽ truyền thêm hàng chục câu chuyện đẹp và nhân văn khác để củng cố lòng tin vào việc làm điều tốt không còn là chuyện cổ tích giữa thời nay nữa".
Nathan Lee: "Tôi từng sống ở nước ngoài một thời gian dài, với những trường hợp rơi rớt đồ thì theo lối sống phương Tây, người ta sẽ giúp người bị rơi đồ gom lại và đưa trả cho họ. Thế nên khi về Việt Nam tôi cũng ít nhiều bị shock khi gặp những trường hợp gọi chung là "hôi của".
Tôi không phán xét cách sống và lối sống của người khác nhưng tôi nghĩ việc này đã có từ...gốc. Bất kỳ chuyện gì xảy ra người dân thường tụ tập lại nhìn nhìn xem xem, thậm chí đồ vật rơi rớt thấy nhiều người chạy đến nhặt và lấy thì tạo một quán tính là mình cũng muốn lấy về nhiều khi không biết lấy về để làm gì? có sử dụng được không?!
Hôi của là một điều không nên, Việt Nam đang hướng phát triển lên và nhiều du khách nước ngoài cũng có thể cập nhật những tin tức về việc này, họ sẽ đánh giá thế nào về người Việt mình? Bên cạnh đó, với tôi cách để ngăn chặn, hạn chế nạn hôi của thì chính là báo giới chỉ cần đưa 1 vài tin về việc này và không cần đi sâu quá. Vì sao? Vì sẽ dễ làm người khác suy nghĩ: À nếu bây giờ mình cứ đi hôi của thì mình sẽ được lên báo, được lên tiếng nói! - thế thì sẽ mãi không thoát được thói quen hôi của!"
MC Tùng Leo: "Phải suy nghĩ sâu xa nguyên do của hành động này. "Hôi của" - nghĩa là lấy tài sản của người khác khi họ gặp nạn. Điều này xuất phát từ tâm lý "đây là tài sản không chủ, nên cứ việc lấy mà không đắn đo. Người ta thường "hôi của" trong những thời điểm "loạn lạc", "tranh tối tranh sáng", điều đó cũng cho thấy đó là thời điểm bản thân những người "hôi của" đều đang làm lơ với lòng tự trọng của chính mình.
Tâm lý này xuất phát từ sự lỏng lẻo giáo dục, vì từ bé ai cũng được dạy "thấy của rơi trả người đánh mất", hoặc bỏ quên luôn thói quen cứu người gặp nạn. Nên về phía tôi, tôi nghĩ phần nhiều do giáo dục mà ra. Gọi là đáng trách thì đáng trách đấy, nhưng thay vì ngồi nói lên án này nọ, hãy thay đổi điều này từ chính sự giáo dục cho thế hệ sau về những mực thước đạo đức cần có khi tham gia cộng đồng và xã hội.
Tôi cũng ko đồng ý việc quyên tiền ủng hộ người bị hại. Hãy kêu gọi chính những người hôi của làm chuyện đó. Đừng tạo ra một thói quen xấu trong xã hội: ai muốn gây lỗi cứ gây, cộng đồng còn lại chịu lỗi dùm và sửa lỗi dùm. Vậy từ nay ai cũng toàn quyền vô tư vi phạm các mực thước đạo đức xã hội hay sao?".
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: "Thời gian vừa qua trong đời sống xã hội chúng ta đã diễn ra nhiều sự việc thật xấu xí của vài cá nhân nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của người Việt Nam. Đó có thể là hành động thiếu suy nghĩ của họ trong 1 khoảnh khắc nào đó nhưng hầu hết đó đều là những người đã trưởng thành và việc làm thiếu đạo đức như vậy thật sự là không thể chấp nhận được.
Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ và răn đe việc "hôi của" người bị nạn để mọi người thấy rằng đây là 1 hành động rất xấu và nhìn lại mình , tự ý thức để có những hành động đúng đắn hơn trong cuộc sống chung với cộng đồng hàng ngày".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Chung nghĩ rằng đó là một hành vi ăn cướp đáng xấu hổ, bộc lộ rõ bản chất vô tâm, tham lam, và tàn nhẫn của con người. Những người đó tuy hằng ngày dạy con phải trung thực, ngoan ngoãn, nhưng chính họ cũng không hiểu được ý nghĩa của chữ "trung thực" và có thể họ cũng chưa từng được nghiêm túc dạy dỗ về điều đó.
