Đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên cạnh chùa Báo Ân.
Đỗ Thế Diên (Đỗ Thế Bình), người làng Cổ Liêu, huyện Đường Hào, nay là làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ - Hưng Yên). Ông làm quan trải đến chức Triều nghị Đại phu, kiêm Thẩm phán Viện Thẩm hình.
Đến khi về trí sĩ, ông được ban tặng Thượng trụ quốc, thưởng cho đai vàng. Sau khi mất, được triều đình phong phúc thần, cho dân chúng lập đền thờ trên nền nhà cũ.
Yêu tinh tặng ngọc
Tấm bia đá trước đền thờ quan Trạng.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bia chùa Báo Ân mang giá trị rất lớn, bởi liên quan đến Triều nghị Đại phu Đỗ Thế Diên - một vị Trạng nguyên, vị quan giỏi thời Lý, từng được ban tặng "Đông Hải văn khôi".
Tư liệu thư tịch nói về nhân vật này còn lại ít ỏi, nên phần thân thế, sự nghiệp, hành trạng còn để trống vắng. Bia chùa Báo Ân với tư liệu của Phạm Công Trứ đã góp thêm tư liệu quý hoàn chỉnh dần chân dung Đỗ Thế Diên.
Cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử vẫn chưa thể xác định rõ năm sinh và năm mất của nhà khoa bảng lừng danh Đỗ Thế Diên. Chỉ biết rằng cụ thân sinh ra ông là Đỗ Tiên Chính và mẹ là bà Kiều Thị. Tương truyền, cha của Đỗ Thế Diên mất khi ông còn rất nhỏ.
Ông sống cùng mẹ trong cảnh bần hàn trong căn nhà rách nát cuối thôn. Mặc dù, nhà nghèo không có đèn dầu để đọc sách, nhưng ông vẫn chuyên tâm kinh sử bằng cách quét lá đa, đốt cháy và nhờ ánh sáng đó để học bài.
Giai thoại kể rằng, một hôm Đỗ Thế Diên đang học thì buồn ngủ nên gục xuống bàn thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy một con yêu tinh đang đứng cạnh mình. Ông giật mình sợ hãi toan bỏ chạy, nhưng yêu tinh đã khuyên Đỗ Thế Diên bình tĩnh không nên sợ hãi. Yêu tinh giải thích việc đến đây là do cảm động trước sự hiếu thảo và lòng ham học của ông.
Nói xong, yêu tinh nhả một viên ngọc đưa ông nuốt vào bụng. Từ đó, ông học rất nhanh, học một biết mười, đọc đâu nhớ đó. Đầu ông chứa thiên kinh vạn quyển và cả vùng không ai sánh kịp.
Đến khoa thi năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời vua Lý Cao Tông, Đỗ Thế Diên tham dự và đứng đầu kỳ thi này. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Vào năm Trinh Phù thứ 10 (1185) đời vua Lý Cao Tông, triều đình tổ chức mở khoa thi tuyển sĩ vọng vào làm việc trong cung, ông dự thi và đỗ đầu cùng Đặng Nghiêm, Bùi Quốc Khái và 30 người nữa.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, vì vào thời nhà Lý chưa có học vị Trạng nguyên, nhưng do Đỗ Thế Diên đứng đầu khoa thi nên mọi người quen gọi là Trạng nguyên để tôn vinh và vinh danh người tài. Việc Đỗ Thế Diên đăng khoa đã trở thành mốc son trong sự nghiệp khoa cử của xứ Đông.
Sau khi thi trúng tuyển, Đỗ Thế Diên được triều đình vời ra làm quan, ông từng đảm nhận các chức như: Triều nghị Đại phu, kiêm Thẩm phán Viện Thẩm hình. Đến khi về trí sĩ, ông được ban tặng Thượng trụ quốc, thưởng cho đai vàng.
Đông Hải văn khôi
Đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên nhìn từ trên cao.
Sau thời gian dài làm quan, Đỗ Thế Diên về trí sĩ tại quê nhà. Các nguồn tư liệu cho biết, ông đã dành tiền để xây dựng chùa Báo Ân với lòng thành báo ân vua, báo ân cha mẹ và người dân trong làng đã đùm bọc ông ăn học thành tài.
Sau khi ông mất, nhà vua cho lập đền thờ Đỗ Thế Diên ngay trên nền nhà cũ của ông và có chỉ dụ cho các quan trong triều về tế lễ. Cho đến nay, tại Thanh Xá vẫn còn địa danh “Ngõ Chầu” liên quan đến việc các quan lại và nhân dân địa phương đón nghe chiếu chỉ vua ban.
Hiện nay, trong đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, ngoài tượng thờ, đền còn lưu giữ được nhiều di văn quý giá ca ngợi lòng hiếu thảo và tinh thần hiếu học của Đỗ Thế Diên, trong đó có bức đại tự: Đông Hải văn khôi (Đỗ đầu đạo văn vùng Đông Hải).
Hay như đôi câu đối: Tứ hải dương đạo học chi nguyên, Cổ Liêu khai địa mạch/ Lý Triều trúng giáp khoa chi tuyển, Đông thổ phá thiên hoa (Nghĩa là: Khơi nguồn học bốn biển, Cổ Liêu khai mạch đất/ Trúng khoa giáp Lý triều, xứ Đông tỏ đạo văn).
Một số nguồn ghi chép cũng cho biết để tưởng nhớ công đức của Đỗ Thế Diên, triều đình đã ban cho dân làng Cổ Liêu ruộng “Tế điền”, nhân dân có thể lấy nguồn thu từ ruộng đó để hàng năm phụng thờ.
