Khinh công luôn là một chủ đề có sức lôi cuốn đặc biệt, từng tạo ra vô số tranh cãi với những người yêu mến võ thuật ở Trung Quốc. Câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là liệu khinh công trong võ cổ thuật từ xa xưa có điểm gì khác so với thời đại ngày nay?
KHINH CÔNG TRONG VÕ THUẬT TRUNG QUỐC ĐÃ TỒN TẠI CÁCH ĐÂY HÀNG NGÀN NĂM?
Tờ Sohu từng có một bài viết phân tích về vấn đề này với tiêu đề: "Có thực sự tồn tại khinh công trong thời kỳ cổ đại? Tại sao ngày nay, không ai làm được những điều thần kỳ?".
Khinh công là kỹ năng thường được nói tới trong các tiểu thuyết võ hiệp. Ngày nay, nhiều người cho rằng khinh công thực chất là kỹ năng giống với môn parkour, có xuất xứ từ phương Tây. Môn này sử dụng sự dẻo dai, linh hoạt của cơ thể để di chuyển, băng qua chướng ngại vật một cách rất ngoạn mục.
Khinh công được cho là tồn tại từ cách đây hàng ngàn năm ở Trung Quốc (ảnh minh họa).
Theo nhiều tài liệu ghi chép ở Trung Quốc thì khinh công tồn tại từ thời cổ đại, cách đây hàng ngàn năm. Có rất nhiều giai thoại về khinh công vẫn còn lưu truyền tới ngày nay, không phải trong các tiểu thuyết võ hiệp.
Một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho rằng hồi thế kỷ 19, có một vị ẩn sĩ già phái Võ Đang sở hữu khả năng khinh công thượng thừa. Ông có thể dễ dàng đứng dưới mặt đất bằng phẳng và… bay thẳng lên mái nhà cao 3 mét.
Vị ẩn sĩ này từng khiến nhiều người kinh ngạc với khả năng của mình, và khi được hỏi về cách tập luyện, vị ẩn sĩ nói rằng ngoài luyện cơ xương, môn võ này chủ yếu là luyện nội công, cần phải khai thông được một số huyệt đạo. Nếu không khai thông được một số huyệt đạo đó, dù có cố gắng tập luyện đến đâu cũng không đạt được trạng thái như vậy.
Theo Sohu, bên cạnh những giai thoại thì có một sự kiện thật, đó là kênh truyền hình nổi tiếng CCTV từng quay một bộ phim tài liệu ở núi Võ Đang. Nhân vật chính là một đệ tử của phái Võ Đang. Người này có khả năng chạy thoắt một nhịp rồi phi người lên không trung và giật được chiếc đèn lồng treo ở mép cửa, cách mặt đất 6-7 mét.
Website Wushuorg.com từ năm 2017 từng có bài viết với tiêu đề: "Nguyên tắc của khinh công là gì? Khinh công được thực hiện như thế nào?".
Theo bài viết này thì bản chất của khinh công hoàn toàn khác so với kỹ năng di chuyển ở các môn thể thao hiện đại như nhảy cao, nhảy xa… trong điền kinh. Với các môn như nhảy cao, nhảy xa thì trước khi thực hiện động tác nhảy, bạn phải chạy là lấy đà rồi cuối cùng là tiếp đất một cách nặng nề.
Tuy nhiên, khinh công lại không cần lấy đà. Một bậc thầy khinh công có thể đứng tại chỗ để bật lên hoặc phóng đi trong không trung và tiếp đất một cách rất nhẹ nhàng trong im lặng. Do đó, đặc tính của khinh công là "nhẹ" (từ "khinh" trong tiếng Hán cũng có nghĩa là "nhẹ").
Võ Đang và Thiếu Lâm là hai môn phái nổi tiếng về khinh công.
Theo khí công sư nổi tiếng người Trung Quốc Jiang Weiqiao thì khinh công ngoài việc đòi hỏi quá trình tập luyện vô cùng kiên trì thì nó còn là môn võ công mang ý nghĩa tâm linh mà nếu chỉ áp những quy tắc vật lý sẽ không thể giải thích được. Ông Jiang Weiqiao cho rằng, người đạt tới cảnh giới cao của khinh công sẽ có những "năng lượng bí ẩn".
Cũng theo bài viết trên Wushuorg.com, có nhiều cách để luyện khinh công. Ví dụ như để luyện khả năng di chuyển, họ có thể đeo những cục sắt hoặc thiếc vào chân. Mỗi trường phái võ thuật khác nhau lại có cách tập luyện riêng. Song đến nay, câu hỏi rằng liệu các võ sư thời xưa tập luyện theo trình tự như thế nào vẫn còn là một bí mật chưa có lời giải.
Một số nhà nghiên cứu võ thuật ở Trung Quốc cho rằng tuổi tác để bắt đầu luyện khinh công cũng hết sức quan trọng. Thời điểm phù hợp nhất để luyện khinh công là khoảng lên 10 tuổi. Bởi nếu tập quá sớm, cơ xương còn quá non dễ gây ra chấn thương nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường. Còn nếu tập quá muộn, cơ thể đã láo hóa sẽ rất khó thành công.
Võ sư Trần Sư Hành phái Võ Đang thi triển khinh công.
KHINH CÔNG KHÁC PARKOUR Ở ĐIỂM GÌ VÀ PHẢI CHĂNG KHINH CÔNG THỰC SỰ ĐÃ BỊ THẤT TRUYỀN?
Theo bài viết trên tờ Sohu, so với môn parkour thì khinh công khác về bản chất. Điểm khác biệt lớn nhất là parkour cần khảo sát địa hình và đo đạc khoảng cách trước khi thực hiện các màn biểu diễn. Ngược lại thì khinh công không cần khảo sát địa hình gì cả. Trong quá khứ, những bậc thầy khinh công của các môn Võ Đang, Thiếu Lâm, Nga Mi đều có thể thực hiện khinh công một cách rất ngẫu hứng.
Vậy tại sao ngày nay, không ai thực hiện được những kỹ năng phi thường của khinh công? Theo lý giải của một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng thời xa xưa, các cao thủ võ thuật chỉ truyền dạy cho số ít đệ tử những "tuyệt kỹ" của mình theo hình thức bí mật nhưng không dạy đại trà theo số đông.
Có một thời gian dài, võ thuật bị cấm truyền dạy công khai. Mặc dù sau này võ thuật được khôi phục trở lại nhưng một số tuyệt kỹ thời xưa đã bị thất truyền và khinh công có thể nằm trong số đó.
Một số nhà nghiên cứu võ thuật cho rằng khinh công thực sự đã bị thất truyền.
Wushuorg.com lại viết rằng: "Tập khinh công đòi hỏi ý chí khổ luyện hơn người bình thường rất nhiều. Muốn thành thục một kỹ năng khinh công, chắc chắn phải mất ít nhất 10 năm. Nếu không có ý chí kiên cường và sự kiên trì thì không thể luyện thành. Chính vì điều kiện khắt khe và sự đau đớn khi tập luyện mà số người tập khinh công cứ dần dần biến mất".
Tờ Sina trong một bài viết về khinh công đã cho rằng, trên thực tế thì khinh công không còn phù hợp với thời đại ngày nay và đó có thể là lý do khiến nó bị thất truyền:
"Đối với câu hỏi rằng tại sao khinh công thật sự không xuất hiện ở ngày nay, đó là bởi bây giờ, mọi người đã quá quen với một cuộc sống thoải mái. Việc bỏ ra hàng chục năm chịu đựng gian khổ để luyện khinh công là điều không còn cần thiết.
Bây giờ, mọi người có thể đến phòng tập thể dục chỉ để giữ gìn vóc dáng. Họ không có nhu cầu trải nghiệm loại hình võ thuật thể chất thuần túy này nữa. Bây giờ cũng có nhiều loại võ thuật khác, mọi người không còn giới hạn trong võ thuật Trung Quốc".
Những chủ đề về khinh công còn tiếp tục tạo ra tranh cãi.
Về cơ bản, khinh công luôn là đề tài hấp dẫn với những người yêu võ thuật cổ truyền. Thời đại ngày nay dù khoa học công nghệ đã rất phát triển thì những chủ đề về khinh công vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Cũng vì vậy, khả năng khinh công của các bậc tiền bối thời xa xưa thực sự cao siêu tới đâu vẫn hoàn toàn là một ẩn số không có lời giải.
(Bài viết được tổng hợp từ các nguồn Sohu, Wushuorg.com, Sina)
(Xem thêm các tin tức võ thuật tại đây).