Từ các tiểu thuyết gia ăn khách như Dan Brown cho đến cộng đồng khoa học hàn lâm chính thống, tất cả đều vẫn đang đau đầu đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Điều gì đã làm nên một trong những trí tuệ và tầm nhìn xuất chúng nhất mọi thời đại này?
Và giờ đây chúng ta đã tiến thêm một bước nữa trong cuộc điều tra xuyên thời gian và không gian đó. Một nghiên cứu mới được thực hiện đã chỉ ra: Một dạng dị tật hiếm gặp ở mắt đã giúp Leonardo da Vinci chuyển tải các khoảng cách và chiều sâu của vật thể trong không gian ba chiều lên các bề mặt phẳng hai chiều với độ chính xác tuyệt đối gắn liền với tên tuổi của ông.
Da Vinci, một trong những họa sĩ lẫy lừng nhất mọi thời đại, mắc chứng mắt lệch ngoài không thường trực (intermittent exotropia), một dạng bất đồng trục mắt mà trong đó một mắt bị xoay hướng ra ngoài, theo kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa thuộc Hiệp hội Y khoa Hoa Kì (JAMA Ophthalmology).
Bức họa "Salvator Mundi" được cho là tác phẩm của Leonardo da Vinci, thể hiện tật mắt lệch ngoài của ông, theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố.
"Khi nhìn vào các tác phẩm của ông, tôi liền chú ý tới sự phân li rời xa nhau rõ rệt của hai mắt xuất hiện ở tất cả các bức vẽ, " tác giả của nghiên cứu, Christopher Tyler, giáo sư tại Đại học Thành phố London và Viện Nghiên cứu Mắt Smith-Kettlewell tại San Francisco, giải thích.
Sau khi phân tích về hướng nhìn của mắt trong sáu tác phẩm nhiều khả năng là chân dung tự họa của Da Vinci – hai bức chạm khắc, hai tranh sơn dầu và hai tranh vẽ – Tyler đã phát hiện một vài tác phẩm thể hiện các dấu hiệu của tật mắt lệch ngoài, khiến mắt nhìn hướng ra phía ngoài.
Không phải cả sáu tác phẩm này đều là chân dung tự họa, song Da Vinci đã từng viết rõ bằng chính bút tích của mình rằng bất kì một tác phẩm chân dung nào được một họa sĩ vẽ ra cũng đều phản ánh vẻ ngoài thật sự của người đó.
Một bức chạm khắc bằng đồng của nhân vật David, được cho là hình ảnh minh họa Leonardo da Vinci thời trẻ, cho thấy sự lệch trục mắt.
Dị tật mắt "biến" Da Vinci trở thành thiên tài toàn năng của Ý?
Tyler đã đánh giá tình trạng dị tật mắt này bằng cách vẽ các vòng tròn bao quanh đồng tử, mống mắt và mi mắt trong mỗi bức tranh và đo đạc vị trí của chúng.
Khi anh chuyển các số đo này thành các góc, kết quả đã cho thấy mắt của Da Vinci có thiên hướng lệch ngoài, với một mắt bị xoay ra ngoài -10,3 độ trong trạng thái thư giãn. Song điều lí thú là bậc thầy hội họa người Ý có thể tự điều chỉnh cho mắt mình đồng trục như bình thường khi tập trung.
Tyler tin rằng mắt trái của Da Vinci là bên bị ảnh hưởng bởi dị tật, nhưng điều này cũng khó mà biết chắc được. Dị tật mắt bất đồng trục lệch ngoài, một dạng của tật lác mắt, ảnh hưởng tới khoảng 1% dân số thế giới, anh cho biết.
Tật mắt lệch ngoài của Da Vinci cho phép ông nhìn thế giới từ một góc độ khác so với mọi người. "Những thứ mà ông nhìn thấy sẽ trông giống một tấm vải toan phẳng lì hơn là một bản quét ba chiều như của chúng ta," Tyler cho biết; điều đó giúp người họa sĩ "dễ dàng truyền tải mọi thứ lên tranh vẽ hơn."
Dị tật này đối lập với thị lực hoàn toàn bình thường của mắt còn lại, vốn giúp ông thu nhận và phát triển những hiểu biết uyên thâm về các vật thể ba chiều. Tyler cho rằng khả năng này đã mang đến cho hầu hết các kiệt tác của Da Vinci những sắc độ chính xác tuyệt vời làm nên tên tuổi của ông.
Các kĩ thuật nghiên cứu tương tự cũng đã được sử dụng để chứng minh rằng các họa sĩ đại tài xuất chúng khác như Rembrandt, Edgar Degas và Pablo Picasso cũng mắc phải nhiều dạng lệch trục mắt khác nhau.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự khác nhau về kích thước và định hướng đồng tử trong một vài tác phẩm của Da Vinci có thể được qui cho tật đồng tử không đều (anisocoria), dạng dị tật khiến cho một bên đồng tử lớn hơn bên kia.
Song Tyler cho rằng điều này là "rất khó xảy ra." Thay vào đó, anh tin rằng Da Vinci đã sử dụng hình ảnh này để minh họa cho cảm giác nhìn bằng một mắt rõ hơn mắt kia của mình.
Tiến sĩ Julius Oatts, phó giáo sư Nhãn Khoa thuộc Đại học California, San Francisco, Mỹ đã gọi phát hiện này là một sự thú vị. "Đã có rất nhiều đồn đoán băn khoăn rằng liệu các bức tranh có thực sự thể hiện con người thật của Da Vinci hay không, và liệu chúng có nói lên đúng tình trạng mắt thực tế của ông hay không," Oatts phát biểu, với tư cách một người không tham gia vào nghiên cứu.
Tyler nói rằng người họa sĩ vĩ đại này là "một nhân vật đầy sức hấp dẫn về phương diện lịch sử, đến nỗi sẽ rất thú vị khi được khám phá gốc rễ làm nên thiên tài của ông."