Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc

Minh Hoa |

Khán giả yêu thích thể loại phim cổ trang Trung Quốc hẳn ít nhất một lần nghe qua tên các loại độc dược như đoạn trường thảo, hạc đỉnh hồng… Vậy những độc dược ấy có tồn tại trong thực tế hay không?

Trong tập cuối của Hậu cung Như Ý truyện, Càn Long sai người mang bát canh có chứa Hạc đỉnh hồng đến phòng của Lệnh phi Vệ Yến Uyển. Sau khi uống canh Vệ Yến Uyển ngã xuống giường, vật vã suốt mấy canh giờ rồi nhắm mắt.

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhân vật Lệnh phi Vệ Yến Uyển trong Hậu cung Như Ý truyện.

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 2.

Càn Long đã ban cho Lệnh phi bát thuốc có chứa Hạc đỉnh hồng.

Vậy là cuối cùng nhân vật bị ghét nhất nhì Hậu cung Như Ý truyện đã phải trả giá cho tội ác của mình bằng một cái chết cực kỳ đau đớn. 

Bên cạnh theo dõi kết cục của các nhân vật, không ít khán giả còn tò mò Hạc đỉnh hồng có thật hay không và nếu có thì nó là gì?

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 3.

Tranh minh họa về Hạc đỉnh hồng.

Ban đầu, nhiều người lầm tưởng Hạc đỉnh hồng có liên quan đến chim hạc. Sự thật hoàn toàn không phải vậy. 

Từ thịt đến xương của loài chim này đều rất lành tính, thậm chí có thể kết hợp với các dược liệu khác tạo thành bài thuốc giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường thể lực.

Còn độc dược Hạc đỉnh hồng mà chúng ta nhắc tới thực chất là hồng thạch tín, khoáng vật của Asen, có tên gọi là hùng hoàng đỏ As4S4. 

Có lẽ vì màu sắc của loại đá này gần giống màu của đầu chim hạc nên người xưa có sự liên tưởng và đặt tên là Hạc đỉnh hồng.

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 4.

Hùng hoàng đỏ.

Asen và các hợp chất của Asen từ lâu đã được biết đến là chất vô cùng độc hại. 

Theo Từ điển Bách khoa Dược học (xuất bản năm 1999), chỉ cần một lượng asen bằng nửa hạt ngô hòa vào trong nước là đã có thể khiến 1 người tử vong ngay tức khắc. 

Từ xa xưa, thạch tín (một loại đá có chứa khoáng vật asen) cũng được dùng như thứ vũ khí giết người lợi hại vì dễ tan trong nước và rất khó phát hiện.

Theo Viện hàn lâm khoa học Mỹ, dư lượng thạch tín 50 phần tỷ trong nước uống cũng gây nguy cơ ung thư là 15 trên 1000 người sử dụng. 

Độc tố từ asen hay các hợp chất của nó có thể xâm nhập vào cơ thể theo 3 đường: hô hấp, da và tiêu hóa, nhanh nhất là tiêu hóa. 

Khi bị trúng độc cấp tính, nạn nhân thường xuất hiện các triệu chứng khô miệng, khó nuốt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, co giật… sau đó tử vong trong vòng 24 giờ.

Còn nhiễm độc mãn tính do tiếp xúc hay vô tình sử dụng asen với nồng độ thấp liên tục trong thời gian dài dẫn đến nhiều bệnh như ung thư, kèm triệu chứng rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ,...

Ngoài Hạc đỉnh hồng, một loại độc dược khác cũng thường xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc là đoạn trường thảo.

Trong Thần điêu đại hiệp có tình tiết Dương Qúa trúng độc hoa tình được đại sư chỉ cách "dĩ độc trị độc", dùng cỏ đoạn trường để hóa giải độc tố của hoa tình. Cỏ đoạn trường được nhắc đến thực chất là cây lá ngón ở nước ta. 

Nó còn có nhiều tên gọi khác như hồ mạn trường, đại trà đằng, hoàng đằng… Người xưa cho rằng ăn loại lá này sẽ bị đứt ruột mà chết, có lẽ vì thế nó có tên là đoạn trường thảo (đoạn là đứt, trường là ruột).

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 6.

Đoạn trường thảo.

Về đặc điểm, đây là một loại dây mọc leo, thường phân bố ở vùng rừng núi của Việt Nam , Lào, Malaysia… và một số tỉnh của Trung Quốc.

Lá ngón mọc đối xứng, thuôn dài, hơi giống hình mũi mác, đầu nhọn, bóng nhẵn, hoa vàng mọc thành chùm, tràng hoa hình phễu. 

Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây, trật tự độc giảm dần từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Chỉ lỡ ăn nhầm 3 lá ngón là có thể mất mạng.

Nói đến độc dược trong phim cũng không thể bỏ qua xạ hương. 

Trong phim cung đấu, khi một phi tần mang trong mình long thai, vì "ghen ăn tức ở" nhiều mỹ nhân khác sẽ tìm mọi cách khiến người này sẩy thai. Một trong những cách phổ biến nhất là dùng xạ hương.

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 7.

Hươu xạ.

Giải mã những độc dược ghê rợn xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc - Ảnh 8.

Xạ hương hươu có giá trị lớn về mặt thương mại.

Từ xa xưa, xạ hương đã là chất có giá trị trong việc chế tạo dược phẩm, mỹ phẩm.

Xạ hương thường được lấy từ các con hươu xạ, cầy hương và cầy giông nhưng chỉ có xạ hương chiết xuất từ tuyến nội tiết của loài hươu xạ đực mới có giá trị thương mại.

Xạ hương tốt phải có mùi cay, màu tía đậm, khô, nhờn, nếm có vị đắng. Trong y dược học, xạ hương được dùng làm thuốc điều trị các bệnh về thần kinh, tuần hoàn, tim, phổi…

Tuy nhiên nó còn có tác dụng tống xuất nhau còn sót hay thai chết lưu trong tử cung. Vì vậy các phi tần xưa đã lợi dụng điểm này để hãm hại tình địch. 

Họ thường cho người mang thai các vật dụng như túi thơm có chứa một lượng xạ hương vừa phải, khi ngửi lâu dài sẽ gây sảy thai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại