Giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, vai trò của Liên Xô và Nga đặc biệt thế nào?

Nguyễn Tiến |

Dù có cách tiếp cận khác nhau với cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng cả Liên Xô và Nga đều ủng hộ việc bảo vệ hòa bình trên bán đảo này.

Ngày 27/4/2018, cả thế giới dõi theo những hình ảnh đầy khích lệ khi các nhà lãnh đạo của 2 miền Triều Tiên, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, lần đầu tiên bắt tay và gặp mặt trực tiếp. Trên thực tế, tình trạng chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên chưa hề chấm dứt – Chiến tranh Triều Tiên chỉ tạm ngừng khi Hiệp định Đình chiến được ký kết, 2 miền Triều Tiên vẫn bị chia cắt cho tới tận ngày nay.

Khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng đồng minh vào tháng 8/1945, kết thúc Thế chiến II, phe Đồng Minh phải đối mặt với vấn đề phải giải quyết tình trạng bán đảo Triều Tiên, khu vực Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910, như thế nào cho hợp lý.

Washington khi ấy quyết định chia cắt Triều Tiên thành 2 miền: “Quyết định đậm chất Mỹ được đề xuất: Triều Tiên nên bị chia đôi theo vĩ tuyến 38 độ bắc thành 2 khu vực gần bằng nhau”, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên người Nga Konstantin Asmolov giải thích.

Matxcơva khi ấy ủng hộ quyết định này của Washington, tuy nhiên miền Bắc và miền Nam bán đảo Triều Tiên cho rằng họ cần phải thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của chính họ.

Kim Il-sung, sỹ quan Hồng quân Liên Xô và cũng là người chỉ huy phong trào du kích tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên, ông sang Liên Xô năm 1940 và trở thành đại tá của Hồng quân Liên Xô. Một số nguồn tin cho rằng con trai của ông Kim Il-sung là Kim Jong-il chào đời tại Liên Xô và thậm chí có cái tên Nga là Yuri Kim.

Khi chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập, Liên Xô có nhiều ảnh hưởng tới chính phủ này, thậm chí Matxcơva có những ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách của Bình Nhưỡng cho tới tận khi Stalin qua đời, nhà sử học Yevgeny Antonyuk nhận xét.

Giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, vai trò của Liên Xô và Nga đặc biệt thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung, người từng mang cấp bậc Đại tá Hồng quân Liên Xô. (Ảnh: GI)

Tới năm 1950, tình hình trên bán đảo Triều Tiên cho thấy Hàn Quốc và Triều Tiên không thể thống nhất được. Chiến tranh Triều Tiên bùng bổ, tuy nhiên khi ấy khoảng 300.000 đến 400.000 quân Mỹ bắt đầu chiến dịch can thiệp vào bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc khi ấy gửi khoảng 1 triệu quân tình nguyện để hỗ trợ Triều Tiên.

Liên Xô khi ấy cũng hỗ trợ Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), tham gia “hoạt động hỗ trợ không công khai quân đội Triều Tiên với 1 quân đoàn không quân, 1 quân đoàn thông tin đặc biệt và phòng không”, chuyên gia Asmolov cho biết.

Trong 3 năm, có tới hơn 4 triệu người trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên này. Khi Hiệp định Đình chiến được ký kết giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ, đường ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên vẫn nằm dọc theo vỹ tuyến 38 độ bắc như cũ.

Chính phủ Liên Xô không hề có bất cứ quan hệ nào với chính phủ Hàn Quốc, tới tận năm 1990, Matxcơva không công nhận Seoul về mặt ngoại giao. Trong khi đó, Matxcơva và Bắc Kinh là 2 người bạn lớn nhất đối với Bình Nhưỡng trong suốt thời kỳ này.

Video: Ông Kim Jong-un đặt chân qua biên giới liên Triều

“Tới đầu những năm 1990, Liên Xô tiếp tục giúp đỡ Triều Tiên về mặt kinh tế. Liên Xô đánh giá Triều Tiên là vùng đệm chiến lược chống lại sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này”, Giám đốc Nhóm nghiên cứu Nguy cơ Triều Tiên Andrei Lankov nhận định.

Mặc dù trong Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh trở nên xấu đi rõ rệt, nhưng cả Liên Xô và Trung Quốc đều thống nhất giúp đỡ Triều Tiên. Thế nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Bình Nhưỡng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Sau khi Liên Xô tan rã, vào đầu những năm 1990, Liên bang Nga chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế giữa Matxcơva và Seoul thời kỳ này chặt chẽ hơn nhiều so với quan hệ kinh tế giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng.

Giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, vai trò của Liên Xô và Nga đặc biệt thế nào? - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, năm 2002. (Ảnh: Reuters)


Trong 9 tháng đầu năm 2017, trao đổi thương mại giữa Nga và Hàn Quốc đạt mức 15 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với mức 74 triệu USD với Triều Tiên. Tuy nhiên, con số chênh lệnh này chủ yếu do các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên gây ra.

Về chính trị, Nga ủng hộ việc giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như có các động thái cụ thể để ngăn chặn xung đột bùng phát trên khu vực này. Dù thông qua các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, Matxcơva vẫn kêu gọi có những động thái cụ thể để Triều Tiên thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân ngày 3/9/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng nếu Triều Tiên cảm thấy tiếp tục bị đe dọa bởi Mỹ, trên cơ sở đánh giá những sự việc xảy ra tại Iraq là Lybia, thì không bao giờ có chuyện Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình hoàn toàn.

Giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên, vai trò của Liên Xô và Nga đặc biệt thế nào? - Ảnh 4.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Ông Putin nhận định rằng cần phải cho phép và mời Triều Tiên tham gia vào các dự án hợp tác trong khu vực, còn việc đe dọa Bình Nhưỡng chỉ làm trầm trọng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, Bộ Ngoại giao Nga có tuyên bố khẳng định rằng Nga “sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập sự hợp tác thực sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc”.

Các chuyên gia Nga nhận định rằng Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 có thể mở ra hy vọng mới cho nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Matxcơva sẽ tiếp tục giữ vị trí trung lập trong vấn đề này và chắc chắn Matxcơva sẽ ủng hộ việc 2 miền Triều Tiên củng cố quan hệ với nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại