Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng

NGUYỄN HÀ - NGUYỄN MAI - TRANG PHAN, THEO |

Giải thưởng Nobel ghi nhận những đóng góp giúp thay đổi thế giới. Và đặc biệt trong dịch COVID-19, những thành tựu đoạt giải Nobel trong quá khứ càng cho thấy sự hữu ích.

Những khác biệt thú vị về giải Nobel 2020

Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, giải thưởng Nobel năm nay đã có nhiều điều khác biệt so với những năm trước. 

Tuy đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách xét giải nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 1.

Giải thưởng Nobel tôn vinh những thành tựu phục vụ con người

Lần đầu tiên kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm, Thụy Điển không thể diễn ra như đã định. 

Thay việc đến Stockholm trực tiếp nhận huy chương và chứng chỉ từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trao giải trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm, thì năm nay, do đại dịch COVID-19, sự kiện được tổ chức qua truyền hình. 

Quỹ Nobel cho biết công tác trao giải được thực hiện với sự giúp đỡ của các đại sứ quán hoặc tại các trường đại học nơi những người đoạt giải đang làm việc. 

Giải Nobel Hòa bình -vốn theo thông lệ được trao ở thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 12 - cũng bị thu hẹp tương tự, do COVID-19.

Theo ông Lars Heikensten - Chủ tịch quỹ Nobel, các chủ nhân mỗi giải Nobel năm nay sẽ được trao phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 10 triệu kronor, tức hơn 1,1 triệu đô la Mỹ. 

Quyết định này được đưa ra dựa trên thực tế nguồn ngân quỹ và các chi phí của Quỹ Nobel hiện đã ở mức ổn định so với những năm trước.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 2.

2 nhà nữ khoa học Pháp và Mỹ đạt giải Nobel Hóa học 2020

Giải thưởng Nobel hóa học năm nay được trao cho hai nhà khoa học nữ từ Pháp và Mỹ. Đây là nhóm nhận giải Nobel gồm toàn nữ đầu tiên trong lịch sử. 

Hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier 52 tuổi và Jennifer Doudna 56 tuổi là người phụ nữ thứ 6 và 7 được vinh danh trong lĩnh vực hóa học kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao năm 1901. 

Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhận xét giải thưởng được xướng tên hai nhà khoa học nữ là một khoảnh khắc lịch sử và trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những phụ nữ trẻ theo đuổi sự nghiệp khoa học.

Các công trình từng đoạt giải Nobel góp phần vào cuộc chiến chống COVID-19

Giải thưởng Nobel năm nay được công bố trong bối cảnh cả thế giới đang chống lại đại dịch COVID-19. Và đây cũng là lúc nhân loại càng đánh giá cao các khám phá khoa học đoạt giải Nobel.

Nguyên nhân là vì vào thời điểm hiện tại, nhiều phương pháp điều trị Covid-19 phổ biến chính là những thành tựu từng đoạt giải Nobel trong quá khứ và vẫn đang phát huy tác dụng to lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Việc dùng huyết tương người khỏi bệnh, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 được xem là một phương pháp tiềm năng. Nhiều nước đã thực hiện việc lấy huyết tương người khỏi để truyền cho bệnh nhân bị COVID-19. 

Người bệnh sẽ được cung cấp kháng thể để tiêu diệt virus SARS-COV-2. Phương pháp này chính là sự kế thừa của công trình đoạt giải Nobel y học năm 1901 của nhà sinh lý học Emil Von Behring và năm 1908 của bác sĩ Paul Ehrlich về huyết thanh. 

Họ đã phát hiện và đưa ra giải thích về cách thức hoạt động của phương pháp dùng huyết thanh chữa bệnh, cứu sống nhiều người mắc bệnh bạch hầu và uốn ván lúc bấy giờ.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 3.

Bác sĩ Paul Ehrlich - người đạt giải Nobel y học năm 1901

Trong đại dịch COVID-19, nhiều nhà nghiên cứu đang phát triển các kháng thể đơn dòng để tổng hợp thuốc chữa bệnh. 

Kháng thể đơn dòng là các kháng thể nhân tạo đặc hiệu để tấn công một loại virus cụ thể nào đó. Kháng thể đơn dòng đã được dùng để bào chế nhiều loại thuốc chữa COVID-19. 

Ý tưởng tạo ra kháng thể đơn dòng là công trình nghiên cứu đã đoạt giải Nobel y học vào năm 1984 của 2 nhà khoa học Köhler và Milstein, bằng cách kết hợp tế bào B - tế bào giúp tạo kháng thể - với tế bào bị bệnh. 

Hiện nay, có một số cách tạo ra kháng thể đơn dòng, nhưng phương pháp của Köhler và Milstein vẫn được sử dụng rộng rãi.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 4.

