Lần đầu tiên, người đẹp kín tiếng Dương Trương Thiên Lý chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình với người chồng thực tế, ít khi khen mà “toàn chê xấu” vợ. Tuy đều xuất thân Tây học, sáng sáng, họ có cái thú pha trà cùng thưởng thức và quây quần mỗi ngày đủ 3 bữa cơm gia đình...
Á hậu Dương Trương Thiên Lý được phát hiện sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2008. Là du học sinh trở về từ Mỹ, Thiên Lý nói tiếng Việt không sõi. Hình ảnh của cô ngày mới đăng quang luôn có mẹ sát cánh. Ngay cả khi ra Hà Nội đóng phim sau này, từng bước Thiên Lý luôn có mẹ đi cùng, thậm chí cô đã tuyên bố bỏ vai diễn nặng ký vì trang phục hở hang không phù hợp với hình ảnh hoa hậu.
Thế rồi bất chợt một ngày khán giả yêu mến nghe tin cô lên xe hoa với một doanh nhân Việt kiều gần gấp đôi số tuổi Thiên Lý, là ông bầu tổ chức cuộc thi mà cô đăng quang á hậu. Tin đồn “lấy chồng đại gia” râm ran rồi lắng dịu vì từ đó Thiên Lý tuyệt đối không trả lời trên báo chí.
Lấy chồng rồi đi Mỹ, Thiên Lý sinh con, một bé trai kháu khỉnh. Mới đây cô trở về Việt Nam, xuất hiện trên các poster quảng cáo và hiếm hoi hiện diện trong một số event. Khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới khởi động, cô xuất hiện với tư cách Giám đốc quốc gia cho đại diện Việt Nam.
Dương Trương Thiên Lý
Chúng tôi tìm gặp Thiên Lý sau ngày cô tiễn Diễm Hương lên đường tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Khi được hỏi “chị có nuôi con bằng sữa mẹ không”, Thiên Lý hồ hởi trả lời: “Có chứ”. Tôi trêu “Hoa hậu, á hậu ít người cho con bú lắm” thì cô hốt hoảng: “Ủa, tại sao vậy chị?”. Thiên Lý vẫn cười nhiều, tiếng cười vang ấm áp. Không thấy cô già dặn hơn mà vẫn là một Thiên Lý trong trẻo, hồn hậu thuở 20 tôi mới gặp cách đây hơn hai năm. Chỉ khác giờ đây cô đã là mẹ.
Anh ấy ít khi khen tôi
Hình ảnh của chị luôn gắn với mẹ kể từ khi trở thành hoa hậu. Thế rồi chị đột ngột đi lấy chồng. Một cô gái sống trong bao bọc khi lập gia đình sẽ thế nào?
Đúng là từ trước tới giờ tôi làm gì cũng có mẹ bên cạnh. Đến năm 16 tuổi qua Mỹ học, tôi mới không ngủ cùng mẹ nữa và sống tự lập trong ký túc xá. Khi thi hoa hậu rồi về nước tham gia nghệ thuật, thời gian đó vì còn khá lạ lẫm với môi trường ở đây và cũng vì trong giới có nhiều điều tế nhị nên cần có một người lớn giúp, tin tưởng nhất lúc đó chỉ có mẹ, nên mọi người dễ thấy ở Việt Nam tôi đi đâu cũng có mẹ.
Tuy nhiên, chuyện tình cảm với ông xã thì mọi thứ đến tự nhiên. Tôi không thể giải thích nó thế nào nên ngày cưới thì thấy vui chứ không run gì hết. Ngay cả với anh chị em nhà chồng đến khi cưới tôi cũng thấy quen thân rồi.
Chị quen chồng mình trong hoàn cảnh nào?
Anh ấy là Việt kiều Canada, còn tôi sống ở Mỹ. Tôi biết và quen anh ấy từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới tổ chức ở đây. Quen từ đó đến lúc cưới cũng gần bốn năm, còn yêu thì không biết từ khi nào (cười vui vẻ).
Ngày trước trả lời phỏng vấn, chị cho biết người đàn ông trong mơ của mình phải: khỏe mạnh, thông minh, đẹp trai càng tốt, từng trải, bản lĩnh, nhân ái, lãng mạn và hơi... si tình nữa. Chồng chị bây giờ có đáp ứng hết cả danh sách tiêu chuẩn ấy không?
Tôi vẫn còn nhớ. Những yếu tố đó vẫn là sức hút đối với tôi và ông xã đương nhiên có điều đó (cười). Ông xã sinh năm 1968, tôi vẫn nghĩ trên đời chẳng bao giờ có hai người hoàn toàn giống nhau hay hoàn toàn phù hợp, giữa vợ chồng quan trọng là có tình cảm tự nhiên. Chúng tôi đến với nhau không có ép buộc. Tôi nhận ra vợ chồng đúng là duyên nợ, vì nặng nợ nên mới ở với nhau chứ không phải là người khác.
Tiêu chí lãng mạn với tôi khác nhiều người. Bởi tôi không cần lãng mạn theo kiểu đọc thơ, tặng hoa mà đôi lúc cần những điều đơn giản. Ví dụ khi sang Mỹ thăm tôi, anh hỏi tôi muốn ăn gì, rồi đi chợ mua đồ về tự nấu. Anh ấy làm bánh bông lan ngon cực kỳ.
Điều anh làm khiến tôi ngạc nhiên, hóa ra người đàn ông như vậy mà cũng vô bếp khi cần thiết. Hoặc là anh ấy rất ít khi khen tôi, thậm chí toàn chê xấu nữa nên có khi anh khen rồi mà tôi không biết. Chẳng hạn, thỉnh thoảng tôi trêu: “Cô kia dễ thương chưa kìa, sao anh không quen”, anh ấy trả lời: “Em phải thế nào anh mới chọn em chứ”. Ông xã tôi là típ người thực tế.
Nhưng anh ấy có gì đặc biệt khiến chị gật đầu lên xe hoa ở tuổi 22?
Năm vừa rồi tôi thấy mình nên ổn định gia đình, bản thân cũng thấy người đàn ông này là dành cho mình rồi nên tôi quyết định làm đám cưới. Khi đi đến hôn nhân, yếu tố đầu tiên đối với gia đình tôi và cả gia đình anh ấy là hai người phải hòa thuận, cả hai gia đình cũng hòa thuận với nhau. Điều này được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng tôi.
Chúng tôi cùng nhau ăn cơm ngày ba bữa
Hai người cùng lớn lên ở những đất nước rất cởi mở là Mỹ và Canada, anh chị duy trì cuộc sống gia đình theo cách nào?
Chúng tôi ăn cơm cùng nhau mỗi ngày, có ngày thậm chí ăn với nhau ba bữa: sáng, trưa, tối. Tất nhiên cũng thỉnh thoảng ông xã phải đi tiếp khách, nhưng những ngày như vậy không nhiều.
Chị làm tôi bất ngờ đấy, gia đình doanh nhân - á hậu như chị mà còn hơn cả gia đình truyền thống kiểu mẫu.
Thực ra, gia đình tôi mỗi người có công việc riêng nhưng đều có điều kiện tự chủ trong công việc mình làm, mọi người đều không nhất thiết phải đến cơ quan theo giờ hành chính bó buộc nên chủ động quỹ thời gian của mình hơn. Đó có thể là lý do các thành viên trong nhà có nhiều thời gian dành cho người thân bên cạnh, có thời gian du di hơn để có bữa sáng cùng nhau.
Từ khi về sống chung, hàng ngày chúng tôi đều ăn cơm với nhau ít nhất hai bữa. Ngày nào không ăn ba bữa là do buổi sáng có món ngon, ăn nhiều quá nên trưa không thể ăn được nữa nên không về mà thôi (cười).
Hotgirl Quỳnh Chi cũng trở thành mẹ ở tuổi 23 như chị. Cô ấy chia sẻ rằng, có lúc đã thấy tiếc vì nhìn bạn bè cùng trang lứa tự do bay nhảy và sống vô tư ngoài kia. Chị có cảm giác nuối tiếc như vậy không?
Mọi người xung quanh nhận xét có con tôi còn trẻ hơn ngày xưa. Vì chơi đùa với con thích lắm. Nói chung tôi cảm thấy mình có thêm nhiều hạnh phúc hơn chứ không có nhiều tiếc nuối.
Tôi nghĩ khi quyết định cho bản thân mình việc gì đó cần nhất là làm sao không để trái với lương tâm, mong muốn từ trái tim mình. Đặc biệt trong chuyện tình cảm gia đình, gắn bó được với nhau lâu dài chắc chắn phải dựa trên sự yêu thương chân thành. Cuộc sống lúc nào cũng có thăng trầm, buồn vui nhưng đến cuối ngày mình thấy muốn về với gia đình hơn cả, nếu như thế, tôi nghĩ mình đã có được điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Và tôi đang sống mỗi ngày như vậy.
Gọi chồng tôi là ông bầu hoa hậu thì hơi quá
Tôi khá ấn tượng về mẹ của chị, mẹ chị sắc sảo. Nhưng tôi không cảm thấy chị có sự sắc sảo của mẹ, thế chị giống ai?
Tôi điềm tĩnh giống ba. Đúng, tôi không có sự sắc sảo của mẹ. Mẹ có được điều đó là do mẹ phải ra đời từ rất sớm. Vì từ nhỏ, ông ngoại ra Bắc tập kết, mẹ tôi phải sống với ông bà cố. Đến năm 21 tuổi mẹ tôi mới gặp ba ruột. Ba của tôi cũng thế. Chuyện đó do hoàn cảnh đẩy đưa. Vì thế sau này khi có con, mẹ tôi muốn bao bọc các con, muốn con cái có gia đình trọn vẹn.
Chị được học hành đàng hoàng, bài bản, với đàn ông Việt, chưa chắc đó là ưu điểm, vì họ không thích vợ hơn mình. Trong cuộc sống gia đình, chị có phải cố gắng làm mình bớt trí tuệ đi hay anh ấy hơn chị nhiều rồi nên chị thấy hài lòng?
Trí tuệ của một người mà phải lấy ra so sánh thì khó mà lường được. Nhưng chắc chắn kinh nghiệm sống của chồng hơn tôi rất nhiều. Hơn nữa, tôi nghĩ không phải đàn ông Việt đều giống nhau đâu. Điển hình như người đàn ông mà tôi vẫn luôn thần tượng là ba. Ba và mẹ tôi luôn nâng đỡ nhau trong cuộc sống nên tôi cũng được ảnh hưởng bởi cách sống đó.
Trước đây có bao giờ chị nghĩ một ngày mình lại trở thành Giám đốc quốc gia cho các thí sinh Việt Nam tham dự cuộc thi hoa hậu quốc tế không?
Không bao giờ. Cuộc thi hoa hậu của chính mình tôi cũng hoàn toàn không nghĩ đến trước đó. Bây giờ lại còn được lựa chọn các bạn dự thi. Tôi thấy cuộc sống đúng là luôn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Chị luôn tìm cách né tránh sự phức tạp của thế giới showbiz, nhưng chị lại lấy một ông bầu hoa hậu. Có gì mâu thuẫn không?
Ông xã cũng không dính dáng nhiều lắm đến các cuộc thi nên gọi là ông bầu thì hơi quá (cười). Thêm nữa, việc đưa người đẹp đi thi không phải là công việc chính của ông xã tôi nên dễ thấy anh ấy không xuất hiện trong những công việc này. Chúng tôi vì cùng yêu thích cái đẹp nên vẫn duy trì công việc này.
Tôi thích uống trà và chơi golf
Anh chị có sở thích đặc biệt nào trong cuộc sống?
