Nhóm nhà khoa học do tiến sĩ Ildiko Gyollai, đến từ Trung tâm Thiên văn học và Khoa học trái đất ở Budapest - Hungary, đứng đầu vừa phát hiện các "chữ ký sinh học" trong thiên thạch bí ẩn. Viện nghiên cứu Địa cực Quốc gia Nhật Bản đã tìm thấy thiên thạch này vào khoảng năm 1977, 1978 nằm Allan Hills, Nam Victoria Land, Nam Cực và chìm một nửa trong băng.
Cận cảnh thiên thạch Sao Hỏa mang chữ ký sinh học - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Khối thiên thạch trong trạng thái đã bị mất một phần bề mặt và đánh bóng láng bởi các cơn gió dữ dội vùng địa cực. Với những công cụ hiện đại, nhóm nghiên cứu giải mã được khối đá bí ẩn sau hơn 4 thập kỷ.
Họ đã phát hiện sự hiện diện của các cấu trúc dạng cầu và dạng sợi, có thể được xây dựng bởi các vi khuẩn oxy hóa sắt; chất hữu cơ; nhiều khoáng chất sinh học. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng một hệ vi sinh vật ít nhất đã từng hiện diện trên hành tinh mẹ của khối thiên thạch.
Khối thiên thạch xuất phát từ Sao Hỏa, có "tuổi đời" ước tính là 175 triệu năm, với khoảng 3 triệu năm trong trạng thái phải tiếp xúc với các tia vũ trụ.
Sao Hỏa, hành tinh mẹ của khối thiên thạch - ảnh: NASA
Kết quả này phù hợp với các giả thuyết mà NASA và nhiều nhà khoa học hành tinh, thiên văn học khác đưa ra về sự sống trên Sao Hỏa.
Robot thăm dò của NASA từng phát hiện các "khối xây dựng sự sống" cổ đại trên hành tinh này và nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho rằng Sao Hỏa cổ đại từng có nước và bầu khí quyển đủ để sinh vật – ít nhất là vi sinh vật – có thể tồn tại.
Nghiên cứu mới của Hungary vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học Open Astronomy.
(Theo SciTech Daily, Sci-News, Metro)