Giải phóng "Địa ngục trần gian" Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Việc đưa lực lượng ra tiếp quản, bảo vệ Côn Đảo đồng thời đưa tù nhân về đất liền đã được quyết định ngay chiều ngày 1.5.1975- khi tiếng súng vừa mới tạm yên trên các mặt trận.

Vốn là một quần đảo nhỏ hoang sơ và xinh đẹp nằm ở phía Đông Nam biển Đông nhưng Côn Đảo không được thơ mộng như những gì tạo hóa đã bạn cho nó. Sau khi hoàn tất việc xâm lược Việt Nam, ngày 1.2.1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo để giam cầm những người yêu nước Việt Nam.

Với mục đích đó, một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp, chuồng bò... được xây dựng lên tại đây từ thời Pháp thuộc sang đến thời Mỹ xâm lược. Cùng với việc xây dựng nhà tù, chế độ giam cầm khổ ải và tra tấn cực hình đã biến Côn Đảo mộng mơ trở thành "địa ngục trần gian".

Tính đến 30.4.1975, nhà tù Côn Đảo đã tồn tại được hơn 100 năm. Trong thời gian đó đã có khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại nơi đây.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 1.

Trại giam Phú Tường, Côn Đảo - nơi nổi tiếng với "chuồng cọp", được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng "tắm nắng" không có mái che.

Vào thời điểm cuối tháng 4.1975, Nhà tù Côn Đảo đang giam cầm 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị bị cấm cố trong 8 trại giam. Về phía Việt Nam cộng hòa, lực lượng binh lính, cai ngục và viên chức ở đây có khoảng 400 người do Đại tá Lâm Hữu Phương chỉ huy.

Sự an toàn của các tù nhân Côn Đảo luôn đau đáu trong lòng các tướng lĩnh ở Tổng hành dinh. Vì vậy, chiều 1.5.1975, tại cuộc họp Quân ủy trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở "Bộ Tổng Tham mưu nhanh chóng giải quyết số quân địch ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Côn Sơn, Phú Quốc, đón anh chị em tù chính trị trở về".

Dường như các ý tưởng lớn thường gặp nhau, những người tù Côn Đảo đã không bó tay chờ đợi.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 2.

Mặc dù bị giam cầm trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt song kẻ địch vẫn không phuất phục được tinh thần yêu nước của những tù nhân nơi đây.

Gió đã đổi chiều

Mặc dù bị giam cầm trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt song kẻ địch vẫn không phuất phục được tinh thần yêu nước của những tù nhân nơi đây. Trong lòng họ lúc nào cũng âm ỉ cháy một ngọn lửa yêu nước thương nòi và một niềm tin vô bờ bến vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Chiều 29.4.1975, được tin Quân giải phóng đã bao vây chặt, Sài Gòn sắp đến giờ thất thủ, ở Côn Đảo diễn ra một cuộc tháo chạy cực lớn.

Bầu trời Côn Đảo náo loạn, máy bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống như mắc cửi chở quân, tướng Mỹ, cai ngục đóng tại Côn Đảo di tản ra tàu sân bay đang đón đợi ngoài khơi. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cũng theo quan thày bỏ trốn.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 3.

Lúc này, Đại úy Phạm Huỳnh Trung nắm quyền chỉ huy đảo đã ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót.

Tình thế đảo ngược khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại Cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản

Trong số những sĩ quan, binh lính và viên chức Việt Nam cộng hòa tại đây cũng còn nhiều người tốt. Họ hiểu rằng cái kết cục tất yếu đối với một chính thể tay sai đã tới và họ quyết tâm làm lại cuộc đời.

Nửa đêm 30.4.1975, Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng ban hành quân cảnh lực và linh mục Phạm Gia Huy đã tháo gỡ lựu đạn gài và mở khóa cửa phòng giam số 24, khu H của Trại 7. Họ thông báo Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng Quân giải phóng, hầu hết cai ngục ác ôn đã di tản, đề nghị tù nhân nắm chính quyền để bảo vệ đảo.

Với tinh thần cảnh giác cao độ, để tránh việc mắc mưu kẻ địch các tù nhân trong khám đã yêu cầu đưa radio vào để nắm bắt tình hình. Chỉ đến khi đã xác định chính xác thông tin họ mới bắt tay vào hành động.

Từ lúc đó đến sáng ngày 1.5.1975, toàn bộ 8 trại giam trên "địa ngục trần gian" đã được mở cửa. Những tù nhân gầy gò, ốm yếu, trong những bộ quần áo rách rưới dìu nhau ra hít thở không khí tự do.

Ngay sau khi toàn đảo được giải phóng, một Đảo ủy lâm thời gồm 7 người được thành lập để lãnh đạo thành lập Ủy ban Hòa hợp- Hòa giải nhằm quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo, trong đó nhiệm vụ trọng yếu nhất là bảo vệ đảo, bảo vệ an toàn cho tù nhân.

Tới 8 giờ sáng 1.5, thị trấn Côn Đảo đã hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng. 10 giờ sáng cùng ngày, Đài truyền thanh Côn Đảo phát sóng, đưa bản tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, công bố danh sách các thành viên Ủy ban Hòa hợp- Hòa giải.

Ngày 2.5.1975, một đài vô tuyến điện được hồi phục, và phát sóng chuyển bức điện đầu tiên từ Côn Đảo vào đất liền, cho tới 15 giờ cùng ngày thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: "Chúng tôi không cần gì cả. Chúng tôi chỉ cần ảnh Bác Hồ".

Không chỉ có ảnh Bác Hồ, đất liền còn gửi ra cho các anh nhiều hơn thế.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 4.

Chuồng Cọp ở Nhà tù Côn Đảo.

Côn Đảo gọi, đất liền đáp lời

Chưa cần nhận được điện của Côn Đảo, việc đưa lực lượng ra tiếp quản, bảo vệ đảo đồng thời đưa tù nhân về đất liền đã được quyết định ngay chiều ngày 1.5.1975- khi tiếng súng vừa mới tạm yên trên các mặt trận. Nhiệm vụ này được giao cho Hải quân và Sư đoàn 3 Sao Vàng- đơn vị vừa giải phóng Vũng Tàu chiều hôm trước.

Về phía Hải quân, Bộ Tư lệnh giao cho đoàn 172 đảm nhiệm nhiệm vụ này. Lúc này, đoàn 172 gồm tàu Đại Khánh, tàu Nhật Lệ, hai tàu chở nước, hai tàu pháo đi bảo vệ cần thiết thì bắn phá mục tiêu quan trọng hỗ trợ quân đổ bộ do đồng chí Nguyễn Xuân Bột chỉ huy.

Về phía Sư đoàn 3 Sao Vàng, nhiệm vụ này được giao cho Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 được tăng cường các bộ phận trinh sát và hỏa lực, do trung đoàn phó Nguyễn Hồng Sơn và Phó chính ủy Đồng Sĩ Tài chỉ huy.

Đến thời điểm này, đất liền vẫn chưa liên lạc được với Côn Đảo nên chưa nắm được tình hình. Vì vậy, hai bên vẫn xác định đây là cuộc đổ bộ tiến công đánh chiếm đảo. Một kế hoạch chiến đấu chi tiết với các tình huống khác nhau đã được xây dựng lên.

Trong kế hoạch có hai kịch bản chính có thể xảy ra: Thứ nhất, đưa tối hậu thư bắt hàng, nếu thuận lợi thì tiếu đoàn đổ bộ lên nắm các trận địa phòng thủ. Thứ hai, nếu địch không hàng thì hải quân, lục quân đổ bộ chiếm đảo, hết sức tránh không đế tù chính trị phải hy sinh.

Chiều 3.5.1975, Tiểu đoàn 6 cho bộ đội lên tàu. Lúc này, đất liền đã liên lạc được với đảo phiên đầu tiên. Rất nhiều cờ Tổ quốc, cờ giải phóng và ảnh Bác Hồ được đưa lên tàu.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 5.

Những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã từng bị giam giữ ở "Địa ngục trần gian" Côn Đảo. Ảnh tư liệu.

Sau hơn 14 giờ lênh đênh trên biển, rạng sáng 4.5.1975 đoàn tàu đã đến Côn Đảo. Một tổ trinh sát được phái vào bờ để nắm tình hình. Sau khi bắt được liên lạc, đại biểu đảo ủy đi xuồng ra gặp gỡ chỉ huy tàu thông báo tình hình. Người trên bờ và người trên đảo gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Nhiều người không ngăn nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Sáng 4.5.1975, Tiểu đoàn bộ binh 6 đổ bộ lên đảo trong sự đón chào nồng nhiệt của các tù nhân. Một đám rước chân dung Hồ Chủ tịch khổng lồ được hình thành từ cầu tầu 914 về trung tâm đảo. Ngay sau đó, tiểu đoàn triển khai lực lượng bảo vệ đảo theo phương án đã được phê duyệt.

Giải phóng Địa ngục trần gian Côn Đảo không tốn một viên đạn: Chiến công ngoạn mục! - Ảnh 6.

Bức ảnh lịch sử "Mẹ con ngày gặp mặt" của nhà báo Lâm Hồng Long đã ghi lại một khoảnh khắc của ngày đặc biệt.

Do số lượng tù chính trị thì đông mà phương tiện thì hạn chế nên Đảo ủy lâm thời và Ủy ban Hòa hợp- Hòa giải của đảo phải tổ chức bình xét. Nguyên tắc bình xét là: "Ai có án tử hình mà giặc chưa hành quyết, về trước.

Ai bị giam ở Côn Đảo lâu nhất, về trước. Ai bị địch nhốt ở Chuồng Cọp lâu nhất, về trước. Phụ nữ, già, yếu, bệnh, về trước". Đó là 4 đối tượng được ưu tiên.

Ngày 5.5.1975, chuyến tàu đầu tiên chở tù chính trị rời đảo về đất liền. Có khoảng 600 tù chính trị về chuyến này. Đó là những tù trong diện biệt giam, tử tù, ốm đau, bệnh nặng trong 4 đối tượng kể trên.

Trên đất liền, Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về. Bức ảnh lịch sử "Mẹ con ngày gặp mặt" của nhà báo Lâm Hồng Long đã ghi lại một khoảnh khắc của ngày hôm đó.

Cuộc giải phóng "địa ngục trần gian" đã hoàn thành thật là ngoạn mục!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại