Giai thoại và sự thật về tướng cướp “Người không mang họ”

Thuỳ Anh |

Gần nửa thập kỷ trôi qua nhưng có lẽ trong ký ức của nhiều người vẫn nghĩ rằng Toọng - tướng cướp khét tiếng một thời tại thành Vinh chính là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Người không mang họ”, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo. Nhưng qua lời kể của điều tra viên, những người trực tiếp bắt giữ và thụ lý vụ án thì câu chuyện mới được làm sáng rõ…

Giai thoại về một nhân vật trong tiểu thuyết

Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời với số lượng xuất bản đạt con số kỷ lục thời bấy giờ. Nhân vật chính là Trương Sỏi (còn có tên gọi khác là Hoàng Lạng, Nguyễn Viết Lãm, Đệ nhị mãi võ) trong tiểu thuyết hình sự này được độc giả xem là hiện thân của Toọng (Trương Hiền), tướng cướp khét tiếng một thời tại thành Vinh. Tác phẩm “Người không mang họ” sau đó được chuyển thể thành phim và công chiếu rộng rãi trong cả nước.

Tiểu thuyết “Người không mang họ” và bộ phim cùng tên, với nội dung kể về người thanh niên có tên Hoàng Lạng, trú tại Vĩnh Linh, Quảng Trị vào Nam trước năm 1975. Cuộc đời phiêu dạt khiến người thanh niên này thay tên đổi họ nhiều lần. Sau tháng ngày lang bạt, anh ta “đầu quân” vào Sơn Nam mãi võ, chuyên đi biểu diễn võ thuật, bán thuốc dạo để mưu sinh. Quá trình đó, Lãm vướng vào cạm bẫy tình thù, bị Bang chủ Sơn Nam hạ đo ván trong cuộc quyết đấu. “Đệ nhị mãi võ” bỏ sới lang bạt giang hồ và điểm dừng chân cuối cùng là thành Vinh.

Giai thoại và sự thật về tướng cướp “Người không mang họ” - Ảnh 1.

Chợ Vinh xưa, nơi Toọng bị bắt giữ. (Ảnh tư liệu).

Trong tiểu thuyết và bộ phim “Người không mang họ” thì phía sau những pha hành động gay cấn, nhà văn Xuân Đức và đạo diễn Long Vân đi sâu khắc họa số phận con người. Từ một thanh niên hiền lành, lương thiện, Lãm rơi vào vòng xoáy tội lỗi, trở thành tướng cướp khét tiếng với biệt danh mới: Trương Sỏi. Sau những ân oán tình thù, cuối cùng, Trương Sỏi bị cảnh sát bắt giữ và bị khép án tử hình.

Sau gần nửa thập kỷ trôi qua, từ tiểu thuyết đến bộ phim “Người không mang họ” và những thêm bớt qua các câu chuyện truyền miệng thì trong ký ức của nhiều người, Toọng- tướng cướp khét tiếng một thời ở thành Vinh ngoài đời thực chính là Trương Sỏi thống lĩnh băng đảng giang hồ, nhưng đã dùng võ nghệ cao cường của mình cướp của nhà giàu, chia cho người nghèo trong tiểu thuyết và bộ phim cùng tên “Người không mang họ”. Và câu chuyện thực hư này vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhân vật Toọng nổi tiếng đến nỗi ngày nay người Nghệ vẫn có câu cửa miệng “lì như Toọng”.

Sự thật về tướng cướp khét tiếng một thời

Để hiểu rõ thêm về tướng cướp khét tiếng một thời tại thành Vinh, tôi đã tìm gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Vinh ngày ấy, một trong những người thụ lý vụ án về tướng cướp này. Khi nghe tôi hỏi Toọng và nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người không mang họ” có phải là một không, Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng nói: “Đó là một sự nhầm lẫn tai hại”. Toọng, tức là Trương Hiền, còn có tên gọi khác là Trương Vui hay Đức là đối tượng hình sự, bị kết tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản và giết người, bị tuyên phạt tử hình. Còn nhân vật Trương Sỏi trong tiểu thuyết “Người không mang họ”, sau chuyển thể thành bộ phim nhựa cùng tên không biết lấy nguyên mẫu từ đâu hay là do người viết tưởng tượng ra, nhưng chắc chắn không phải là Toọng. Toọng là một tên cướp liều lĩnh và manh động, quy tụ dưới trướng hàng chục đệ tử thân tín. Tài sản chúng cướp được đều dùng để chơi thuốc phiện và bao gái. Còn nếu nhà báo muốn rõ hơn nữa thì tìm gặp anh Bình (tức Thượng tá Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự thời bấy giờ), điều tra viên trực tiếp làm vụ này.

Một lần nữa theo chỉ dẫn của Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng, chúng tôi tìm gặp điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án. Dù vụ án đã xảy ra gần nửa thập kỷ nhưng với vị Thượng tá có nhiều năm kinh nghiệm làm án hình sự, người đã trực tiếp bắt giữ Trương Hiền, thì những ký ức về Toọng vẫn còn vẹn nguyên. Ông khẳng định: Toọng tức Trương Hiền sinh năm 1957, quê ở tỉnh Quảng Trị, từng có tiền án đã trốn trại và dạt về TP Vinh ẩn náu và hoạt động từ những năm sau giải phóng miền Nam.

Tại đây hắn đã quy tụ đám du thủ, du thực trên địa bàn tiếp tục hành nghề trộm cắp, cướp bóc. Mà nạn nhân của chúng chính là những hành khách trên các chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Với một kẻ sành sỏi trong giới cộm cán vì từng lãnh án cộng với sự liều lĩnh, ma mãnh của hắn thì dù là địa bàn mới nhưng Trương Hiền nhanh chóng tập hợp dưới trướng ít thì dăm 7 đối tượng, có khi lên đến vài chục kẻ bất hảo để tổ chức trộm, cướp. Và Trương Hiền được đám đàn em tung hô là “đại ca Toọng”. Dưới sự chỉ đạo của Toọng, toán cướp gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thành phố, nhất là những nơi buôn bán sầm uất và đặc biệt là trên tuyến xe lửa Vinh - Hà Nội trong suốt những năm 1977-1979.

Giai thoại và sự thật về tướng cướp “Người không mang họ” - Ảnh 2.

Chân dung Trương Hiền (tức Toọng- ảnh tư liệu).

Thượng tá Bình nhớ lại: Có đêm, Toọng và đàn em “khoắng” sạch kho hàng ở khu vực vườn hoa Cửa Nam, gồm thuốc lá, thuốc lào, vải..., mang ra bãi cát ven sông Cửa Tiền chôn rồi tìm nguồn tiêu thụ. Hay có đợt các chiến sĩ đi từ chiến trường ra, Toọng chỉ đạo đàn em mặc quần áo bộ đội, trà trộn vào khu vực các nhà ga hay điểm nghỉ chân, lục ba lô lấy tài sản, súng, đạn.

Nhưng trộm cắp vặt mãi cũng chán, tiền thì không đủ để hắn đãi đàn em và bao gái nên Toọng chuyển hướng sang cướp tài sản. Nhóm côn đồ dưới sự cầm đầu của Toọng thường nhảy lên các chuyến tàu Bắc - Nam để cướp tài sản của hành khách. Có những phi vụ chúng “khoắng” sạch cả toa hàng.

Trả giá

Sau hơn 2 năm có mặt tại thành phố Vinh, băng cướp do Toọng cầm đầu trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân và cả khách vãng lai tình cờ đi qua hay dừng chân ở đây. Ty Công an Nghệ Tĩnh chỉ đạo Công an thành phố Vinh lập án để đấu tranh. Sau nhiều lần bị truy quét, những đàn em thân tín của Toọng lần lượt bị bắt giữ. Riêng Trương Hiền cũng bị bắt đến 3 lần. Thượng tá Bình nhớ lại: Có lần, Trung tá Phạm Hồng Quang, thời điểm đó đang phụ trách chốt chặn trước cổng chợ Vinh thì phát hiện Toọng vừa từ trong chợ ra. Nhác thấy cảnh sát, Toọng lập tức hai tay hai súng nhả đạn, lợi dụng sự nhốn nháo hắn nhanh chân tẩu thoát.

Trước sự manh động, liều lĩnh của băng nhóm này, Ty Công an đề xuất lên cấp trên để Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vào cuộc cùng phối hợp truy bắt. Đến ngày 9/3/1979, Trung úy Nguyễn Văn Bình và Thiếu úy Nguyễn Thái Học đang mai phục tại khu vực chợ Vinh thì phát hiện Toọng từ trong chợ đi ra. Dù các anh mặc thường phục nhưng vốn bị bao phen bắt hụt, hắn đã nhận ra và rút súng nhả đạn liên tiếp. Bằng kỹ thuật điêu luyện, hai anh nhanh chóng cuộn mình ẩn nấp. Thời cơ đến khi phát đạn thứ 4 hắn bắn ra bị kẹt. Trong nháy mắt, hai cảnh sát nhanh chóng áp sát đối tượng, khống chế và bắt giữ hắn.

Quá trình đấu tranh, Toọng còn khai nhận đã gây ra vụ cướp xe máy, giết người, vứt xác xuống ống cống ở khu vực đường 9 - Khe Sanh trước khi lẩn trốn ra thành Vinh. Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Trương Hiền và đồng bọn được xác định thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật tải sản và giết người.

Tháng 8/1980, phiên tòa lưu động xét xử tên tướng cướp sừng sỏ và 9 đồng bọn được mở và kết thúc bằng 4 bản án tử hình dành cho Trương Hiền, Đậu Kim Sơn, Trần Đức Lợi, Đoàn Thanh. Những đàn em khác của Trương Hiền trong băng trộm, cướp khét tiếng này cũng lĩnh án từ 15 năm đến chung thân. Tháng 6/1982, Trương Hiền bị xử bắn tại khu vực núi Dũng Quyết, thuộc thành phố Vinh.

Cuộc đời của tướng cướp khét tiếng một thời vĩnh viễn khép lại ở tuổi 25 khi hắn phải trả giá cho những hành vi mình đã gây ra. Nhưng dư âm về vụ án cũng như câu chuyện về tướng cướp Toọng (Trương Hiền) bị nhầm lẫn là nguyên mẫu trong tiểu thuyết và bộ phim thì không nhiều người dễ quên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại