Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ công du Triều Tiên trong hai ngày 2-3/5, theo lời mời của người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Triều đang trù bị cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Kim Jong Un, và động thái của ông Vương cho thấy Bắc Kinh muốn "có chân" trong các vòng đàm phán tiếp theo liên quan tới Mỹ cùng hai miền bán đảo.
Trung Quốc là đối tác kinh tế chủ chốt và lớn nhất của Bình Nhưỡng kể từ chiến tranh Triều Tiên, nhưng quy mô thương mại song phương đã giảm tới 90% do Bắc Kinh siết chặt và tuân thủ những lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an LHQ nhằm vào việc Triều Tiên thử hạt nhân, tên lửa trong hai năm vừa qua.
Hồi tháng 3, ông Kim Jong Un tạo ra bước ngoặt khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau khi lên nắm quyền năm 2011 và tiếp xúc chủ tịch Tập Cận Bình - màn "khởi động" cho cuộc gặp lịch sử của ông với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 27/4 vừa qua.
Về lập trường chính thức, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của LHQ chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời Bắc Kinh đau đầu tìm cách tránh bị "gạt ra bên lề" trong các tiến triển ngoại giao liên quan đến bán đảo.
Trên thực tế quan hệ ngoại giao Trung-Triều không quá cởi mở trong vài năm qua, và hai nước chủ yếu liên hệ thông qua kênh đối thoại giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với đảng Lao động Triều Tiên. Lần gần nhất ngoại trưởng Trung Quốc thăm Triều Tiên là vào năm 2007, với người đứng đầu ngành ngoại giao của chính phủ Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì - hiện là ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc.
Zhao Tong, nhà nghiên cứu về chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua Centre ở Beijing, đánh giá chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Vương Nghị là bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn áp đặt ý chí mạnh mẽ của mình lên các cuộc đàm phán tương lai về tình hình bán đảo.
Trước đó trong tháng 4, ông Tống Đào - trưởng Ban liên lạc đối ngoại trung ương ĐCSTQ - đã công du Bình Nhưỡng, dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung-Triều được cải thiện rõ rệt sau khi ông Kim tới Bắc Kinh.
Trung Quốc quyết tham gia hòa đàm bán đảo
Theo chuyên gia Zhao Tong, chuyến đi của ông Vương "là tiếp xúc ở cấp độ cao hơn so với ông Tống và mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều".
"Trung Quốc muốn biết Hàn Quốc và Triều Tiên có ý ra sao khi cam kết hôm thứ Sáu (27/4) rằng 'sẽ hợp tác với nhau để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên thông qua đàm bán 3 bên hoặc 4 bên," ông Zhao nói.
"Trung Quốc có thể lo ngại về khả năng chỉ có thể có được 'một chân' ở bàn đàm phán sau khi các cuộc đối thoại giữa hai miền bán đảo với Mỹ đã diễn ra."
"Ông Vương có lẽ sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng có hành động liên quan đến đàm phán 4 bên, và bảo đảm Bắc Kinh có phần trong cuộc hòa đàm sắp tới."
Ông Zhao nhận định, ngoại trưởng Trung Quốc cũng có thể tỏ rõ nguyện vọng của Bắc Kinh về việc tham gia vào các cuộc thanh sát hạt nhân trong tương lai ở Triều Tiên.
Ông nói, "Trung Quốc là một quốc gia hạt nhân hợp pháp và có lý khi Bắc kinh thanh sát lộ trình giải trừ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng".
"Điều này sẽ bảo đảm vị thế 'người chơi hợp lệ' của Trung Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa."
Paik Hak Soon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên, thuộc Viện Sejong ở Seoul, Hàn Quốc, đồng tình rằng ngoại trưởng Vương Nghị thăm Bình Nhưỡng để củng cố kịch bản Trung Quốc tham gia những vòng đàm phán sắp tới.
"Trong hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều năm 2007, trên thực tế chính là Bình Nhưỡng - chứ không phải Seoul - muốn có đối thoại 3 bên (Mỹ-Hàn-Triều) thay vì 4 bên," ông Paik nói. "Không vô lý khi nói Bắc Kinh lo ngại sẽ bị 'ra rìa'."
Tuy nhiên, ông cho rằng cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh. "Cụm từ 'gạt bỏ Trung Quốc' có thể đúng nếu chỉ nhìn vào tình hình hiện nay, nhưng lại sai nếu đánh giá bức tranh chính trị lớn ở khu vực".
"Về địa chính trị, Trung Quốc đã đặt chính mình vào vị thế đóng vai trò quan trọng trong tương lai [dàn xếp hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo]."
Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Triều Tiên để tìm cách đưa Trung Quốc vào hòa đàm bán đảo (Ảnh: EPA-EFE)
Tuyên bố "ngưng thử hạt nhân" của Triều Tiên chưa như ý Trung Quốc
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), Mỹ, nói rằng Bắc Kinh không thể chấp nhận bị gạt bỏ khỏi hòa đàm bán đảo.
"Người Trung Quốc muốn bảo đảm họ có mặt ở bàn đàm phán và có biện pháp tác động được lên hướng đi của các sự kiện trên bán đảo," bà Glaser cho hay. "Trung Quốc rất muốn nghe kế hoạch của ông Kim về cuộc gặp sắp tới với ông Donald Trump".
Đề xuất của Trung Quốc về giải quyết khủng hoảng bán đảo là "đóng băng kép": Triều Tiên đình chỉ các vụ thử hạt nhân/tên lửa, đổi lại Mỹ-Nhật Bản- Hàn Quốc ngưng tập trận quân sự trong khu vực.
Sau thượng đỉnh Hàn-Triều, ông Kim Jong Un đã tự đề nghị ngưng các vụ thử, nhưng chưa hề đề cập công khai bất kỳ yêu cầu nào đối với các hoạt động quân sự của Mỹ/đồng minh.
"Ông Kim chưa nói gì về yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc - điều rõ ràng là kỳ vọng của Trung Quốc," học giả người Mỹ đánh giá. "Bắc Kinh nhiều khả năng bất mãn khi ông Kim phớt lờ đề xuất 'đóng băng kép' của họ."
Dù lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi lời mời ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên, nhưng thời gian chuyến đi chưa được xác định. Các học giả tin rằng chuyến công du của ông Vương sẽ tạo tiền đề cho chuyến thăm của ông Tập.
Ông Kim đọc tuyên bố chung sau phiên họp chiều ngày 27/4