Khi xem được những tin tức đó, Chung cảm thấy xấu hổ thay cho họ. Rõ ràng là nhờ những phóng viên nhanh tay chụp lại được những hình ảnh đáng buồn ấy, mọi người mới biết và lên án kịch liệt, nhờ vậy, có một số ít người đã thức tỉnh và nhận ra lỗi lầm. Việc tin tức này bị lên những bìa báo nước ngoài tuy nhục nhã, nhưng đó chính là điều cần thiết để những người hôi của nhận ra được sai lầm và hậu quả của nó, từ đó có thể hạn chế bớt những hành động xấu.
Để ngăn chặn điều đó, phải bắt đầu từ chính trong gia đình, chính bản thân người làm Cha, làm Mẹ phải thật sự trung thực trong cách sống, trong từng quan hệ với hàng xóm láng giềng, chứ không phải chỉ dạy con bằng miệng. Kế tiếp là trách nhiệm của nhà trường. Nếu chỉ giáo dục trên sách giáo khoa vào giờ Giáo Dục Công Dân mà không có những hành động trực quan cụ thể thì không thể hiệu quả được".
Hương Tràm: "Theo dõi thông tin trên báo chí thời gian qua, tôi và nhiều người khác đều cảm thấy rất bức xúc về hành động 'hôi của' trong một số sự việc nổi cộm. Tôi nghĩ rằng, hành động 'hôi của' phản ánh một ý thức còn chưa đầy đủ về tình tương thân tương ái và tính cộng đồng và đó là một hành động đáng lên án và cần phải loại bỏ.
Chỉ cần vài giây để đặt mình vào hoàn cảnh của những người chủ hàng hay những người làm rơi tiền, tôi tin những người 'hôi của' sẽ suy nghĩ và biết dừng lại hành động tham lam, ích kỷ rất hổ thẹn và đáng xấu hổ của mình, thay vì sự vui sướng, hạnh phúc trên những nỗi đau và thất vọng của người khác.Và đáng buồn hơn, tôi nhìn thấy trong những gương mặt tham gia 'hôi của' không chỉ có người lớn, mà còn có cả trẻ em. Đó là điều rất đau đớn khi những em nhỏ chưa có được một nền tảng giáo dục tốt để ý thức hơn về hoàn cảnh và biết hành động sao cho đúng đắn.
Tôi nghĩ rằng, giáo dục là yếu tố then chốt để hạn chế và tự bản thân mỗi người răn đe chính mình trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không chỉ riêng thói xấu 'hôi của'. Một lon bia hay một vài chục nghìn trong lúc hả hê trên sự mất mát của người khác không làm chúng ta giàu lên, sống lâu hơn, lại trở thành yếu tố phản ánh, đánh giá nhân cách một con người là một cái giá mà tôi nghĩ không ai muốn đánh đổi".
Trịnh Thăng Bình: "Thời gian gần đây, theo dõi qua báo chí Bình cũng biết nhiều thông tin về nạn hôi của đang diễn ra khiến dư luận bức xúc. Cá nhân Bình khi biết đến hành động xấu xí đó của một bộ phận người dân cũng cảm thấy bức xúc và xấu hổ thay cho họ.
Thật sự hành động ấy đối với một số người văn hóa kém, họ xem đó là điều bình thường và may mắn nên kéo nhau đến hôi của. Nhưng thật sự hành động đó có khác gì ăn cướp của người khác. Và nó không những ảnh hưởng đến văn hóa chung của người Việt mình mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách nhân phẩm và tư duy đạo đức của con người ta nữa.
Thật sự không thể đưa ra bất cứ điều luật hay quy phạm gì được. Luật pháp cũng khó mà lan vào được. Chỉ có là tư duy của mọi người. Họ phải tự hiểu và tự biết, và văn hóa đào tạo cho giới trẻ sau này nữa".
Chi Pu: "Chi nghĩ rằng sự việc vừa qua là một chuyện rất đáng buồn, nhất là khi tin tức đã lan ra tận nước ngoài, đem lại hình ảnh không tốt cho người Việt. Theo Chi, để ngăn chặn việc này thì mỗi cá nhân phải có ý thức, chỉ cần 1 người đứng ra nói không với hôi của và chìa một cánh tay giúp đỡ là tự khắc những người khác sẽ cảm thấy xấu hổ".