Alexander Đại đế là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Trong suốt thời gian trị vì Vương quốc Macedonia, Alexander Đại đế giành phần lớn thời gian để chinh phạt các vùng lãnh thổ mà chưa một lần nếm mùi chiến bại.
Để tạo nên những chiến tích chinh phạt tuyệt vời ấy, bí ẩn về quân đội "bách chiến bách thắng" và tài năng lãnh đạo thiên bẩm của Alexander luôn có một sức hút đầy mê hoặc đối với hậu thế.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin hấp dẫn về bí ẩn đội quân hùng mạnh, làm nên nhiều kỳ tích trong các cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế.
Đội quân hùng mạnh, dấu ấn không thể thiếu trong những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế
Vào mùa xuân năm 334, Alexander khởi hành từ Macedonia, rời Antipater với 12.000 bộ binh và 1.500 kỵ binh để bảo vệ mảnh đất quê hương và trông chừng những thành bang Hy Lạp.
Quy mô của đội quân mà cùng với nó, ngài đã băng qua eo biển Hellespont được ghi chép lại rất khác nhau, tổng số dao động trong khoảng 30.000 tới 43.000 bộ binh và từ 4.000 tới 5.500 kỵ binh.
Nhưng con số chi tiết mà Diodorus đưa ra: 32.000 bộ binh và 5.100 kỵ binh, về cơ bản, gần với tổng số mà Arrian (Ptolemy) đưa ra, và có thể là con số chính xác.
Đội quân của Alexander được bố trí phù hợp với từng cuộc chinh phạt. Ảnh: Internet
Quy mô và cách bố trí lực lượng giữ khu vực chiếm được trên đất của địch tại Abydos – nơi chắc chắn đã có sự xuất hiện của vài đội quân vào năm 334 – chưa được biết tới, nhưng có nhiều khả năng nó chỉ là một lực lượng nhỏ và chủ yếu là bộ binh đánh thuê.
Trụ cột của bộ binh là bộ binh hạng nặng Macedonia, "Bộ binh Chiến hữu" (Foot Companions), đã được tổ chức dựa trên nền tảng quân địa phương thành sáu tiểu đoàn (taxeis), mỗi tiểu đoàn khoảng 1.500 người.
Thay vì mang theo cây thương chín feet (gần 3 mét) như bộ binh hạng nặng của Hy Lạp, bộ binh Macedonia được vũ trang với một thanh giáo hoặc sarissa1 khoảng từ 4 đến 4,3 mét, mà phải dùng cả hai tay mới sử dụng được.
Một tấm khiên tròn, màu sáng được đeo ở vai trái, nhỏ hơn tấm khiên thường được lính Hy Lạp mang theo và sử dụng bằng tay trái. Cả bộ binh Hy Lạp lẫn Macedonia đều mặc giáp và đội mũ sắt, nhưng có thể là lính Macedonia không mặc giáp che ngực.
Đội hình phalanx đặc biệt của Alexander Đại đế
Đội hình phalanx (một thuật ngữ tiện dụng để chỉ toàn bộ bộ binh Macedonia hạng nặng), giống như tất cả những đội quân Macedonia khác, đều được vua Philip áp dụng một tiêu chuẩn rèn luyện và kỷ luật xuất sắc.
Đội hình phalanx - chiến thuật quân sự độc đáo của Alexander Đại đế. Ảnh: Livius
Không giống như đội hình phalanx mà người La Mã đã chạm trán khoảng một thế kỷ trước, đội hình phalanx của Alexander có tính cơ động cao và có khả năng áp dụng chiến thuật nhanh.
Trong trận chiến, cánh phải của đội hình phalanx được bảo vệ bởi những Hypaspist hay "Vệ quân". Họ là một tập hợp những người xuất sắc, bao gồm tiểu đoàn Hoàng gia (agema) và hai tiểu đoàn khác, mỗi tiểu đoàn xấp xỉ 1.000 người.
Alexander thường sử dụng họ trong những cuộc hành quân nhanh chóng và những hoạt động lưu động khác, thường kết hợp với kỵ binh và những đội quân vũ trang hạng nhẹ.
Alexander Đại đế là người có tài năng chỉ huy quân đội và nhiều chiến lược quân sự với nhãn quan tuyệt vời. Ảnh: Pinterest
Điều này cho thấy, mặc dù không được chứng minh, rằng vệ quân được vũ trang sơ sài hơn bộ binh hạng nặng; nhưng nếu như vậy, chúng ta không rõ điểm khác biệt này dựa vào đâu. Các thành viên của Liên minh Corinth đóng góp 7.000 bộ binh hạng nặng, trong đó có 5.000 lính đánh thuê Hy Lạp.
Phần còn lại trong bộ binh của Alexander bao gồm 7.000 quân Thracia và Illyria, được trang bị lao và hai đội bắn tên do người Crete và Macedonia chịu trách nhiệm. Đơn vị xuất sắc nhất trong số những đội quân trang bị hạng nhẹ là quân Agrianes, gồm 1.000 người.
Họ được đánh giá rất tốt trong tương quan với lính Macedonia và xuất sắc không kém những Gurkhas trong quân đội Ấn Độ. Về phía các đội quân đồng minh, họ đã sát cánh bên Alexander trong suốt các cuộc chinh phạt và được Arrian nhắc đến khoảng 50 lần.
Cùng với những cung thủ và vệ quân, quân đồng minh đã góp phần trong tất cả những lần trinh sát, các trận đánh nhỏ, đồng thời đã chiến đấu rất anh dũng trong nhiều chiến dịch. Niềm kiêu hãnh giữa đội kỵ binh được nắm giữ bởi "Những chiến hữu Hoàng gia" (Royal Companions) người Macedonia.
Đội quân này ban đầu có 1.800 kỵ binh, chia thành tám tiểu đội hay Ilai, tất cả ở dưới quyền chỉ huy của Philotas, con trai của Parmenio. Trong số đó, Tiểu đội Hoàng gia, bao gồm khoảng 300 người, là vệ quân riêng của Alexander, đội quân mũi nhọn cho sức mạnh tấn công của kỵ binh trong những trận đánh lớn.
Vị trí của họ là ở bên cánh phải của vệ quân, những người có nhiệm vụ duy trì liên kết giữa Kỵ binh Chiến hữu và đội hình phalanx. Bên cánh trái của đội hình phalanx là kỵ binh Thessaly, bao gồm khoảng 1.800 người vào lúc khởi đầu cuộc viễn chinh.
Đặt dưới quyền chỉ huy chung của Parmenio, họ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn tại Issus và Gaugemela là giữ chân lực lượng kỵ binh xuất sắc của người Ba Tư càng lâu càng tốt trong khi Alexander tung ra đòn quyết định ở cánh phải.
Những đồng minh Hy Lạp đã cung cấp 600 kỵ binh, và phần còn lại là 900 quân, được hợp thành bởi những người Thrace, Paconian, và "Lính trinh sát" (Prodomoi), những người còn được gọi là "Kỵ binh đánh giáo" (Sarissophoroi) vì họ được trang bị sarissa, có thể là ngắn hơn những chiếc sarissa mà bộ binh sử dụng.
Việc những kỵ binh hạng nhẹ là người Macedonia hay người Thrace là không rõ ràng; nhưng chắc chắn họ được phân biệt với "quân Thrace". Cuối cùng, mặc dù Diodorus không nhắc tới kỵ binh đánh thuê trong danh sách lực lượng của ông, Alexander có thể đã có một vài đội như vậy ngay từ đầu.
Trước trận Gaugamela (Iraq ngày nay), ít nhất, ngài có thể đã sở hữu khoảng 1.000 lính đánh thuê. Bất chấp nhu cầu về những đơn vị đồn trú tại Tiểu Á và Ai Cập, quân đội của Alexander tại Gaugamela đã lên tới con số 40.000 bộ binh và 7.000 kỵ binh. Đây được coi là một trong những chiến thắng hiển hách nhất của nhà quân sự tài ba này.
Theo như nhà sử học Arrian thuật lại, chỉ một vài viện quân đáng kể tới từ quân đội Macedonia và quân đồng minh khi Alexander đặt chân lên đất Gordium vào đầu năm 333. Không có bằng chứng nào cho thấy Alexander đã nhận được quân viện trợ trước trận Gaugemela.
Sử gia Quintus Curtius, người đã thuật lại rằng sau năm 331 Alexander đã nhận được nhiều viện quân, cũng chỉ nhắc tới những viện quân của lính đánh thuê trong giai đoạn này.
Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) là con trai vua Philippos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Ông được coi là một vị vua, nhà quân sự "bất khả chiến bại", người để lại dấu ấn và những bài học quân sự quý báu cho hậu thế.
Được coi là một thiên tài quân sự bẩm sinh, Alexander đã bộc lộ tài năng quân sự lỗi lạc của ông ngay từ khi còn rất trẻ.
Năm 336, sau khi vua cha Philippos bị ám sát, Alexander trở thành quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 - 326 TCN) hùng mạnh nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn.
Rõ ràng sự gia tăng về số lượng binh lính phần lớn là do tuyển mộ lính đánh thuê từ Hy Lạp và những lính đánh thuê đã từng chiến đấu cho Ba Tư.
Alexander ban đầu đối xử với nhóm sau như những kẻ phản bội, nhưng sau này, khi nhận ra rằng điều này chỉ kích động sự kháng cự liều mạng nên sau đó vài tháng, ngài đã thay đổi chính sách của mình. Nhiều đơn vị đồn trú của Alexander bao gồm phần lớn là lính đánh thuê.
Ngay sau trận Gaugamela, Alexander nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội Macedonia, không ít hơn 6.000 lính bộ binh và 500 kỵ binh. Điều này cho phép ngài thành lập tiểu đoàn thứ 17 cho bộ binh, điều chắc đã diễn ra vào đầu năm 3301.
Những tiểu đoàn khác chắc hẳn vẫn duy trì được sức mạnh trong một thời gian. Đó là phân đội Macedonia cuối cùng mà Alexander nhận được cho tới khi ông trở về phía Tây sau cuộc chinh phạt Ấn Độ, và cũng không có lý do thuyết phục nào về việc ông nhận được một đội quân tiếp viện nào khác.
Vào năm 333, những đội quân đồng minh từ các thành bang Hy Lạp và từ Thessaly đã được thải hồi tại Ecbatana. Chúng ta được thuật lại là nhiều người trong số họ đã được tuyển mộ lại như những lính đánh thuê.
Lính đánh thuê Hy Lạp được sử dụng ngày càng nhiều, và những đơn vị đồn trú tại nhiều thành phố được Alexander lập ra tại những tiểu bang (satrapy) miền Đông, thường gồm những lính đánh thuê này cùng với cư dân bản địa và một vài người Macedonia không đủ sức khỏe.
Có thể đoán được rằng một phần trong số 10.000 bộ binh và 3.500 kỵ binh được để lại để bảo vệ Bactria vào năm 327 đều là người Macedonia. Sau Gaugamela, mô hình chiến tranh đã thay đổi.
Ở Bactria và Sogdiana, Alexander nhận ra ông đang phải đương đầu với sự kháng cự của cả một dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Bessus và sau đó là Spitamenes, những người đã gạt đi những mâu thuẫn lớn và tập trung mở rộng chiến tranh du kích.
Chiến thuật cải tổ bước ngoặt của Alexander
Để có thể đối phó với kiểu chiến đấu linh hoạt này, vào năm 329, Alexander đã tiến hành một thay đổi quan trọng trong việc tổ chức Kỵ binh Chiến hữu. Chúng ta không còn nghe về tám tiểu đội (Ilai), mà nghe nói đến (ít nhất) tám trung đoàn (Hipparchiai), mỗi trung đoàn bao gồm hai tiểu đội hoặc nhiều hơn.
Một số tiểu đội này dường như bao gồm cả những kỵ binh xuất sắc người Ba Tư. Dĩ nhiên, Alexander đã sử dụng kỵ binh Ba Tư bên ngoài Kỵ binh Chiến hữu.
Alexander đã thay đổi một chiến thuật quan trọng về việc tổ chức Kỵ binh chiến hữu. Ảnh: Pinterest
Vào đầu năm 330, chúng ta được biết về đơn vị kỵ binh phóng lao người Ba Tư. Cụ thể, tại trận chiến sông Hydaspes vào năm 326, Alexander đã sử dụng đội quân của Daae, những cung thủ cưỡi ngựa, cũng như những kỵ binh từ Bactria, Sogdiana, Scythia, Arachotia, và vùng Parapamisus hoặc vùng Hindu Kush.
Tại Massaga ở Ấn Độ, người ta thuật lại rằng Alexander đã cố gắng tuyển mộ lính đánh thuê Ấn Độ cho quân đội của mình, nhưng khi họ có ý định đào ngũ, ngài đã tàn sát hàng loạt nhóm binh lính.
Không có đợt tuyển mộ lính Ấn Độ nào khác được ghi chép lại, và đội quân Ấn Độ duy nhất trong quân đội của Alexander mà chúng ta được biết là đội quân do các vương gia (rajah) Taxiles, Porus và thành phố Nysa cung cấp với tổng số khoảng 11.000 người.
Tuy nhiên, Nearchus, một tướng lĩnh trong đội quân của Alexander đại đế quả quyết khi nói rằng (Indica 19.5) ngay khi bắt đầu chuyến hải hành xuôi theo sông Hydaspes, Alexander mang theo 120.000 quân lính.
Một số nhà sử học cũng đưa ra con số tương tự về quân đội của Alexander khi bắt đầu cuộc chinh phạt Ấn Độ hoặc chí ít thì hẳn ngài phải có một lượng quân Ấn Độ rất lớn trong quân đội của mình.
Nhưng sự hiện diện của họ chỉ là tạm thời, bởi không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ người Ấn Độ nào quay trở lại phía Tây cùng với ngài.
Giữa những lời than phiền của người Macedonia vào năm 324, nhà sử học Arrian nhắc tới việc thành lập trung đoàn kỵ binh thứ 15 mà hầu hết bao gồm những người Iran, nếu chúng ta chấp nhận việc hiệu đính của Giáo sư Badian với trước tác của Arrian.
Điều này có nghĩa là việc phân chia Kỵ binh Chiến hữu thành tám trung đoàn đã bị loại bỏ, và chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi trở về từ Ấn Độ, Kỵ binh Chiến hữu chỉ còn bốn trung đoàn.
Đôi khi người ta nói rằng thay đổi này phản ánh những tổn thất trong suốt cuộc hành quân qua sa mạc Gedrosia.
Đội quân của Hephaestion được miêu tả như một "Chiliarchy", một nhóm gồm 1.000 người.
Mặc dù thực sự Hephaestion đúng là một "Chiliarch" hoặc một "Vizier", nhưng điều đó không có nghĩa hiển nhiên là phải giữ lại tên của ông dẫn đến đội quân của ông được gọi là "chiliarchy của Hephaestion", thay vì "trung đoàn của Hephaestion".
Điều này, dường như có nghĩa là những trung đoàn mới (trên danh nghĩa) có khoảng 1.000 người. Nếu như vậy, việc thay đổi sẽ được tiến hành trong cách tổ chức, hợp nhất kỵ binh vào những đơn vị yếu hơn và mạnh hơn.
Vào năm 324, khoảng 30.000 người Ba Tư trẻ tuổi (những "Người nối nghiệp"), được rèn luyện theo kiểu mẫu của Macedonia trong ba năm ròng, đã được sáp nhập vào đội quân của Alexander tại Susa.
Cùng năm đó, sau cuộc binh biến tại Opis, Alexander đã gửi những người Macedonia không đủ sức khỏe hoặc đã quá tuổi phục vụ quân ngũ, khoảng 10.000 bộ binh và 1.500 kỵ binh, chắc hẳn là phần lớn lực lượng Macedonia của ngài, trở lại quê hương.
Vào năm 323, quân tiếp viện đã tới Babylon. Philoxenus đã mang theo một đội quân từ Caria và Menander mang một đội quân từ Lycia, trong khi Menidas đã tới cùng đội kỵ binh dưới quyền chỉ huy của ông.
Theo nhà nghiên cứu Brunt giả định, đó là những phân đội mới đến từ Macedonia để thay thế cho những cựu binh đang trên đường về nhà.
Từ năm 331, Alexander đã không tuyển mộ thêm nhân lực từ quê hương. Tuy nhiên, việc có phải Alexander muốn giảm bớt yếu tố Macedonia xuống mức không đáng kể trong quân đội của ngài hay không thì không chắc chắn.
Hơn nữa, Peucestas đã mang tới 20.000 cung thủ và những lính bắn đá người Ba Tư, cũng như một lực lượng đáng kể quân Cossaea và Tapurian, mà có thể là kỵ binh.
Đội quân của Alexander Đại đế rất hùng mạnh nhờ cách tổ chức, chiêu mộ binh lính và những cuộc cải tổ quan trọng của con người kiệt xuất này. Ảnh: Pinterest
Lúc đó, Alexander đã thực hiện cuộc cải cách cuối cùng của ngài. Những người Ba Tư đã hợp nhất vào các đơn vị Macedonia theo một cách thức mà mỗi trung đội bao gồm bốn phó chỉ huy người Macedonia và mười hai người Ba Tư, mỗi người đều được vũ trang theo kiểu mẫu dân tộc của họ.
Trong tương lai, sau đó, hoặc ít nhất là trong tương lai gần, quân đội ở châu Á chủ yếu bao gồm những phân đội người Iran.
Theo lời thuật lại của nhà sử học Quintus Curtius, dấu hiệu duy nhất về quy mô của hợp phần Macedonia đã được đưa ra trong bài diễn văn mà Alexander đọc nhưng đây hẳn là sáng tác riêng của sử gia.
Trong đó nhà vua nhắc tới đội quân gồm 13.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh, tất cả đều là người Macedonia, ngoại trừ những đơn vị đồn trú.
Cách tổ chức, chiêu mộ binh lính, chiến thuật trong từng cuộc chinh phạt,... của Alexander Đại đế đã góp phần tạo nên đội quân hùng mạnh "bất khả chiến bại" và dấu ấn quân sự khó phai khiến cả thế giới phải "ngả mũ".
Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách "Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế", một trong những tuyệt phẩm nổi tiếng của sử gia Arrian - một người Hy Lạp sinh ra vào khoảng một vài năm trước năm 90 sau Công nguyên.
Được coi là một trong những kiệt tác tiêu biểu, "Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế" là số ít tác phẩm khắc họa đậm nét khí chất và tài năng quân sự kiệt xuất của Alexander.
Cuốn sách hội tụ nhiều tư liệu lịch sử về Alexander Đại đế, một trong những nhân vật kỳ bí, kiệt xuất trong lịch sử thế giới, được tác giả dày công nghiên cứu. Sách do Alphabooks phối hợp với NXB Thế giới phát hành.