"Trước khi ánh sáng đầu tiên của ngày mới rọi xuống những rặng núi, họ lại tiến về phía Arunachal Pradesh. Đây là đợt tấn công thứ tư của quân Trung Quốc. Lần trước, họ đã bẻ gãy tay bức tượng Phật ở Tawang và mang đi. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện đã khác.
Khoảng 5 giờ sáng, mặt trời bắt đầu ló rạng trên những đỉnh núi phía Đông của dãy Himalaya. Khi quân Trung Quốc bắt đầu tấn công qua đỉnh Sela, đại đội Delta của lực lượng Súng trường Garwal, hay chính xác là một người lính thuộc Tiểu đoàn Garhwal số 4 - Jaswant Singh Rawat đã cản đường họ".
Theo bài viết về nhân vật này đăng trên India Times (thuộc báo Times of India, Ấn Độ) của cây viết Kabeer Shamar, trong trận chiến nổ ra vào ngày 17/11/1962 và tiếp diễn suốt 72 tiếng đồng hồ sau đó, chỉ có một mình Jaswant Singh trấn giữ cứ điểm.
Sự kiện này được gọi là Trận Nauranang. Đây là cứ điểm cuối cùng của Ấn Độ, là tia hy vọng của cuộc chiến, và cũng là nơi đã đưa Singh Rawat từ một người lính tử nạn thành huyền thoại.
Trận đánh thứ tư ở Arunachal Pradesh
Trở lại với thời điểm rạng sáng ngày 17/11/1962, quân đội Ấn Độ đã rút khỏi Tawang và Tiểu đoàn Garhwal số 4 được triển khai để bảo vệ Sela, một trong những vị trí sống còn của khu vực.
Khu vực núi non hiểm trở nơi cực Đông Ấn Độ, nơi được cho là cứ điểm mà Jaswant Singh đã tử thủ Ảnh: India Times
Trước đó, quân Trung Quốc đã tìm cách thâm nhập vùng này bằng cách ăn vận như người Monpa bản địa nhưng thất bại. Họ đã tấn công thêm 2 đợt nữa trong ngày hôm đó với pháo, súng cối và súng máy hạng trung. Dù vậy, quân đội Ấn Độ vẫn tiếp tục tử thủ.
Theo ghi chép của phía quân đội, chính đợt tấn công thứ tư đã khiến Baba Jaswant Singh trở thành huyền thoại bất tử, người bảo vệ biên giới phía Đông của Ấn Độ.
Đợt tấn công của quân Trung Quốc vào Tiểu đoàn Garhwal số 4 có thể coi là ác liệt nhất. Quyết tâm chiếm lấy Nauranang, Trung Quốc tìm cách bố trí một súng máy hạng trung tới gần nơi Tiểu đoàn Garhwal số 4 đang đóng, khiến họ bị bủa vây bởi hỏa lực vô cùng mạnh.
Việc này đã khiến binh lính của Tiểu đoàn Garhwal số 4 không thể sử dụng những khẩu súng máy hạng nhẹ của mình và Naik Trilok Singh, Jaswant Singh cùng Gopal Singh quyết định thực hiện một nhiệm vụ cảm tử.
Họ bò qua đất đá, cây bụi dưới làn đạn ác liệt để hạ khẩu súng máy hạng trung của phía Trung Quốc bằng lựu đạn. Và họ đã thành công - sau khi quăng lựu đạn từ khoảng cách chỉ hơn 10m, Jaswant Singh tìm cách giật khẩu súng máy hạng trung từ người lính Trung Quốc đã bị thương.
Người lính này vẫn ôm chặt khẩu súng và bò về chiến hào. Nếu anh ta thành công có thể câu chuyện đã rất khác nhưng khi sắp tới chiến hào thì anh ta trúng đạn. Khẩu súng máy hạng trung sau đó được kéo về phía Ấn Độ.
Hành động cảm tử đó chỉ kéo dài 15 phút nhưng đã thay đổi cục diện của trận Nauranang. Quân Trung Quốc mất súng máy hạng trung nên phía Ấn Độ lạ có thể dùng súng máy hạng nhẹ để tấn công và đẩy lùi quân Trung Quốc. Arunachal Pradesh đã không thất thủ.
Một mình tiêu diệt 300 lính đối phương
Người dân địa phương lại lưu truyền một giai thọai rất khác về những gì Jaswant Singh đã làm vào ngày định mệnh 17/11/1962 ấy. Trong khi đồng đội của ông bị đẩy lùi, Jaswant Singh vẫn tử thủ ở vị trí của mình nơi độ cao 10.000 ft.
Jaswant Singh, người lính của tiểu đoàn súng trường số 4 thuộc quân đội Ấn Độ
Jaswant Singh cùng với hai cô gái người Monpa Sela và Nura - những người làm nghề vận chuyển đường núi - đã dựng súng ở nhiều vị trí khác nhau và duy trì hỏa lực dày đặc. Điều này đã khiến phía Trung Quốc tin rằng mình đang phải đối mặt với một tiểu đoàn, chứ không phải một người lính.
Theo lời người dân địa phương, Jaswant Singh đã giết hơn 300 lính Trung Quốc trước khi quân Trung Quốc bắt được người đưa cơm và biết rằng phía bên kia chỉ có một người lính duy nhất bắn súng trường. Khi Sela chết vì trúng lựu đạn còn Nura rơi vào tay đối phương, Jaswant Singh cảm thấy mình sắp bị bắt, nên ông đã tự kết liễu mình bằng viên đạn cuối cùng.
Lại có giai thoại khác cho rằng Singh đã nổ súng từ nhiều boong-ke khác nhau, đồng thời liên tục canh chừng quân Trung Quốc. Cuối cùng, hơn 300 lính Trung Quốc đã thiệt mạng dưới tay ông.
Quân Trung Quốc đã tìm cách bắt giữ và treo cổ Jaswant Singh nhưng đó cũng là lúc quân tiếp viện của Ấn Độ tới, kịp thời ngăn quân Trung Quốc tiến vào Arunachal Pradesh.
Tin rằng Jaswant Singh là thần hộ mệnh của vùng đất nên người dân địa phương đã xây miếu thờ ông.
Bia đá tưởng nhớ Jaswant Singh ở nơi ông tử trận. Ảnh: India Times
Sau này, quân đội Ấn Độ đã truy tặng Jaswant Singh huân chương Mahavir Chakra (huân chương Chiến binh Vĩ đại) và mặc dù ông đã qua đời, lực lượng này vẫn tiến hành những nghi thức dành cho một sĩ quan đương chức đối với ông.
Một chiếc chòi đã được dựng nên ở nơi ông tử trận, trong đó đặt một chiếc giường được 5 binh lính canh gác dọn dẹp hàng ngày. Giầy của ông được đánh bóng còn thư từ thăm hỏi gửi ông được trình lên thường nhật. Sau một ngày, các binh lính lại đem số thư đó đi khi ông đã "xem qua" hết lượt.
Đã 55 năm trôi qua, dù không rõ giai thoại nào mới là câu chuyện thật về ông nhưng đối với người dân địa phương, với những người lính ngày ngày vẫn canh gác và cả những du khách có dịp dừng chân ở nơi này, Jaswant Singh mãi mãi là thần hộ mệnh của biên giới phía Đông Ấn Độ.