Giải mã tin đồn ung thư: Phân tích đầy đủ nhất từ trước đến nay về nhựa, xốp đựng thức ăn nước uống

Th.s Nguyễn Cao Luân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản, Ruy Băng Tím) |

Ở kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề nhựa khi gặp nhiệt. Ở kỳ này, xin phân tích kỹ những loại nhựa đang lưu hành trên thị trường, theo thứ tự các ký số của chúng.

LTS: Chúng ta thường đọc được những mẩu thông tin rời rạc hoặc chưa đầy đủ, với những kết luận "gây ung thư" và từ đó gặp phải những hoang mang, lo lắng. Ở bài viết này, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng của Ths Nguyễn Cao Luân - thành viên nhóm truyền thông phi lợi nhuận Ruy Băng Tím về phòng chống ung thư, lần đầu tiên quý độc giả sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết nhất về vấn đề này.  

* Bài 1: Giải mã tin đồn về đồ nhựa: Quá lạnh, quá nóng đều gây ung thư - tin được không?

Đây là ký hiệu phân biệt 3 loại nhựa ít chất độc nhất đựng thực phẩm - Ảnh 1.

các ký hiệu nhựa đã được thương mại hóa.

1. Polyethylene terephthalate (PET, PETE)

Đây là loại nhựa phổ biến nhất được dùng để làm vỏ chai nước. Nguyên nhân có lẽ là vì tính kinh tế ở khâu sản xuất cũng như khả năng tái chế cao của nhựa này.

Ngoài vỏ chai nước khoáng ra, PET còn thường được dùng làm vỏ chai nước tinh khiết, chai dầu ăn, chai nước ngọt, chai nước trái cây, đôi khi là chai nước rửa chén.

Giải mã tin đồn ung thư: Phân tích đầy đủ nhất từ trước đến nay về nhựa, xốp đựng thức ăn nước uống - Ảnh 2.

Các dạng chai nhựa PET thường gặp

PET khá bền về mặt hóa học ở nhiệt độ thường. Một số tin đồn về việc vỏ chai PET sinh chất gây ung thư ở nhiệt độ thấp đã được chúng tôi làm rõ ở phần trước. Tuy nhiên, ở nhiệt độ cao, PET không bền và có thể sinh ra một số aldehyde và thôi nhiễm antimony (nguyên tố á kim, sẽ đề cập ở đoạn tiếp theo).

Theo một công trình nghiên cứu khá công phu vào năm 2013, dù chứa nước trong chai PET ở 50oC liên tục trong 10 ngày thì hàm lượng acetaldehyde, formaldehyde và tổng antimony cũng tăng không đáng kể. Nhưng tốc độ tăng này nhảy vọt nếu để ở 60 oC.

Antimony, tiếng Việt gọi là Antimon, là một nguyên tố á kim. Các hợp chất của nguyên tố này được quan tâm kỹ khi xem xét chất lượng nhựa PET, vì chúng là thành phần xúc tác trong quá trình sản xuất. Antimony dễ dàng bị rửa đi nếu nhà sản xuất tuân thủ nguyên tắc.

Độc tố của Antimony phụ thuộc vào dạng hợp chất mà nó tồn tại. Dạng ATO (antimony trioxide, Sb2O3), theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hầu như không có độc tính cấp tính (LD50 > 20 000 mg/kg trọng lượng cơ thể), do nó tan rất ít trong môi trường nước.

Các độc tính mãn tính, bao gồm cả gây đột biến và gây ung thư đều là thử nghiệm trên động vật, kết quả dương tính ở nồng độ cao và thời gian dài. WHO xếp ATO vào nhóm 2B (nhóm các chất có thể gây ung thư ở người).

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy PET nếu bị đun nóng-nhất là cho vào lò vi sóng - sẽ thôi nhiễm antimony đáng kể. Và mặc dù antimony có thể được rửa đi dễ dàng sau khi sản xuất nhựa, nhưng nếu công ty nào không thực hiện thì hàm lượng tồn dư antimony cũng đáng kể.

Một nghiên cứu khác cũng năm 2010 cho thấy nước đựng trong bình bằng PET hay thủy tinh - dù đã qua 10 ngày ở 40oC- xét về mặt gây đột biến thì cũng không khác nhau về chất lượng.

Và còn nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy hàm lượng các độc tố sinh ra từ vỏ chai PET là phụ thuộc nhiều vào thời gian và nhiệt độ bảo quản.

Bên cạnh antimony, các hợp chất bromate hóa cũng được tìm thấy là thôi nhiễm vào nước được báo cáo trong một nghiên cứu năm 2012, nhưng nghiên cứu này không chỉ ra rằng hàm lượng kể trên có ở mức nguy hiểm hay không.

