Giải ngố: Khoản mục “lạ” trị giá 200 triệu USD ghi “quan hệ khách hàng” của Masan là gì?

An Vũ |

Masan vốn nổi tiếng là ông trùm của những thương vụ MA đình đám, gây xôn xao dư luận. Nhưng không phải ai cũng biết, trong tài sản cố định của doanh nghiệp có một tài sản khá thú vị mang tên “quan hệ khách hàng".

Masan - ông trùm của những thương vụ M&A đình đám

Mới đây, tin tức Tập đoàn Masan chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần và trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long đã gây xôn xao dư luận. Sau giao dịch này, Masan sở hữu 51% cổ phần Phúc Long và nắm quyền chi phối, hợp nhất kết quả kinh doanh. Đây không phải lần đầu tiên "ông trùm" này vác tiền đi mua doanh nghiệp.

Tháng 10/2011, Masan Group đã thâm nhập vào thị trường đồ uống và nước giải khát khi thông qua thông qua công ty con là Masan Consumer mua lại 50,3% cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam.

Đầu năm 2013, Masan Consumer mua lại 63,5% của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo với mức giá 85.000 đồng/cổ. Thời điểm đó, Masan Consumer định giá Vĩnh Hảo ở mức gần 700 tỉ đồng, gấp hơn 50 lần lợi nhuận sau thuế năm 2012.

Năm 2014, Masan thể hiện tham vọng muốn gia tăng ảnh hưởng trong mảng gia vị bằng việc chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Food với giá 90.000 đồng/cp - tương ứng định giá công ty ở mức 730 tỷ - gấp hơn 21 lần lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Cholimex Food (34 tỷ đồng). Mặc dù trả giá cao, song Masan bị từ chối bởi những cổ đông lớn hiện hữu là Cholimex và Nichirei Food. Sau đó Masan Food chỉ mua được 2,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,84% cổ phần của Cholimex Food và giữ nguyên cho đến nay.

Tháng 11/2015, Masan Consumer tiếp tục mở rộng ngành nước khoáng khi mua lại 65% cổ phần Công ty Nước khoáng và Thương mại Dịch vụ Quảng Ninh - nổi tiếng với thương hiệu nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và Faith.

Cũng trong năm 2015, Masan tiến hành mua 52% và 70% cổ phần lần lượt của Công ty Cổ phần Việt - Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO). Đồng thời Masan cũng thành lập Công ty TNHH Masan Nutri-Science (MNS), mái nhà chung của hai công ty trên.

Cuối năm 2019, Tập đoàn Masan gây dậy sóng dư luận khi thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Năm 2020, thông qua công ty con, Masan tiếp tục thâu tóm công ty bột giặt NET và công ty 3F Việt.

Giải ngố: Khoản mục “lạ” trị giá 200 triệu USD ghi “quan hệ khách hàng” của Masan là gì?  - Ảnh 1.
Giải ngố: Khoản mục “lạ” trị giá 200 triệu USD ghi “quan hệ khách hàng” của Masan là gì?  - Ảnh 2.
Giải ngố: Khoản mục “lạ” trị giá 200 triệu USD ghi “quan hệ khách hàng” của Masan là gì?  - Ảnh 3.

"Quan hệ khách hàng" được vốn hoá và hạch toán trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Kết quả của các thương vụ thâu tóm, ngoài việc tăng nhanh doanh thu, mở rộng thị phần, tối ưu hoá lợi nhuận,… còn tác động nhiều đến bảng cân đối kế toán của tập đoàn.

"Lợi thế thương mại" thường hay được nghe nhắc đến sau mỗi thương vụ M&A (mua lại và sáp nhập) nhưng trên báo cáo tài chính của Masan, còn xuất hiện một tài sản cố định vô hình khá thú vị và hiếm gặp là "Quan hệ khách hàng".

Diễn giải trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Masan về tài sản này như sau: "Mối quan hệ khách hàng mà Tập đoàn có được thông qua việc mua lại công ty con, được vốn hoá và trình bày như một tài sản cố định vô hình". Tài sản được định giá bằng giá trị hợp lý của mối quan hệ khách hàng có được từ việc hợp nhất kinh doanh được xác định bằng phương pháp tính lãi vượt trội trong nhiều giai đoạn, trừ đi phần lợi nhuận hợp lý tính cho các tài sản khác đã góp phần tạo ra các luồng lưu chuyển đó.

Tài sản này được khấu hao theo phương pháp đường thẳng từ 5 đến 35 năm.

Chuẩn mực kế toán số 4 – Tài sản cố định vô hình ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ -BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ tài chính, có nhắc đến " Các doanh nghiệp thường đầu tư để có các nguồn lực vô hình, như: Quyền sử dụng đất có thời hạn, phần mềm máy vi tính, bằng sáng chế, bản quyền, giấy phép khai thác thuỷ sản, hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhượng quyền, quan hệ kinh doanh với khách hàng hoặc nhà cung cấp, sự trung thành của khách hàng, thị phần và quyền tiếp thị..."

Giải ngố: Khoản mục “lạ” trị giá 200 triệu USD ghi “quan hệ khách hàng” của Masan là gì?  - Ảnh 4.

Nguồn: tổng hợp từ BCTC kiểm toán từ năm 2014 của tập đoàn Masan

Có thể thấy, "quan hệ khách hàng" được gia tăng chủ yếu sau những thương vụ thâu tóm lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, có sẵn tập khách hàng lớn. Tài sản này bắt đầu xuất hiện trên BCTC của Masan từ năm 2014 sau thương vụ mua lại một phần Cholimex Food – một tên tuổi sản xuất gia vị rất mạnh trên thị trường. Năm 2019, đỉnh điểm với thương vụ mua lại VinMart, VinMart+, VinEco, giá trị "quan hệ khách hàng" tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, tương ứng 96% so với năm 2018. Năm 2020, tài sản này tăng nhẹ cùng với thương vụ bột giặt Net với mức tăng hơn 6% so với năm 2019.

Thương vụ thâu tóm Phúc Long trong năm 2021 hứa hẹn sẽ tiếp tục "làm dày" giá trị "Quan hệ khách hàng" trên báo cáo tài chính của Masan. Chúng ta hãy cùng chờ sự thay đổi của tài sản đặc biệt này trên báo cáo tài chính 2021 được kiểm toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại