Giải pháp "phản dame" tuyệt hay cho các thánh tè bậy tại Châu Âu: Xả bao nhiêu thì nhận đủ ngần ấy

T.O.P. |

Giờ đây rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng nó. Vì một tương lai không còn nạn tiểu bậy.

Câu chuyện bắt nguồn từ St. Pauli, khu phố đèn đỏ nổi tiếng của thành phố Hamburg.

Cũng giống như mọi khu đèn đỏ khác trên thế giới, St. Pauli phải gánh một vấn nạn hết sức khó chịu đến từ các thánh say xỉn sau mỗi chầu quậy tới bến. Mà vấn nạn này cũng chẳng xa lạ gì đâu, chính là tiểu bậy đấy.

Ai khi say mà chẳng buồn đi tiểu, vì cồn có thể gây lợi tiểu. Nhưng dù có hết sức thông cảm thì vẫn chẳng ai chấp nhận được chuyện họ cứ buồn là xả đại vào tường. Thậm chí có những góc đường còn được mặc định là chỗ xả cho các thánh, khiến nguyên một khu vực bốc mùi khai nồng nặc kèm theo những vết ố cực kỳ đặc trưng gây mất mỹ quan trầm trọng.

Nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Luật pháp không thể phạt quá nặng, mà dù có cấm thì người ta cũng sẽ làm khi hơi men đã xông lên tận não.

Với St. Pauli, chính quyền cũng đã thử mọi cách, thiếu điều đặt cả biển cấm đại loại như "Vịnh Cam Dai" (Cam Dai Bay) như thỉnh thoảng bạn vẫn nhìn thấy trên một vài góc đường tại Việt Nam vậy. Nhưng rất tiếc, mọi thứ đều chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đấy.

Vấn đề chỉ thay đổi vào một ngày của năm 2015, khi người Đức nghĩ ra một giải pháp cực kỳ tuyệt vời. Họ quyết định phủ lên những bức tường tại St. Pauli một lớp sơn đặc biệt, có tác dụng phản lại bất kỷ chất lỏng nào dội lên nó - kể cả dầu hỏa. Và đại khái thì câu chuyện đã diễn ra theo chiều hướng như bức ảnh dưới đây.

"phản dame"

Chính quyền địa phương cũng hết sức tử tế khi đặt một vài tấm biển cảnh báo với nội dung “Wir pinkeln zurück” (tạm dịch: chúng tôi "tè" lại đấy").

Nhưng ở một vài góc đường, họ "quên" không cài biển, và thế là vô số trường hợp đã nhận "phản dame" một cách đích đáng, đảm bảo không bao giờ muốn tái phạm nữa.

Câu chuyện "bức tường phản dame" của người Đức nhanh chóng được lan tỏa và trở thành niềm cảm hứng cho nhiều nơi trên thế giới.

Chỉ vài tháng sau, những bức tường như vậy cũng xuất hiện tại San Francisco - cũng là một thành phố phải chịu đựng vấn nạn "tiểu bậy" tràn lan.

Cơ chế đằng sau lớp sơn "phản dame" kỳ diệu

Thực chất, lớp phủ này là sản phẩm của Ultra - Ever Dry (UED) - một công ty tại Hoa Kỳ, và nó được tạo ra với mục đích hết sức trong sáng là chống bám bẩn cho quần áo.

Loại chất này được tạo ra dưới dạng xịt, sử dụng công nghệ nano để chống thấm tất cả các loại chất lỏng. Khi phủ lên bất kỳ loại vật liệu gì - dù là giấy hay vải vóc, công nghệ điện tử - nó sẽ được chống thấm tuyệt đối, bá đạo đến mức được các khoa học gia đặt cho một cái tên khá... mỹ miều: "Lớp phủ siêu chống nước" - superhydrophobic coating.

Bí mật của loại sơn này là một lớp cấu trúc gồm các nốt nổi hết sức phức tạp, mỏng gấp 1000 lần so với tóc người. Khi chạm phải lớp này, nước và các loại chất lỏng không thể đi xuyên qua, mà gom lại thành những quả bóng nhỏ, chảy đi khu vực khác. Ý tưởng xuất phát từ các loại lá cây có khả năng chống thấm nước trong tự nhiên, và UED đã tận dụng điều đó.

Lại nói về những bức tường của Hamburg, nó được các chuyên gia đánh giá cực kỳ cao. Như đã nêu, tiểu lên tường sẽ để lại các vết ố cực kỳ đặc trưng, mà cái giá để xóa chúng thì cũng không rẻ.

Như London đã từng phải tốn 100.000 bảng mỗi năm để xử lý các vết ố tường trên đường phố. Trong khi đó, chỉ với $700 là đủ để phủ một lớp UED lên một khoảng tường rộng 6 mét vuông - nghĩa là rẻ hơn rất nhiều.

Tham khảo: Forbes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại