Các nhà nghiên cứu đã lắp ráp lại chiếc vòng cổ trang trí công phu được phát hiện trong ngôi mộ của một đứa trẻ sống ở ngôi làng Ba’ja ở thời kỳ Đồ Đá mới, miền Nam Jordan ngày nay. Hơn 2.500 hạt đá và vỏ sò nhiều màu sắc được tìm thấy trong ngôi mộ, có niên đại từ năm 7400 đến 6800 trước Công nguyên.
Các cuộc khai quật khảo cổ đã diễn ra tại ngôi làng Ba’ja 9.000 năm tuổi, gần thành phố cổ Petra của Jordan, kể từ năm 1997.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ngôi mộ của một trẻ em 8 tuổi được chôn cất trong tư thế bào thai. Cùng với hàng nghìn hạt cườm phủ khắp ngực và cổ của đứa trẻ, người ta cũng tìm thấy một mặt dây chuyền bằng đá đục lỗ và một chiếc nhẫn xà cừ.
Nhóm nghiên cứu đã cẩn thận ghi lại cách các hạt được phân bố khắp ngôi mộ và xác định rằng chúng từng là một phần của vật trang trí lớn hơn đã bị bong ra theo thời gian.
Hài cốt của đứa trẻ được bảo quản kém. Một phân tích di truyền của hài cốt không tiết lộ bất cứ điều gì về sức khỏe, nguyên nhân cái chết, thói quen ăn uống hay đặc điểm sinh học của đứa trẻ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tập trung vào các chuỗi hạt và câu chuyện mà chúng có thể kể về đứa trẻ cũng như các hoạt động tang lễ thời kỳ Đồ Đá mới.
Chi tiết về những phát hiện trên được công bố trên tạp chí PLOS ONE.
Trong bài viết, các tác giả cho biết mục tiêu của họ là bất chấp sự xuống cấp của thời gian để mô phỏng lại thành phần ban đầu của chiếc vòng, nhằm tìm ra tầm quan trọng của loại văn hóa vật chất mang tính biểu tượng này. Ở đây không chỉ có là nhóm hạt, mà là một sáng tạo trang trí với ý nghĩa kinh tế - xã hội, thủ công và thẩm mỹ.
Câu đố phức tạp
Những hạt vòng hình ống, phẳng và hình đĩa chủ yếu được làm từ canxit đỏ cũng như hematit, ngọc lam và vỏ sò biển. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, chủ đề màu chủ đạo của chiếc vòng dường như là đỏ và trắng, với các vật liệu khác cung cấp màu sắc tương phản. Theo nghiên cứu, ở đây còn có hai hạt hổ phách, “một vật liệu chưa từng được chứng thực trước đây trong thời kỳ này”.
Các vỏ sò được thu thập từ Biển Đỏ và một số hạt đá không phải của địa phương trong khu vực. Điều này cho thấy chúng có được thông qua trao đổi văn hóa. Sản phẩm này gợi ý rằng xã hội thời kỳ Đồ Đá mới bao gồm sự tương tác giữa các thương nhân, nghệ nhân lành nghề và những cá nhân có địa vị cao, những người có thể đã đặt hàng những thiết kế như vậy.
Một mảnh hematit hình bầu dục, phẳng, bị mòn được xác định là miếng đệm hoặc khóa, từng được giữ ở sau cổ. Phần còn lại của chiếc nhẫn xà cừ đã xuống cấp, có bốn nhánh, được xác định là trung tâm của chiếc vòng cổ. Ngoài ra còn một số hạt hình đĩa kết nối với chiếc nhẫn khi nó được tìm thấy.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những kiểu mòn trên một số mảnh ngọc lam và hematit cho thấy chúng có thể đã được đưa vào chiếc vòng sau khi được những người khác sử dụng. Đó có thể là người lớn tuổi của đứa trẻ, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhóm đã tiến hành phân tích chi tiết, kỹ lưỡng về các hạt, nghiên cứu thành phần và kỹ thuật chế tạo ra chúng để xác định xem chúng có thể khớp với nhau như thế nào. Cuối cùng, sau khi thử nhiều cấu hình, họ xác định các hàng hạt trải ra từ hai bên của chiếc nhẫn xà cừ, che phủ cổ và ngực của người đeo. Bảy hàng hạt được kết nối với chiếc nhẫn.
Nhà khảo cổ học và nhà nghiên cứu Hala Alarashi tại Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha và Đại học Côte d’Azur (Pháp), cho biết quá trình tái tạo lại chiếc vòng cổ ban đầu mất gần 3 năm, một phần do sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chiếc vòng cổ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Petra ở Jordan. Ở mức tối đa, nó có thể nặng tới 226 gram. Các tác giả đã viết trong nghiên cứu rằng kết quả tái tạo vượt quá mong đợi của họ khi nó tiết lộ một chiếc vòng cổ nhiều hàng gây ấn tượng với cấu trúc phức tạp và thiết kế hấp dẫn.
Địa điểm Ba’ja đã được nghiên cứu và khai quật trong nhiều thập kỷ. Ảnh: CNN
Giải mã ý nghĩa
Thiết kế phức tạp của chiếc vòng cổ là một trong những đồ trang sức thời kỳ Đồ Đá mới ấn tượng và lâu đời nhất từng được phát hiện. Nó cho thấy đứa trẻ đó có địa vị xã hội cao. Các nhà nghiên cứu tin rằng chiếc vòng được giao nhiệm vụ đi cùng đứa trẻ trong cái chết. Nếu đúng như vậy, tang lễ của đứa trẻ có thể là một sự kiện công cộng, trong đó gia đình, họ hàng và những người từ các làng khác đến tham dự.
Các tác giả viết: “Kinh nghiệm, cảm xúc, lòng biết ơn hoặc nỗi buồn được chia sẻ trong dịp này chắc chắn đã góp phần củng cố cộng đồng, tăng cường ký ức tập thể vốn là nền tảng trong những khoảnh khắc mất mát như vậy”.
Chiếc vòng được tìm thấy trong ngôi mộ của một đứa trẻ 8 tuổi. Ảnh: CNN
Thiết kế tổng thể của chiếc vòng cổ có thể gợi ý sự phong phú, đa dạng và độc quyền. Nó cũng có thể được dùng để mang lại cho đứa trẻ sự giàu có ở thế giới bên kia. Ngoài ra, còn nhiều thông điệp khác có thể vẫn chưa được giải mã.
Theo các tác giả nghiên cứu, khối lượng lớn, tổ chức phức tạp, tính đối xứng, hài hòa, vẻ đẹp của các vật thể được tìm thấy trong ngôi mộ, cách tạo ra sự tương phản ánh sáng và màu sắc gợi nhớ đến những đồ trang trí tinh tế của các xã hội Ai Cập và Lưỡng Hà đô thị sau này.
Những đồ trang trí đẹp mắt khác đã được tìm thấy trong các ngôi mộ của trẻ em ở Ba’ja, và bà Alarashi đang tiến hành một nghiên cứu để xác định ý nghĩa văn hóa của chúng.
Theo bà Alarashi, nghi lễ an táng có thể kể lại tốt nhất câu chuyện về những xã hội chưa có chữ viết này. Đồ trang trí trên cơ thể là phương tiện giao tiếp mạnh mẽ. Chúng truyền tải thông tin về những cá nhân đeo chúng cũng như về những người tạo ra chúng.
Theo CNN