Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng nay (19/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Trình bày báo cáo về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua năm 2005, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999.
Sau 10 năm thực hiện cho thấy Luật du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch.
“Việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Trình bày báo cáo thẩm tra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với nội dung trong tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch.
Theo ông Phan Thanh Bình, Hiến pháp năm 2013 được ban hành đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được rà soát và sửa đổi phù hợp. Với tinh thần đó, trong những năm gần đây nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật Du lịch là yêu cầu tất yếu khách quan.
Hơn nữa, qua hơn mười năm thực hiện Luật Du lịch, tình hình kinh tế, xã hội nước ta cũng như tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
“Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Thảo luận về dự án luật, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất và tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Du lịch.
Đồng thời nhấn mạnh ngành du lịch những năm qua có phát triển nhưng rất thấp so với tiềm năng.
Theo đánh giá của các đại biểu, những năm gần đây phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá đồng bộ, có sự kết nối về cơ sở hạ tầng. So với tiềm năng, kết quả còn ở mức độ khiêm tốn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, ngành du lịch những năm qua có phát triển nhưng rất thấp so với tiềm năng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch không phải chỉ ngành làm được mà đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ngành.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Định, mặc dù ngành du lịch trong thời gian qua đã có sự cố gắng nhưng sự phối hợp với các ngành chưa tốt và cần phải xử lý những vấn đề liên quan đến ngành khác như liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh.
Ông nêu ra ví dụ, ngay khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực mấy hôm có đoàn du lịch mấy ngàn người đi vào nhưng không nhập cảnh được, phải họp mất mấy hôm.
Hay như vấn đề visa các nước người ta miễn rất nhiều nhưng mình thì miễn vài nước và có thời gian nhất định.
Từ phân tích của mình, ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong dự thảo luật, khái niệm du lịch vẫn kế thừa khái niệm cũ như vậy thì chưa phải là ngành tổng hợp. Khái niệm du lịch chỉ như thế thì bị hạn chế.
Cùng cho ý kiến về khái niệm "du lịch", ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, dự thảo luật này nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài nhiều hơn chứ còn người Việt Nam đi du lịch ở trong nước thì hàm lượng ít.
Ông Nguyễn Mai Bộ giải thích ngôn ngữ về khái niệm "du lịch" được đề cập trong dự án luật: "Nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, với khái niệm này, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch.
Vì tôi chuyên xét xử án hình sự, với cái ngôn ngữ thể hiện trong khoản 1 này, tôi sẽ trả lời là Trịnh Xuân Thanh đi du lịch”.
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, bản chất của "du lịch" là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp, nhưng ở đây trong dự thảo luật không nêu được vấn đề bản chất đó dẫn tới khái niệm này dưới góc độ là chuyên xét xử án hình sự thì sẽ giải thích sự vắng mặt của Trịnh Xuân Thanh bây giờ theo kiểu đấy.