Cổ Liêu xưa vốn là một làng học nổi tiếng của Hưng Yên nói riêng và xứ Đông nói chung. Cho đến nay, làng ấy vẫn truyền tụng câu ca: “Đầu làng Tể tướng, cuối làng Trạng nguyên” để chỉ về quan Thái tể Phạm Công Trứ và Trạng nguyên Đỗ Thế Diên.
Theo nhà văn Nguyễn Trọng Văn, nét độc đáo ở Liêu Xuyên (Cổ Liêu) còn thể hiện ở cách cư ngụ của người dân. Dân làng Liêu Xuyên ở theo 4 xóm, xếp thành hình chữ “Phẩm”. Hội tụ những yếu tố phong thủy thiên thời, địa lợi ấy, Liêu Xuyên được coi là nơi “địa linh nhân kiệt”.
Cũng thuở xưa các làng trong vùng này thuộc tổng Liêu, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Kinh Bắc. Ngoài làng Liêu Xuyên ra còn có các làng Liêu Thượng, Liêu Trung và Liêu Hạ. Sau này ba làng Thượng, Trung và Hạ được chuyển sang xã Liêu Xá, còn Liêu Xuyên sang xã Nghĩa Hiệp cùng huyện Yên Mỹ.
“Không những là đất phát người tài, làng cổ Liêu Xuyên vào thời Minh Mạng thứ 2 còn được nhà vua phong 4 chữ vàng “mỹ tục khả phong” để lưu danh ngôi làng có nhiều nếp sống đẹp. Khoảng sau năm 1954, làng Liêu Xuyên đổi tên là làng Thanh Xá với ý nghĩa là làng thanh bạch”, nhà văn Nguyễn Trọng Văn cho hay.
Di vật quý còn lại
Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, dù tấm bia đá của Trạng nguyên Đỗ Thế Diên đã bị bào mòn nhưng nhiều hoa văn vẫn khá rõ.
Sau nhiều thế kỷ, những hiện vật về Trạng nguyên Đỗ Thế Diên đã bị bào mòn nhưng ngôi chùa Báo Ân được ông xây dựng lúc sinh thời thì vẫn còn đó. Việc xây dựng chùa Báo Ân đã được ông ghi lại trên tấm bia đá dựng trước Triệu Nghị cổ miếu (nay được đặt phía trước nhà thờ Trạng nguyên).
Trong sách “Kiến văn tiểu lục” - mục Linh tích, Lê Quý Đôn chép rằng, ở Liêu Xuyên huyện Đường Hào có Triều Nghị cổ miếu, thờ thần tên là Đỗ Thế Diên, đỗ Trạng nguyên triều Lý, ông đem thổ trạch hiến làm chùa, bên phải chùa làm miếu, bên phải miếu làm mộ, đằng trước miếu có bia đá.
Về tấm bia đá, Lê Quý Đôn cũng mô tả: Đằng trước miếu có một bia đá, hoa lá khắc tinh xảo, chữ bia phần nhiều bị mờ, chỉ còn độ năm sáu dòng, đề rằng “Bia chùa Chúc Thánh Báo Ân của hương Cổ Liêu, người lập bia đá là Đỗ Thế Diên - Triều nghị Đại phu, thủ nội thị sảnh, đồng tri Quảng từ công sự, kiêm phán Hình sự tứ kim tử ngư đại”.
Bên trong đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, năm 1980 nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành đã công bố tấm bia này và mô tả khá kỹ, có đối chiếu với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, và kết luận: “Tấm bia dựng trước miếu Triều Nghị, có tên là “Chúc Thánh Báo Ân tự bi”, tác giả là Đỗ Thế Diên người hương Cổ Liêu thi đậu Trạng nguyên năm 1185, như vậy, bia có khả năng được dựng vào cuối thế kỷ 12”.
Trong kho thác bản văn bia do trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp để lại từ trước đến nay tấm bia này cũng không được ghi tên. Ngược dòng thời gian, trước Lê Quý Đôn một thế kỷ, Phạm Công Trứ là người duy nhất đọc những dòng chữ cuối cùng trước khi chúng bị thời gian bào mòn.
Phạm Công Trứ (1600 - 1675) là tác giả “Đại Việt sử ký tục biên”, quê ở Liêu Xuyên. Theo tài liệu bi ký, gia phả, sách “Thừa tướng Phạm công niên phả”, năm 1668 sau khi trí sĩ, nhân việc lập bia huệ điền, tu sửa lại chùa Báo Ân và miếu thờ Đỗ Thế Diên, ông thấy tấm bia đá trước miếu đã bị mờ nhiều, lo ngại thời gian cứ trôi đi, nhiều năm sau sẽ không đọc được nữa, bèn ghi lại những dòng còn đọc được để lại cho thế hệ mai sau.
Bấy giờ, ông mô tả tấm bia đó như sau: “Từ đường có tấm bia đá cao 4 thước 1 tấc, rộng 2 thước 6 tấc, diềm bia hoa văn tinh xảo đẹp mắt, nhìn kỹ còn thấy rõ được năm sáu hàng, nét bút cứng cỏi. Câu chữ tuy không còn đủ, nhưng có thể hiểu được đại thể văn bia, biết được xuất xứ của ông Đỗ Thế Diên”. Phạm Công Trứ cho biết mặt trước bia, dòng đầu có các chữ “Cổ Liêu hương Chúc Thánh Báo Ân tự bi tịnh tự”.