Bằng cách sử dụng chính thân thể của mình, những con kiến có thể tự xây cầu rất hiệu quả và vững chắc để vượt qua trở ngại là các khoảng trống trên đường đi.
Không những quy củ mà việc sử dụng các "thuật toán" cơ bản để xây dựng cầu của loài kiến cũng vô cùng thú vị và độc đáo.
Nghiên cứu từ các chuyên gia tại ĐH Công nghệ New Jersey (Mỹ) đã phát hiện ra nhiều điểm kỳ thú trong quá trình đàn kiến xây dựng cầu. Chúng tính toán kỹ lưỡng để vị trí và độ lớn của cây cầu có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Bí kíp xây cầu trong "nháy mắt" của loài kiến
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc xây cầu bắt đầu hình thành khi kiến dẫn đầu gặp khoảng trống trên đường và nó sẽ bò chậm lại.
Trong khi đó, những con kiến khác trong đàn vẫn tiếp tục di chuyển nhanh chóng bò qua. Vào lúc này, con kiến dẫn đầu sẽ dừng lại hẳn.
Tương tự, con thứ hai cũng lặp lại như vậy, giảm tốc độ và đứng yên để con kiến tiếp theo bò qua. Quá trình này lặp đi lặp lại hàng trăm lần, dần dà tạo nên một cấu trúc giống như cây cầu.
Trong các cuộc thử nghiệm thực địa tại Panama, nhóm nghiên cứu dẫn đầu là Tiến sĩ Simon Garnier tại ĐH Công nghệ New Jersey, cũng khám phá cách đàn kiến lựa chọn vị trí xây dựng cây cầu.
Đàn kiến lựa chọn vị trí ở gần góc nhọn chữ V để tạo cầu di chuyển ngắn nhất. Ảnh: New Jersey Institute of Technology
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng vật dụng có hình chữ V để thử nghiệm và tiến hành cho đàn kiến đi qua. Kết quả là đàn kiến đã lựa chọn vị trí xây cầu ở gần góc nhọn chữ V để tạo quãng đường di chuyển ngắn nhất.
Sau đó, đàn kiến bắt đầu phân bổ lao động xây cầu tương xứng với độ lớn sao cho hợp lý nhất. Bởi vì, chúng không muốn tốn quá nhiều cá thể vào việc làm cầu nhưng đồng thời cũng muốn cuộc hành trình trở nên ngắn nhất có thể.
Xem video:
Bí ẩn cách xây dựng cầu độc đáo bằng chính cơ thể của loài kiến
Không những có thể khôn khéo trong lựa chọn vị trí xây dựng mà đàn kiến còn có thể dễ dàng tính đoán độ lớn phù hợp của cây cầu.
Theo đó, vào năm 2015, chuyên gia Garnier và các cộng sự đã đánh giá khoảng 20% số lượng kiến trong đàn có thể được sử dụng để làm cầu. Chúng có thể sử dụng thuật toán "cầu nối".
Điều này có nghĩa là một con kiến có thể đếm được số lần nó bị những con khác bò qua, và sử dụng để đoán độ lớn của cây cầu. Khi đạt đến một số lượng nhất định và nhận thấy có quá nhiều cá thể trong đàn đang làm cầu, thì một con kiến có thể sẽ tách ra để tiếp tục cuộc hành trình.
Ứng dụng tuyệt vời trong chế tạo robot từ cách loài kiến xây cầu
Tiến sĩ Simon Garnier cho biết: "Trước đây từng có rất nhiều tài liệu nghiên cứu mô tả về các kiến trúc do loài kiến xây dựng.
Tuy nhiên, tính độc đáo trong nghiên cứu của chúng tôi là đã tạo ra những dụng cụ thí nghiệm có thể mang tới rừng nhiệt đới nhằm kiểm soát những điều kiện mà đàn kiến xây cầu gặp phải trên hành trình di chuyển của chúng.
Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng kỹ sư. Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu đang tìm cách sử dụng các phát hiện của chúng tôi để thiết kế robot tự lắp ráp với nhiều ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như cấu trúc tự sửa chữa".
Cách xây dựng cầu và làm việc nhóm linh hoạt của loài kiến có thể góp phần trong việc chế tạo robot có khả năng phối hợp với đồng đội, vượt qua nhiều địa hình phức tạp. Ảnh: Internet
Loài kiến có cách xây dựng cầu rất đặc biệt và nếu ứng dụng thành công những phát hiện này thì những robot trong tương lai có thể dễ dàng linh hoạt xử lý khi phải vượt qua địa hình phức tạp.
Bài viết tham khảo nguồn: Dailymail, Popularmechanics