Tuy nhiên ảo thuật cũng chẳng thể phát triển nếu các chiêu trò được giữ kín mãi mãi. Hãy cùng "vạch trần" những màn biểu diễn vĩ đại nhất trong lịch sử ảo thuật, và chờ xem thế hệ tài năng tiếp theo sẽ làm chúng ta phải kinh ngạc hơn đến thế nào.
1) Bắt đạn đôi, Penn và Teller (1996)
Cặp đôi danh tiếng Penn và Teller đã đưa trò bắt đạn lên một tầm cao mới với màn "song đấu" dùng laser định vị, hai viên đạn được khán giả đánh dấu lên, cùng một tấm kính đặt giữa để thể hiện chúng thật sự đã được bắn ra, và cuối cùng lại nằm trong miệng của họ.
Bí mật là gì?
Đây thực sự là một trong những màn trình diễn công phu nhất của giới ảo thuật. Đầu tiên họ sẽ nhanh tay tráo hai viên đạn có dấu với hai viên giả làm bằng sáp. Khi được bắn ra, sáp sẽ lập tức tan chảy và để lại hình lỗ trên tấm kính.
Đồng thời ảo thuật gia phải đánh lạc hướng khán giả để lấy đầu đạn thật được chế tạo đặc biệt ra khỏi vỏ của nó, sau đó giấu trong miệng cho đến khi đã "bắn" xong.
2) Hoán đổi, Vợ chồng Pendragon (1986)
Cặp đôi này đã trở nên cực kì nổi tiếng với màn biểu diễn ngoạn mục đầy tốc độ và "chất kịch". Charlotte Pendragon nhốt chồng mình trong một chiếc bao đặt trong một hòm cứng có khóa. Sau đó cô đứng trên chiếc hòm, kéo khăn lên che người, và chỉ đúng trong một chớp mắt đã biến mất để được thế chỗ bởi Jonathan Pendragon.
Đến lượt mình, Jonathan mở hòm để vợ mình bước ra trong sự tán dương nồng nhiệt.
Bí mật là gì?
Chiếc hòm thực ra có hai ngăn trước-sau, không có thành sau, và chiếc bao cũng có một lối thoát dưới đáy để ra vào dễ dàng. Sau khi kéo khăn che, người bị nhốt ban đầu phải từ ngăn sau chuyển sang ngăn trước để sau đó sẽ đứng lên "thế thân", đồng thời người thứ hai phải nhanh chóng trốn vào ngăn sau để cuối cùng được "giải thoát" một cách thần kì.
3) Súng ổ quay kiểu Nga, Derren Brown (2003)
Derren Brown đã gây chấn động cả đất nước bằng việc cho một phụ tá lắp một viên đạn vào ô đạn bất kì của chiếc súng ổ quay – loại súng mà mỗi lần bóp cò sẽ tự động chuyển sang ô đạn kế tiếp dù có đạn bắn ra hay không. Ảo thuật gia không biết ô nào có đạn, mà chỉ dựa vào giọng đọc đều đều từ một tới sáu của phụ tá để "cảm nhận".
Sau đó anh ta cầm súng lên, chỉnh tới một ô đạn "an toàn", chĩa vào thái dương mình và bóp cò liên tục chỉ chừa lại ô cuối cùng. Và kì diệu thay, đó chính là ô chứa đạn.
Bí mật là gì?
Brown từng thừa nhận "viên đạn" kia thực ra trống rỗng. Song thực tế đã có nhiều nhân vật tiếng tăm thiệt mạng vì đạn giả, và hơn nữa đó cũng không phải là mấu chốt của màn trình diễn này.
Brown không cần phải "đọc vị" giọng nói của người phụ tá, mà có một cách dễ hơn nhiều là nghe theo lời nhắc vở của một nhân viên hậu đài giấu mặt nào đó. Chẳng có siêu năng lực nào ở đây, nhưng vẫn xứng đáng là một trò để đời.
4) Cô gái zigzag, Robin Harbin (1965)
Robin Harbin là người nổi bật nhất từng thực hiện trò kinh điển này. Người phụ tá xinh đẹp của ông sẽ bị "cắt" làm ba khi đang kẹt cứng trong chiếc hộp, và các phần đó lại bị đẩy lệch đi khiến cô gái bị vặn vẹo đến khó tin trước sự trầm trồ của khán giả.
Bí mật là gì?
Tất cả nằm ở sự đánh lừa cảm nhận. Các vạch đen dọc bên cạnh của chiếc hộp làm nó trông có vẻ nhỏ hơn, trong khi thực tế vẫn đủ rộng để cô gái uốn mình theo sự đẩy lệch. Các lưỡi dao được chêm vào cũng thực sự khá nhỏ, mà chính phần tay cầm lớn mới làm khán giả lầm tưởng về kích thước của chúng.
5) Lưỡi cưa tử thần, David Copperfield (1988)
Màn trình diễn này gắn liền với tên tuổi của David Copperfield đến nỗi ông đã thực sự được "sở hữu" nó về mặt pháp lí.
Sau khi nằm sấp trên mặt bàn, ông sẽ bị một lưỡi cưa xoay tròn cắt ngang thắt lưng. Hai "nửa" sau đó được tách rời ra để thêm phần ấn tượng, và cuối cùng lại nhập về làm một. Copperfield hồi sinh trong chiến thắng.
Bí mật là gì?
Thực ra Copperfield chỉ gập chân vào sát bụng và để lộ nửa thân trên mà thôi. Phần từ thắt lưng trở xuống là của một phụ tá khác, cũng phải giấu nửa trên của mình bên dưới mặt bàn như hình dưới đây:
Phần còn lại chúng ta đều đã biết. Bí quyết thật sự của trò này là phối hợp đồng bộ và ăn khớp giữa hai người với nhau, cũng như canh thời gian cho chuẩn. Và rõ ràng David Copperfield đã diễn đủ sâu để chinh phục được cả thế giới.
6) "Khắc nhập khắc xuất", Richard Ross (1983)
Ảo thuật gia người Hà Lan Richard Ross đã làm kinh ngạc các khán giả vào những năm 1980 với màn nối-tách những chiếc vòng kim loại với nhau. Thành công của ông đến từ cách biểu diễn chậm rãi khiến những chiếc vòng trông như "tan chảy", và khán giả dù có cơ hội "soi" kĩ cũng khó lòng phát hiện ra sự thật.
Bí mật là gì?
Một vài chiếc vòng được thiết kế đặc biệt với "điểm nối" có thể dễ dàng mở ra khi chịu áp lực. Sự khéo tay và kĩ năng đánh lạc hướng của ảo thuật gia sẽ khiến khán giả không tài nào hiểu được chân tướng mà chỉ biết vỗ tay tán thưởng.
7) Chiếc li thần kì, Paul Daniels (1985)
Trò này đã làm nên tên tuổi cho ảo thuật gia theo trường phái hài hước Paul Daniels. Ông đã lấy được vô số tiếng cười và sự thích thú của khán giả khi làm cho quả bóng nhỏ liên tục "xuất quỷ nhập thần", lúc ở trên - khi lại ở dưới chiếc li, và đôi lúc lại thình lình xuất hiện trong túi áo mình từ lúc nào không hay.
Bí mật là gì?
Có vài cách khác nhau để thực hiện trò này, nhưng có lẽ Daniels đã dùng nhiều quả bóng để biểu diễn. Một quả thực chất là nam châm có thể dính vào mặt trong phần đáy li làm khán giả tưởng nó biến mất, và lại "hiện ra" khi li được đặt mạnh lên bàn. Còn quả bóng trong túi có thể được giấu vào tay áo của ảo thuật gia nhờ sự khéo tay và đánh lạc hướng tài tình.
8) Chim bồ câu, Lance Burton (1982)
Lance Burton đã nâng tầm màn biểu diễn với chim bồ câu đến nỗi hiện nay ông vẫn được mời biểu diễn trò này hằng đêm tại LasVegas. Dường như ông có thể "sản xuất" ra bồ câu từ mọi nơi: dưới chiếc mũ, trong tay áo, hay từ đầu gậy.
Bí mật là gì?
Một cơ cấu dùng lò xo sẽ đẩy chim giấu trong tay áo ra, một chú chim khác được khéo léo lấy từ trong ngực áo, và vài trò nhỏ nhặt thêm vào sẽ đánh lạc hướng khán giả để ảo thuật gia bắt chú chim cho lại vào trong áo mình, sẵn sàng diễn tiếp màn sau.
9) Lơ lửng trên không, David Blaine (1997)
Ảo thuật gia đường phố nổi tiếng này đã làm nhiều người phải tròn mắt kinh ngạc với siêu năng lực nhấc mình lên không, dù chỉ là vài phân.
Bí mật là gì?
Một trong nhiều cách để thực hiện trò này, mà David Blaine đã áp dụng, là kĩ thuật Balducci. Khán giả đứng cách một khoảng nên chỉ thấy được một bàn chân của ảo thuật gia cùng với phần gót của chân kia, trong khi phần trước của nó được dùng để chống đỡ toàn bộ cơ thể người biểu diễn.
Nói cách khác, đây chỉ là trò đứng trên mũi chân và che mắt khán giả cho thật khéo mà thôi.
5) Thoát thân khỏi áo khoác, Harry Houdini (1891-1926)
Là ảo thuật gia trường phái "thoát thân" nổi tiếng nhất trong lịch sử, Houdini vẫn được biết đến nhiều nhất với màn thoát khỏi chiếc áo khoác bị khóa chặt cứng (straightjacket) trong lúc treo ngược người trên không.
Bí mật là gì?
Vốn ngay thẳng và tận tâm với công việc, Houdini đã tiết lộ tất cả bí mật đằng sau những màn trình diễn của mình.
Với chiếc áo straightjacket, từ tư thế "khoanh tay" ban đầu, ảo thuật gia phải tự dùng sức để vòng hai cánh tay qua đầu và giải phóng cho chúng được tự do đôi chút. Khi đó ông có thể dùng răng để mở khóa dây đai ở cổ tay áo, rồi dùng bàn tay (vẫn bị che dưới lớp vải) mở khóa sau lưng. Cuối cùng chỉ việc kéo hết chiếc áo ra là xong.