Trong cuộc sống tôi thích uống trà, còn anh ấy thích tìm hiểu về các loại rượu ngon. Tôi sống ở San Francisco, ở đó có một quán trà, chủ quán là người gốc Cần Thơ. Bác ấy rất am hiểu về trà nhưng không ép khách hàng phải mua trà của mình, chỉ muốn chia sẻ sự say mê với người muốn nghe nó. Ngay buổi ban đầu đến quán tôi đã ngồi nghe liền 5 tiếng, lúc ra về bị 3 cái vé phạt đậu xe quá giờ (cười). Sau lần đó, tôi say mê trà thực sự. Tôi hay lên quán đó ngồi, học hỏi thêm về các loại trà, phân biệt sự khác nhau rồi cách làm, cách pha trà thế nào để bảo quản được hương thơm của một tách trà khi uống.
Biết về trà như là phát hiện ra một thú vui trong cuộc sống riêng của mình vậy. Hồi đó, mỗi Chủ nhật tôi đều bỏ nửa ngày thử hết loại trà này đến loại trà khác. Có lần uống xong tôi thức cả đêm luôn vì không ngủ được. Giờ về Việt Nam, thứ tôi mang theo từ Mỹ về chính là mấy bộ pha trà. Sáng sáng, tôi vẫn dành thời gian pha trà cho mình, cho ông xã.
Tôi tưởng chị sang Mỹ sẽ học theo mấy cái hiện đại hơn, chứ ai dè lại vẫn thích cái rặt phương Đông như vậy?
Tây họ không uống trà như mình. Họ uống trà thảo mộc, nó là các loại hoa khô, vị của nó cũng ngon nhưng không tinh tế như trà châu Á. Nhất là trà Đài Loan, có nhiều vị phức tạp lắm, tôi thích phần đó hơn. Khi tôi sang Nhật, vào những quán trà của Nhật tôi cũng rất thích vì từ cách bài trí phòng, cách pha, cách uống đều rất là thiền. Khi vô phòng trà, mình chỉ tập trung vô tách trà mình uống, miếng bánh mình ăn thôi. Tiếc là tôi chưa có dịp để tìm hiểu sâu hơn về trà Nhật Bản. Tôi mới có điều kiện tìm hiểu và biết được những loại trà ngon của Đài Loan thôi. Về Việt Nam không có nhiều quán trà như vậy nên cũng hơi tiếc.
Chồng chị có chia sẻ với vợ sở thích đó không?
Ông xã cũng thích, thỉnh thoảng có trà ngon, tôi pha rồi hai vợ chồng cùng uống. Anh ấy không có thời gian như tôi nên chỉ thỉnh thoảng uống cùng vợ. Chị dâu tôi cứ trêu, sao mất cả tiếng mới pha được bình trà, cứ đổ nước bên này lại đổ qua bên kia hoài vậy (cười). Thực tế thì không mất nhiều thời gian lắm, nhưng pha trà cũng có chút cầu kỳ. Và cái thú của công việc này là mình được tận hưởng trọn vẹn cảm giác cách làm ra một tách trà ngon và thưởng thức nó.
Là người Sài Gòn mà chị lại dùng trà thay cà phê, lạ nhỉ?
Hồi trước tôi cũng dùng cà phê, nhưng từ khi uống trà tôi nhận ra, nếu cần sự tỉnh táo thì uống trà tốt hơn. Uống trà, mình thấy sảng khoái và cảm giác thư thái hơn. Tuy nhiên, bây giờ có con rồi, khi cho con ăn sáng, ngủ nghỉ xong xuôi mới có thể dùng trà. Vì vừa pha trà con vừa kêu khóc thì cũng đâu uống được (cười). Bên cạnh trà, tôi còn thích chơi golf.
Nhưng trà và golf thì có liên quan gì tới nhau không?
Uống trà giờ là một phần trong cuộc sống bình thường của tôi. Nếu ngày nào không uống thì cảm thấy thiếu cái gì đó.
Nếu trà mang lại cho tôi cảm giác thư thái thì golf lại mang tới cho tôi cảm giác chiến đấu với lý trí của mình. Cùng một đường golf đó nhưng mỗi lần đánh số gậy có thể khác nhau do nhiều yếu tố ảnh hưởng. Một trong những yếu tố phải kể đến là tinh thần. Vì vậy, đây là một trong những môn thể thao không những rèn luyện về thể chất mà còn rèn luyện thử thách để có một tinh thần luôn ổn định và vững vàng.