PVN từng chi 1.000 tỷ đồng để giải cứu PVC
Tại thời điểm đó, các báo cáo của PVC gửi lãnh đạo PVN cho thấy, sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ lên 4.000 tỷ đồng vào cuối 2012, Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận đã quyết định dành gần 3.371 tỷ đồng (tương đương 85,72% vốn điều lệ) góp vào các công ty con, công ty liên kết.
Đã có tổng cộng 15 công ty con, 8 công ty liên kết được PVC rót vốn cùng với 17 công ty đầu tư tài chính.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PVC tại thời điểm đó cũng cho thấy, do không có nguồn việc mới nên sản lượng, doanh thu của tổng công ty năm 2012 giảm nghiêm trọng.
Tính đến hết năm 2012, công ty liên kết PVC – Land báo lỗ 66,4 tỷ đồng; công ty PVC – Sài Gòn ghi nhận khoản lỗ 85,8 tỷ đồng... Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PVC bị âm tới 1.847 tỷ đồng.
Trong đó, khoản lỗ của riêng công ty mẹ lên tới 1.338 tỷ đồng. Để vực dậy đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản của PVC, PVN đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của PVC.
Tuy nhiên, khoản tiền 1.000 tỷ giải cứu này cũng không giúp PVC thoát khỏi khó khăn khi chỉ trong vài tháng đầu năm 2013, PVC tiếp tục báo lỗ hợp nhất lên tới gần 2.230 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính thời điểm đó cho thấy, mức lỗ lũy kế cả năm 2013 của công ty mẹ - PVC lên tới hơn 3.850 tỷ đồng.
Nhiều công ty con của PVC và nhiều dự án mà tổng công ty này nhận chuyển nhượng từ đơn vị khác trong ngành như dự án Công ty Xi măng Dầu khí 12/9, Công ty Xi măng Hạ Long, khách sạn Lam Kinh,... đều lâm vào cảnh thiếu vốn, kinh doanh lỗ vượt kế hoạch, không có hợp đồng, không có việc làm cho người lao động.
Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng đến dòng tiền và tình hình sản xuất kinh doanh chung của PVC. Dư nợ vay ngân hàng quá hạn được ghi nhận lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Xin hỗ trợ lãi suất 0% để tồn tại
Trong báo cáo kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân tại PVC gửi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào cuối năm 2013, lãnh đạo PVC thừa nhận, việc quản lý tài chính tại đơn vị rất yếu. Nhiều dự án thực hiện sai nguyên tắc tài chính đã gây ra những khoản nợ khó đòi rất lớn.
Riêng tiền tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc, tạm ứng vượt quy định tại công ty mẹ và các công ty con tại thời điểm 30//6/2013 lên tới 138,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền 5.144,5 tỷ đồng được PVC và các công ty con thanh toán thừa (thanh toán vượt hợp đồng) cho các nhà thầu.
Với việc vung tay quá trán này, PVC nhanh chóng rơi vào cảnh cạn kiệt, thậm chí không cân đối được nguồn vốn để trả chi phí lãi vay ngân hàng lên tới 113,17 tỷ đồng trong năm 2012.
Đã không còn tiền, PVC còn phải đứng ra trả thay các đơn vị tổng cộng 91,36 tỷ đồng đồng thời phải trích lập dự phòng nghĩa vụ bảo lãnh quá hạn 35,78 tỷ đồng. Khoản lỗ do phải trích lập dự phòng từ hoạt động tài chính cũng khiến PVC bị hụt túi thêm 480 tỷ đồng.
Để tồn tại, ban lãnh đạo mới của PVC cuối năm 2013 đã phải có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng và các bộ ngành đề nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh toàn bộ nợ gốc, miễn lãi trong hạn và quá hạn đối với toàn bộ khoản nợ vay của PVC.
Đơn vị này cũng đề nghị sẽ thực hiện trả nợ gốc cho ngân hàng sau khi khôi phục được vốn chủ sở hữu (khi đó đã giảm từ 4.000 tỷ xuống còn 134 tỷ đồng). Lãnh đạo PVC cũng xin khoanh toàn bộ khoản bảo lãnh cho đơn vị vay vốn của PVC đồng thời Thủ tướng có cơ chế đặc thù chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ PVC vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất 0%/năm.
Đặc biệt, với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC thời hậu ông Trịnh Xuân Thanh-Vũ Đức Thuận đã phải có văn bản cầu viện lãnh đạo PVN hỗ trợ toàn bộ phần lãi vay phải trả cho việc vay vốn để mở L/C.
"Trước mắt, tập đoàn hỗ trợ PVC chi phí lãi vay phải trả tính đến 25/8/2013 là 600.000 USD và dự kiến lũy kế đến 31/12/2013 là 1,5 triệu USD", lãnh đạo PVC đề xuất.