MẠNG LƯỚI QUỐC TẾ
Trong những năm qua, vụ lừa đảo xoay quanh bà đồng Duval đã mở rộng ra toàn thế giới. Mỗi khi mạng lưới lừa đảo bị đánh sập ở một nước này, nó lại nhanh chóng xuất hiện ở nước khác.
Trong quá trình tìm Maria Duval, phóng viên CNN đã lần ra cả một mạng lưới rối rắm gồm các nhân vật mờ ám và công ty bình phong.
Nhiều trong số các công ty này dường như đã phát tán thư từ bà Duval suốt hàng chục năm qua. Mỗi khi phóng viên CNN tưởng là đã tìm ra chủ mưu thực sự thì lại thấy một người khác, một công ty khác xuất hiện.
Cái tên Joseph Patrick Davitt xuất hiện trong tên miền trang web của Maria Duval.
Dấu vết đầu tiên là vụ Bộ Tư pháp Mỹ tìm cách ngăn chặn bà Duval và một ông đồng tên là Patrick Guerin năm 2014.
Các bức thư của bà Duval được cho là xuất phát từ một công ty Canada nhỏ tên là công ty tiếp thị trực tiếp Infogest. Để trốn tránh chính quyền, Infogest đã gửi thư theo kiểu zigzag khắp Bắc Mỹ trước khi chuyển thư tới địa chỉ của nạn nhân.
Cụ thể, Infogest đã thuê một công ty ở Canada in thư của Duval để gửi cho hàng nghìn người già Mỹ. Thư sau đó được công ty này cho xe tải chuyển đi khắp biên giới Canada tới Albany, New York. Tại đây, thư được gửi đi theo lô 50.000 lá một lần.
Người nhận thư được hướng dẫn gửi tiền, thông tin cá nhân, ảnh, lọn tóc... cho bà Duval để giúp bà “mài giũa” năng lực tiên tri. Nạn nhân gửi thư tới một công ty tên là Trung tâm Nghiên cứu Vận mệnh ở Hong Kong (Trung Quốc) theo địa chỉ ở Mỹ hoặc Canada.
Tại các địa chỉ này, thư sẽ được gom lại và gửi tới một công ty ở Long Island, New York tên là Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu. Công ty này được cho là có trách nhiệm xử lý các khoản tiền nạn nhân gửi, hướng dẫn công ty khác gửi các bùa chú cho nạn nhân.
Các bùa chú thực ra là những thứ rẻ tiền từ Trung Quốc. Cứ hai tuần, Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu xử lý số tiền lên tới 500.000 USD. Họ vứt bỏ những thứ không phải là tiền như tóc hay ảnh.
Nạn nhân sau đó được đưa tên vào danh sách tổng hợp rồi họ lại được gửi thư mới đề nghị gửi thêm tiền. Cứ như thế, vòng gửi thư, nhận thư diễn ra liên tục.
Cuối năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đóng cửa mạng lưới làm ăn này khi cấm cả Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu và công ty Infogest gửi thư ở Mỹ. Hàng chục hộp thư nhận tiền bị tịch thu. Hiện cuộc điều tra hình sự đang diễn ra nhưng giới điều tra Mỹ chưa thể chỉ tên ai đứng sau hoạt động này.
Do đó, phóng viên CNN đã tự mình điều tra và họ cho rằng một người Australia tên là Joseph Patrick Davitt và công ty Listano của ông ta là chìa khóa để giải mã bí ẩn Maria Duval.
Tên công ty Listano xuất hiện trong đăng ký tên miền mariaduval.com và mariaduval.net. Listano cũng là chủ hiện tại của các thương hiệu quốc tế mang tên Duval.
Tuy nhiên, khi phóng viên CNN tìm hiểu thêm về Davitt, họ cho là có khả năng ông ta chỉ là người được thuê để che giấu chủ mưu thực sự.
Khi đánh hơi thấy bị điều tra, trang web của ông ta đã ngừng hoạt động, tài khoản LinkedIn bị xóa và khi gọi điện xưng là phóng viên tìm Maria Duval thì ông ta không nói gì.
Sau một tuần liên tục gọi điện lại và không ai nghe máy, phóng viên CNN bất ngờ khi thấy giọng nói tự động trong điện thoại nói đây là công ty SuperGreen Lawn Seed, chứ không phải Listano như trước.
Tìm hiểu thì công ty này hóa ra là một trong các công ty của Davitt. Gọi điện, gửi thư liên tục nhưng đều vô ích.
Phóng viên CNN đã rất vất vả trong tìm manh mối vụ Maria Duval.
Khi bế tắc với ngõ cụt này, phóng viên CNN lần tìm mọi thứ về Listano, dùng Google Street View để tìm tòa nhà công ty theo địa chỉ ở Anh nhưng không nhìn thấy công ty nào như vậy.
Khi xem dữ liệu đăng ký công ty ở Anh, có tới cả trăm doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa chỉ mà công ty Listano cũng đăng ký. Điều lạ là tên của nhiều công ty lại do một người làm giám đốc.
Sau khi gọi điện thoại cho rất nhiều đầu mối với hi vọng tìm ra lời giải, chỉ có một người duy nhất trả lời điện thoại của phóng viên CNN.
Đó là người tên là Lukas Mattle, một giám đốc của công ty Infogest ở Canada nói trên. Infogest thực ra chỉ là một nhánh nhỏ của một công ty Thụy Sỹ Infogest S. A – chuyên chịu trách nhiệm các hoạt động toàn cầu của bà Duval.
Khi được hỏi về Duval, ông ta nói rằng công ty và Duval giờ “đã kết thúc”. Phóng viên CNN tìm hiểu và phát hiện ra Infogest S. A đã đóng cửa năm 2014. Thế nhưng tại sao thư của bà Maria Duval vẫn xuất hiện ở nhiều nước?
Lúc bế tắc với câu hỏi này thì một tia sáng le lói. Một trong số nhiều người mà phóng viên CNN nhắn tin qua LinkedIn để hỏi, có một người đã trả lời.
Khi liên lạc qua điện thoại, ông ta giấu tên, nói rằng mình làm việc cho Astroforce, một trong số các công ty liên hệ chặt chẽ nhất với bà Duval, xuất hiện trên lịch sử tên miền trang web của bà ta và là công ty xuất bản nhiều cuốn sách của bà ta.
Ông ta gợi ý nên điều tra vào hai doanh nhân châu Âu Jacques Michel Mailland và Jean - Claude Reuille. Reuille điều hành cả Infogest và Astroforce, còn Mailland là “thiên tài gửi thư” – người bịa ra câu chuyện cho các bức thư.
Người này nói rằng do bà Duval là bà đồng nổi tiếng có thể tìm người mất tích nên Mailland quyết định thuê bà ta làm gương mặt và tên của chiến dịch gửi thư đầu những năm 1990. Không rõ bà Duval được trả thù lao như thế nào.
Nguồn tin giấu tên cho biết ông làm việc cho Astroforce trong những năm 1990 và nghe nói công ty này đóng cửa nhiều năm rồi, nên sốc khi biết vụ lừa đảo vẫn hoành hành.
Cuộc nói chuyện khiến phóng viên CNN rất vui mừng vì cuối cùng cũng có người cho họ biết những chi tiết mới quan trọng. Người đó cũng khẳng định Mailland và Reuille là trung tâm của vụ việc.
Thực ra, hai cái tên này không mới với CNN. Mailland là một người liên hệ được liệt kê trên trang web của Maria Duval trong nhiều năm và là giám đốc một trong những công ty của Astroforce.
Reuille thì kín tiếng hơn nhưng hồ sơ đăng ký công ty ở Thụy Sỹ cho thấy Infogest từng có tên là Reuille Holding khi ông này làm giám đốc. Một số nhân viên khác của Infogest cũng cho biết Reuille điều hành công ty phát tán thư của Duval.
Vậy Mailland và Reuille là ai và có phải họ là chủ mưu của vụ lừa đảo đằng sau cái tên Maria Duval?