Ghi nhớ:

• Vỏ chai PET (số hiệu là 1) không phải loại nhựa tốt nhất để tái sử dụng làm vật chứa nước uống hoặc thực phẩm.

• Nên chỉ sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 10 ngày) rồi nên thay chai mới.

• Không sử dụng nhựa PET để đựng các thực phẩm nóng, hay cho vào lò vi sóng.

2. High-density polyethylene

High-density polyethylene (HDPE), có tên khác là polyethylene high-density (PEHD), là loại nhựa có độ bền cơ học cao, hầu như trơ hoàn toàn về mặt hóa học, có thể chịu được nhiệt độ cao (120 độ C trong thời gian ngắn, hoặc 110 độ C trong thời gian dài).

HDPE thường được dùng làm vỏ bình sữa cho trẻ, vỏ hộp thuốc, vỏ bình nước giặt, nước lau sàn, nước tẩy, vỏ bình dầu gội, sữa tắm…

Giải mã tin đồn ung thư: Phân tích đầy đủ nhất từ trước đến nay về nhựa, xốp đựng thức ăn nước uống - Ảnh 3.

Các dạng vỏ chai nhựa HDPE thường gặp

Đến nay, hầu như chưa có báo cáo khoa học nào cho thấy có vấn đề về sức khỏe khi dùng HDPE làm vật chứa thực phẩm, ngoại trừ một báo cáo năm 2011 cho rằng tất cả các nhựa có mặt trên thị trường đều có thể thôi nhiễm các hợp chất giống nội tiết tố. Báo cáo này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần cuối của bài viết này.

Ghi nhớ:

• Đây là một trong những loại nhựa ổn nhất để sử dụng trong các mục tiêu thường ngày, trong đó có chứa thực phẩm, nhất là các thực phẩm cho trẻ nhỏ như bình sữa, chai nước, bình bột.

• Tránh bỏ vào lò vi sóng, tránh chứa thực phẩm quá nóng (trên 110oC) hoặc/và nhiều chất béo như cháo, nước dùng (nước lèo) của các loại bún, mì, phở, trừ khi chúng là sản phẩm đã được thiết kế chuyên dụng cho việc đựng thực phẩm nóng.

3. Polyvinyl Chloride

Polyvinyl Chloride (PVC) là loại nhựa tổng hợp được sử dụng rộng rãi thứ 3, sau polyethylene và polypropylene.

Nhựa đa năng này có thể ở dạng cứng hay dẻo, tùy phụ gia thêm vào. Nó thường được sử dụng trong việc sản xuất các vỉ thuốc, tấm trải giường, chai lọ không đựng thực phẩm, các loại thẻ (thẻ ngân hàng, thẻ xe có chip), và sản phẩm đặc biệt đáng quan tâm là đồ chơi trẻ em và wrap, hay còn gọi là bao kiếng, giấy kiếng, … thường dùng để bọc thực phẩm.

Giải mã tin đồn ung thư: Phân tích đầy đủ nhất từ trước đến nay về nhựa, xốp đựng thức ăn nước uống - Ảnh 4.

Giấy kiếng là một sản phẩm từ nhựa PVC.

PVC là loại nhựa được cho là không nên dùng nhất để đựng thực phẩm. Bằng chứng khoa học đến nay cho thấy các phụ gia được sử dụng trong sản xuất PVC được sinh ra nhiều ở nhiệt độ cao.

Các hợp chất này, mặc dù đến nay được xếp vào nhóm 3 (nhóm các chất không có vẻ gây ung thư cho người) theo WHO, hoặc không có thông tin về khả năng gây ung thư (đối với DEP), nhưng có các tác động lên hệ sinh dục, gan, thận….

Điều này được các tổ chức sức khỏe lớn như WHO, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), Cơ quan về các chất độc hại và đăng ký bệnh (ATSDR, cũng trực thuộc chính phủ Mỹ) cảnh báo.

Nhưng các hợp chất này hầu như chỉ đi vào cơ thể được thông qua đường ăn uống và hít thở, trong đó đường ăn uống là chính.

Ghi nhớ:

• Không nên dùng các vật từ nhựa PVC để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng.

• Không nên cho trẻ quá nhỏ chơi các đồ chơi có nhựa PVC, tránh việc trẻ ngậm các đồ chơi này.

• Cẩn thận khi wrap thực phẩm bằng giấy kính, không nên để chạm vào đồ ăn khi hâm nóng.

• Phụ nữ khi mang thai nên cẩn trọng với đồ nhựa khi dùng, tránh các sản phẩm từ PVC.

ĐỌC TIẾP VỀ LOẠI NHỰA SỐ 4, 5, 6, 7

Th.s Nguyễn Cao Luân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản, Ruy Băng Tím)

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.

nguyen-cao-luan-1512464187728-1512464740559

Ruy Băng Tím nhằm xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website: ruybangtim.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại