Dưới triều đại nhà Tần, các chính sách thống nhất như chữ viết, tiền tệ, hành chính được áp dụng, đặt nền móng quản lý cho các nhà nước phong kiến hùng mạnh sau này như Hán, Đường, Minh...
Tuy nhiên, so với các triều đại phong kiến về sau thì nhà Tần lại chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Nguyên nhân sụp đổ của triều đại này được các sử gia đánh giá là do nhiều yếu tố. Nhưng có một yếu tố không ngờ, đó là do... chưa quen với lãnh thổ lớn.
Như chúng ta đã biết, trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa thì lãnh thổ Trung Hoa trên danh nghĩa là dưới triều đại nhà Chu nhưng theo chế độ "phân quyền".
Các lãnh địa được chia nhỏ ra cho các chưa hầu quản lý, dẫn đến việc hình thành các quốc gia nhỏ thời Xuân Thu tới Chiến Quốc. Khi Tần Thủy Hoàng làm vương ở nước Tần thì còn có 6 quốc gia khác là Hàn, Sở, Yên, Triệu, Tề, Nguỵ (còn gọi là Chiến Quốc Thất Hùng).
Thời kỳ chia cắt, vương quốc cát cứ này diễn ra hơn 500 năm, khiến sự khác nhau giữa các vùng trở nên sâu sắc.
Nỗi lo của Tần Thủy Hoàng
Một điều quan trọng là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, ông ta luôn sợ sự phản kháng và cát cứ trở lại từ những tướng lĩnh hay quan lại từ quốc gia cũ. Chính vì thế, Tần Thủy Hoàng lập tức bổ nhiệm hệ thống quan lại mới, do chính mình chỉ định, đều là người trung thành với nước Tần. Nó khiến cho hiệu quả quản lý ở địa phương không cao.
Trong khi đó, diện tích nhà Tần sau khi đánh bại sáu quốc gia khi ấy là vào khoảng 3,4 triệu km vuông. Vào thời điểm đó là rất lớn, chưa có nhà nước nào trước đó sở hữu diện tích như vậy. Để quản lý một vùng như vậy là không hề dễ dàng, chưa kể đã bị chia cắt trong hàng trăm năm.
Để giải quyết vấn đề này, Tần Thủy Hoàng lại dùng đến vũ lực, ông trao quyền cho hai đại thần là Vương Tiễn và Vương Bí, tiến hành thẳng tay đàn áp bất cứ ai phản kháng lại sự lãnh đạo của mình. Chính vì thế, người bất mãn lại càng nhiều, kẻ nổi dậy cũng bất phục.
Ảnh minh họa: DKN.TV
Thêm vào đó, người Hung Nô ở phương Bắc luôn bị Tần Thủy Hoàng coi là mối đe dọa hàng đầu, ông cho xây Vạn Lý Trường Thành, duy trì quân đội lên đến 1 triệu người để đàn áp khởi nghĩa và đề phòng kẻ địch. Số quân này cần khoản chi phí và lương thực khổng lồ để duy trì, khiến gia tăng áp lực thuế khóa lên thường dân.
Đến đời Tần Nhị Thế bất tài, quân đội suy yếu, các cuộc khởi nghĩa lớn mạnh, nhà Tần không được lòng dân và dễ dàng sụp đổ, cho dù vài chục năm trước đó họ có một sức mạnh quân sự đáng kinh ngạc.
Sự hà khắc của nhà Tần được đánh giá trong "Sử Ký" của Tư Mã Thiên, phần "Tần bản ký". Tuy vậy, đánh giá đó lại không phải do Tư Mã Thiên viết mà do một học giả nổi tiếng thẳng thắn và có nhiều bài luận là Giả Nghị soạn ra.
Cụ thể, Giả Nghị đã viết thêm trong "Sử Ký" một bài luận nổi tiếng là "Qua Tần luận". Ông đánh giá cao sự siên năng của các vua Tần trước thời Tần Thủy Hoàng, sự cứng rắn của Tần Thủy Hoàng trong cải cách quân đội và chủ trương hình pháp. Điều đó giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất nhanh chóng Trung Hoa. Nhưng ông phê phán chính sách sau chiến tranh.
Giả Nghị viết rằng "đối với trong nước, có thể kết luận sự diệt vong của nhà Tần là do "nhân nghĩa bất thi" – tức không thực hiện chính sách khoan dung nhân nghĩa để lấy được lòng người thiên hạ.
Tóm lại, sự rộng lớn của lãnh thổ cũng chính là con dao hai lưỡi, khiến một nhà nước Tần mới sở hữu đất đai rộng không có kinh nghiệm để quản lý rơi vào khủng hoảng.
Sau này, có các triều đại khác với diện tích lớn ở Trung Hoa như nhà Hán, nhà Đường đã rút kinh nghiệm và duy trì được hàng trămg năm thay vì chỉ 14 năm như nhà Tần.