Vào 15h ngày 27/1/2018 (giờ Việt Nam), trận chung kết Giải U23 châu Á 2018 sẽ diễn ra với cuộc tranh tài giữa hai đội tuyển quốc gia U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, trên sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.
Trước khi trận đấu tranh cúp vô địch châu lục diễn ra, không chỉ các chuyên gia bóng đá, cầu thủ, huấn luyện viên mà hàng triệu người hâm mộ Việt rất quan tâm đến tình hình thời tiết tại Thường Châu, lo lắng về sự bất lợi của chúng ta.
Bởi, trong những ngày qua, nhiệt độ tại thành phố này liên tục giảm mạnh, xuống đến âm độ C và có tuyết rơi. Dự báo, vào thời gian diễn ra trận chung kết, nhiệt độ tại đây dao động từ 0 đến 1 độ C.
Trời giá rét có ảnh hướng rất lớn đến không chỉ thể lực của các cầu thủ mà còn tác động ít nhiều đến trái bóng lăn trên sân, đó là nhận định của các chuyên gia thuộc lĩnh vực Khoa học thể thao Sports Science đăng trên NBCsports.
Vậy sự ảnh hưởng này như thế nào? (1); và nó có tác động gì đến hiệu suất di chuyển bóng và ghi bàn của các cầu thủ trên sân? (2)
Các "chiến binh" U23 Việt Nam của chúng ta. Ảnh: Internet.
Giải quyết vấn đề 1:
Đầu tiên, chuyên gia Sports Science cho biết, nhiệt độ không khí và áp suất bên trong quả bóng tỷ lệ thuận với nhau. Theo đó, nhiệt độ càng giảm thì áp suất bên trong quả bóng cũng giảm theo.
Để lý giải vấn đề, NBCSports đưa ra phương trình trạng thái khí lý tưởng (do nhà vật lý người Pháp Émile Clapeyron thiết lập vào năm 1834), với công thức:
pV = nRT
Trong đó: p là áp suất khối khí; V là thể tích khối khí; n là số mol của khối khí; R là hằng số khí; T là nhiệt độ khối khí.
Công thức này chứng minh rằng, nhiệt độ bên ngoài có ảnh hưởng theo tỷ lệ thuận với áp suất bên trong quả bóng.
Sports Science đưa ra minh chứng vào năm 2010 khi tiến hành thí nghiệm cho một quả bóng vào phòng có nhiệt độ 10 độ C trong vòng 1 giờ đồng hồ. Kết quả, áp suất của quả bóng giảm xuống từ 13,5 PSI xuống còn 11 PSI. (PSI là áp suất trên một Inch vuông).
Giải quyết vấn đề 2:
Vậy, việc quả bóng trên sân cỏ bị giảm áp suất (do trời lạnh) gây khó khăn gì cho cầu thủ không?
Tờ báo chuyên về khoa học, kỹ thuật RedOrbit (Mỹ) cho biết, khi quả bóng bị giảm áp suất sẽ khiến cho việc bóng văng khỏi chân cầu thủ chậm hơn.
Tuy nhiên, ESPN Sport Science (chuyên gia khoa học thể thao của kênh truyền hình khổng lồ Mỹ ESPN) nhanh chóng "trấn an" rằng, điều này ảnh hưởng rất ít đến hiệu suất của các cầu thủ trên sân.
Trong một trận bóng dưới thời tiết lạnh, bóng di chuyển từ chân cầu thủ này đến cầu thủ khác trung bình khoảng 3m. Hơn nữa, hiệu suất bóng di chuyển (từ cú chuyền bóng của các cầu thủ) chỉ giảm 2%, trong khi, hiệu suất ghi bàn của cầu thủ vào khung thành đối phương cũng chỉ giảm xuống 1,7%.
Lịch sử của UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) đã từng chứng kiến những trận đấu bóng diễn ra trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt: Có khi lạnh "cắt da cắt thịt" ở mức -5 độ C tại Moscow (Nga) - Hay nóng đến 30 độ C ở Madrid (Tây Ban Nha).
Với thực tế các trận bóng của UEFA cũng những giải thích của chuyên gia ESPN Sport Science, thì thời tiết lạnh có ảnh hưởng đến trái bóng, tuy nhiên, ảnh hưởng của nó không lớn, do đó, các trận bóng vẫn diễn ra theo lịch trình.
Tất nhiên, nếu điều kiện quá khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu thủ, sân bóng, quả bóng... thì việc tạm hoãn vẫn diễn ra, ngay cả khi trận đấu vừa trải qua hiệp đầu.
Những pha ghi bàn đẹp mắt của U23 Việt Nam. Video: VTV
Bài viết sử dụng nguồn: NBCsports, RedOrbit