Các nhà khoa học Köhler, Jerne và Milstein đoạt giải Nobel Y học 1984

Tuy vậy, kháng thể chỉ có thể tiêu diệt các virus trong máu. Một khi virus xâm nhập vào tế bào người, nó sẽ trở nên vô hình đối với các kháng thể, nhưng với tế bào T thì không. Tế bào T sát thủ tấn công các tế bào bị nhiễm virus này. 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tế bào T sát thủ dựa vào một nhóm phân tử gọi là protein MHC lớp 1 bám bề mặt của tế bào. 

Hai nhà khoa học Doherty và Zinkernagel đã giành được giải Nobel cho nghiên cứu của họ về protein MHC và tế bào T, còn được gọi là tế bào lympho T, vào năm 1996. Giờ đây, kiến thức đó là một phần của cuộc chiến chống lại Covid-19.

Những thành tựu đoạt giải Nobel giúp thay đổi thế giới

Những thành tựu Nobel đã tạo ra những bước tiến vượt bậc cho con người. Và chắc chắn, trong tương lai chúng ta vẫn sẽ tiếp tục ứng dụng những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho nhiều lĩnh vực. 

Nhìn lại lịch sử của giải Nobel, chúng ta có thể thấy những giải thưởng nổi bật, đã góp phần thay đổi thế giới một cách đáng kể.

Ví dụ như có thể kể đến: Năm 1903, vợ chồng nhà khoa học Pierre và Marie Curie được giải Nobel Vật lý vì nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ do Becquerel phát hiện. 

8 năm sau, bà Marie Curie đoạt giải Nobel Hóa học với thành tựu khám phá ra 2 nguyên tố radium và polonium. 

Điều này đã giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên thế giới 2 lần nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 5.

Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã giành giải Nobel Vật lý năm 1921 nhờ khám phá ra hiệu ứng quang điện. 

Chính phát hiện của Einstein mở đường cho hàng loạt lĩnh vực như phát thanh, truyền hình,... đặt nền móng cho vật lý hiện đại.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 6.

Hay như với chất penicillin được dùng trong thuốc kháng sinh, đã đem lại giải thưởng Nobel Y học năm 1945 cho Nhà khoa học Scotland Alexander Fleming. 

Nhờ khám phá của ông, mà ngành y tế thế giới tiến bộ vượt bậc, bởi thuốc kháng sinh có thể chữa được nhiều loại bệnh nguy hiểm, nhờ thế cứu được mạng sống của nhiều người.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 7.

Những chia sẻ truyền cảm hứng của chủ nhân giải thưởng Nobel

Bà Jennifer Doudna, chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2020 chia sẻ về điều phi thường mà bà đã đạt được:

"Nó rất có ý nghĩa đối với tôi. Nhớ lại thời thơ ấu, tôi thường nghe nói rằng con gái không nên theo đuổi khoa học. 

Thật may tôi đã bỏ qua mấy lời khuyên đó. Những tác động rất thực tế của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải gánh chịu đã trở thành động lực để tôi nghiên cứu về biến đổi gene. 

Giờ thì chúng ta đã biết rằng con người có khả năng viết lại mã sự sống để thích nghi với môi trường đang thay đổi", bà nói.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 8.

Bà Andrea Ghez - Chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2020

Bà Andrea Ghez, chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2020 phát biểu về sự bất ngờ khi biết mình đoạt giải:

"Ôi, trời ơi, tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi đang ngủ say. Bạn biết đây, khi chuông điện thoại reo lúc 2 giờ sáng, tôi đã nghĩ chắc có chuyện gì không hay rồi. Vì tôi rất hiếm khi nhận được cuộc gọi vào giờ đó. 

Nhưng không, đó là một tin vui. Tôi đã mừng quá mà chẳng thốt lên được lời nào. Chúng ta luôn đặt câu hỏi liệu có một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà của chúng ta không? Và chúng tôi đã tìm thấy câu trả lời là có".

Tiến sĩ Harvey Alter cũng cho biết ông rất bất ngờ, và cảm thấy vinh dự vì mình đạt được giải thưởng danh giá này.

Giải Nobel và những câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 9.

Tiến sĩ Harvey Alter - Chủ nhân giải thưởng Nobel Y học 2020

Tôi nhận được điện thoại lúc 4h15 sáng. Đầu dây bên kia chẳng nói gì. Tôi dập máy. Họ gọi lại. Tiếp tục là sự im lặng. 

Đến lần thứ ba, tôi nói với họ hãy ngừng gọi đi. Một giọng đàn ông trả lời "Tôi gọi từ Stockholm", và sau đó tôi sững sờ. 

Tôi cũng không nhớ là đã nói gì trong cuộc điện thoại ấy nữa. (chớp) Viêm gan C là một căn bệnh rất trầm lặng. 

Và bệnh không được biết đến cho đến 30, 40 năm sau khi bạn mắc bệnh. Chúng tôi chỉ biết rằng đã có người qua đời vì xơ gan và ung thư gan. 

Vì thời gian tiến triển của bệnh kéo dài như vậy, nên thường nó không được để ý nhiều", Tiến sĩ Harvey Alter, chủ nhân giải thưởng Nobel Y học 2020 cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại