Mỹ Linh từng là một hiện tượng gây cơn “địa chấn” âm nhạc trong Nam ngoài Bắc với “Trên đỉnh Phù Vân” và yên vị ở ghế diva nhạc Việt suốt nhiều năm qua. Dưới đây là bài viết của nhạc sĩ Bảo Chấn về Mỹ Linh.
Tôi biết Mỹ Linh từ những năm 84 - 85, khi cô ấy còn là một ca sĩ rất trẻ của Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương. Khi đó Linh chừng mười mấy tuổi, theo mọi người đến một tụ điểm ca nhạc mà tôi làm ở đó. Ngay lúc ấy, tôi đã nhìn thấy một tài năng.
Quả nhiên, một thập niên sau đó, Mỹ Linh phát triển ghê lắm, đầy cá tính và vượt qua được những cái bóng rất lớn của các đàn chị Thanh Lam, Hồng Nhung. Cách bứt phá của Mỹ Linh là len lỏi qua những cái bóng ấy, tạo ra được một sắc diện riêng, không trùng lặp. Khả năng của cô ấy bỗng nhiên vọt hẳn lên cao, bắt đầu từ khi Linh đi vào một con đường khác hẳn với các đàn chị, đó là khi Linh gặp được Anh Quân. Vẫn là một con đường nhạc nhẹ, nhưng nó cao hơn và không còn chính thống như trước. Nhờ thế mà Linh tỏa sáng được liên tục trong vòng hai thập niên. Với tôi, thực sự Mỹ Linh là một tên tuổi lớn.
Là anh em trong nghề, dĩ nhiên chúng tôi cũng có giao du qua lại. Cách đây hơn chục năm, thời tôi còn làm biên tập cho các hãng băng đĩa thì có hẳn một danh sách các ca sĩ nổi tiếng và ăn khách, được đưa ra làm tiêu chí đầu tiên để làm CD. Mỹ Linh cũng nằm trong nhóm những tên tuổi như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Thu Phương...
Tôi cũng mời Linh hát rất nhiều, chủ yếu là hát lại những bài đã nổi tiếng. Sau này, Mỹ Linh hát chọn lọc hơn, không phải bài nào đưa ra thì cô ấy cũng hát. Nhưng bài nào Linh đã chọn để hát thì đều có sức nặng cả. Rồi khi đã trở thành một danh ca, bài hát được Linh hát cũng có trọng lượng hơn nhiều. Sự kính trọng của tôi với giọng ca này càng ngày càng lớn vì rõ ràng, Mỹ Linh đã thể hiện được mình là một ca sĩ lớn. Cô ấy có sự chuẩn bị chu đáo cho sự nghiệp như một đồ thị đi lên, càng ngày càng giỏi và bản lĩnh.
Linh không hát nhiều bài của tôi, nhưng nhìn chung, cô ấy hát văn minh và rất có chiều sâu với bất cứ bài nào. Thời của chúng tôi, viết ca khúc hoàn toàn để cho vui chứ không chuyên nghiệp là sáng tác cho riêng giọng ca nào như bây giờ. Cô Lam thích bài này, cô Nhung thích bài kia, ai muốn hát bài nào thì hát... Cái may của bài hát là được các cô vớ lấy mà “lên đời” là vì thế. Rõ ràng, tôi làm việc với Linh không nhiều bằng với Thanh Lam hay Hồng Nhung. Nhưng không rõ tôi có chủ quan không, những bài ít ỏi của tôi do Linh hát thì chưa có bài nào dở. Phân nửa số đó là do Linh tự chọn. Thường thì Linh hay chọn những bài của tôi mà các cô kia không chọn. Chẳng hạn bài "Như cơn mưa đi mãi" Linh hát tôi rất thích.
Nói về chất giọng, trong Mỹ Linh tồn tại hai khuynh hướng. Cái ít người nhìn thấy ở Linh là một giọng hát có học, vốn liếng thanh nhạc rất cao không thua gì Thanh Lam. Thuở ban đầu, Linh không trưng trổ kỹ thuật song cũng chính nhờ cái vốn liếng kỹ thuật ấy đã giúp cô phô diễn được cái “men nồng” trong con người cô và gây xúc động cho người nghe. Chẳng hạn bài "Chị tôi" của anh Trọng Đài. Có thể ai đó sẽ nói chọn bài gì mà âm lịch thế, nhưng mà Linh thể hiện có sức nặng kinh khủng.
Mỹ Linh với giọng hát của mình giống như một kẻ có võ công rất thâm hậu nhưng lại ra chiêu rất bình thường, song lại có công lực rất cao. Với những bài hát có đề tài xã hội, hoặc rất “xì tin”, chẳng hạn như "Trái tim không ngủ yên", Mỹ Linh như người đặt dấu chấm hết. Không ai có thể hát vượt qua nổi hoặc phải chấp nhận chỉ là cái bóng của Linh mà thôi.
Khi đã lập gia đình, có điểm tựa là ông chồng nghệ sĩ rất có gout và cao tay, thẩm mỹ của Linh cũng cao lên rất nhiều. Tôi cho rằng "Chat với Mozart" mới là đỉnh cao nhất của sự nghiệp ca hát, không chỉ của riêng Mỹ Linh. Album đó đưa Mỹ Linh đến một đẳng cấp khác hẳn đồng nghiệp, nhất là thẩm mỹ âm nhạc. Có thể, sau này có đôi lúc Linh quay lại hát hàng chợ đi chăng nữa, thì cách làm của cô ấy vẫn rất đầy đặn và nồng nàn. Tôi ái mộ Mỹ Linh về hình ảnh biểu trưng ấy, nhất là cách biểu diễn, tới giờ này không hề có dấu hiệu giảm sút.
(Theo Đẹp)