Ý tưởng đột phá, đổi mới tuần hoàn nhựa
Ngày 22/10, Lễ trao giải "Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa 2024" - một sự kiện quan trọng ghi nhận những đổi mới sáng tạo trong quản lý rác thải nhựa đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút hơn 300 đại diện từ các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp và học sinh - sinh viên.
Sự kiện do Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh tại Việt Nam, và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp mới, đột phá trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Cuộc thi năm nay thu hút 1.000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia, với gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá. Hội đồng giám khảo đã lần lượt lựa chọn ra Top 80, Top 50, Top 20 và Top 5 cuộc thi dựa trên hai nội dung:
Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới và sáng tạo đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường.
Bảng Giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
“Cuộc thi không chỉ là nơi để các ý tưởng độc đáo sáng tạo được tỏa sáng, mà còn là một nơi để chúng ta cùng nhau khám phá tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn. Mỗi bạn dự thi ở đây hôm nay không chỉ là thí sinh, các bạn là những nhà tiên phong, những người mở đường cho một tương lai xanh hơn.
Là đơn vị trực tiếp tài trợ và tham gia tổ chức chương trình Tìm kiếm Giải pháp Đổi mới tuần hoàn nhựa 2024, chúng tôi rất tự hào khi đã góp phần tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến, giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để tìm ra các giải pháp kỹ thuật, mà còn là cầu nối để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể cùng nhau trao đổi, hợp tác xây dựng những mô hình bền vững cho tương lai", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng giám đốc Quốc gia Unilever Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải.
Ông Fergus McBean - Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đánh giá cao về vai trò của chương trình “Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa”: “Rác thải nhựa là một trong những thách thức mang tính cấp bách nhất đối với môi trường trong thời đại của chúng ta. Sự đổi mới cần thiết để giải quyết vấn đề này không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn từ sự phối hợp hành động giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân.
Vương quốc Anh, với tư cách là thành viên của Liên minh Khát vọng Chấm dứt Ô nhiễm Nhựa, đã xác định rõ các ưu tiên trong việc chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa. Đây là lý do tại sao các cuộc thi như Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa lại đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra một nền tảng thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa”.
Hình ảnh một số dự án tham gia cuộc thi:
Từ tầm nhìn kinh tế tuần hoàn đến khơi nguồn sáng tạo
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa bị đổ ra môi trường, trong số đó có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển – theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Mặc dù vậy, chỉ có 27% trong số này được tái chế và sử dụng lại bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Các phương pháp xử lý rác thải nhựa vẫn còn nhiều hạn chế khi 90% rác thải nhựa được chôn lấp hoặc đốt, chỉ 10% được tái chế.
Trong bối cảnh này, kinh tế tuần hoàn nhựa đang được thúc đẩy như một giải pháp hướng tới mô hình vòng tròn khép kín: thay vì "sản xuất - sử dụng - thải bỏ", rác thải nhựa sau khi sử dụng sẽ được thu gom, phân loại và tái chế thành sản phẩm mới, giúp giảm thiểu rác thải và tận dụng tối đa tài nguyên.
“Phát triển kinh tế mạnh mẽ luôn đi kèm với khai thác sử dụng tài nguyên. Lâu nay chúng ta vẫn đi theo mô hình kinh tế tuyến tính, sử dụng và thải bỏ. Mô hình đó liệu có còn phù hợp không? Tất nhiên là không thể. Chúng ta phải thay đổi và chúng ta đang thay đổi. Chuyển đổi từ sử dụng và thải bỏ sang “tái tạo và tái sinh” là một bước chuyển mình tất yếu nhưng đòi hỏi tất cả các thành phần trong nền kinh tế phải tham gia”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng giám đốc Quốc gia Unilever Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi “Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa 2024”.
Theo vị Tổng giám đốc, nhựa - từ một phát minh mang tính cách mạng của nhân loại giờ đây đã trở thành vấn đề cấp bách về môi trường. Điều này đã thôi thúc sự gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị nhựa lại với nhau để cùng giải quyết.
Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC) đã được thành lập cách đây 4 năm giữa Bộ TNMT và Unilever, Dow, SCGC và các công ty, các tổ chức trong nước và quốc tế với tầm nhìn xây dựng Kinh tế tuần hoàn nhựa – đây là con đường hiệu quả nhất để quản lí rác thải nhựa.
Sau 4 năm triển khai, PPC có tới 30 đối tác đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là sự kết hợp đa dạng từ các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp tái chế như Duy Tân, Vietcycle, các hội, đoàn thể xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cùng các đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail và nhiều tổ chức khác.
PPC đã và đang thực hiện mục tiêu đề ra thông qua việc thu gom và tái chế thành công hàng chục nghìn tấn rác thải nhựa. Một lượng lớn nhựa tái sinh đã được chuyển hóa thành bao bì và chai nhựa mới cho các sản phẩm của Unilever, còn những loại nhựa không tái chế được đã được xử lý thành dầu đốt, từ đó tận dụng hiệu quả nguồn lực và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Giải pháp của doanh nghiệp tiên phong
Với quan điểm mang tính mở đường, coi nhựa như một nguồn tài nguyên, Unilever đã thành công trong mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, hướng tới xây dựng một tương lai phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Quốc gia Unilever Việt Nam, tại doanh nghiệp, việc tối ưu hóa giảm nhựa nguyên sinh, tăng khả năng tái chế mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng được tính đến từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm.
“Đến nay, chúng tôi đã cắt giảm được hơn 50% nhựa nguyên sinh, 64% bao bì của Unilever có thể tái chế được. Chúng tôi cũng đã đạt trung hòa về nhựa, có nghĩa là Unilever Việt Nam đã thu gom và tái chế nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã triển khai rất nhiều dự án hợp tác hỗ trợ cho các nhà tái chế như Duy Tân, Vietcycle, hỗ trợ sinh kế, đào tạo, chăm sóc vệ sinh, bảo hiểm y tế cho lực lượng lao động ve chai. Unilever cũng là thành viên tích cực của NPAP (Chương trình hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa), sát cánh cùng Bộ TNMT để tham gia đóng góp vào mục tiêu quốc gia.
Trong quý 4 năm nay Unilever phối hợp với USAID và EY đưa dự án Circle Alliance về Việt Nam hỗ trợ chyên môn và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nhựa tái sinh tại Việt Nam phát triển mạnh hơn.
Theo Tổng giám đốc Unilever, đối với vấn đề rác thải nhựa còn cần sự chung tay của người tiêu dùng, sự tham gia của nhà phân phối, nhà bán lẻ giúp nâng cao nhận thức, khuyến khích thay đổi hành vi người dân. Đồng thời, sự đầu tư bài bản của nhà nước và của các quỹ vào hệ thống cơ sở hạ tầng để thu gom, tái chế rác thải nhựa, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả tái chế và chất lượng của vật liệu tái chế.
“Chúng ta cần các chính sách khuyến khích nhà sản xuất sử dụng vật liệu tái chế vào bao bì sản phẩm hoặc sản phẩm. Chúng ta cần trách nhiệm mở rộng không chỉ của nhà sản xuất mà là của toàn bộ các thành phần trong chuỗi giá trị nhựa để tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn nhựa nhịp nhàng, cạnh tranh, công bằng và bền vững”, bà Vân khẳng định.