Với hầu hết các loài động vật trên thế giới, mỗi ngày của chúng diễn ra phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ sáng - tối của Trái đất.
Chúng tạo thành một nhịp điệu, một vòng lặp đi lặp lại mỗi ngày, trong đó chu kỳ bắt đầu khi Mặt trời lên và kết thúc lúc hoàng hôn buông xuống. Nhờ có ánh sáng, chúng biết lúc nào cần săn mồi, lúc nào nên đi ngủ, thời điểm nào cần di cư, và đâu là lúc cần sinh sản.
Không chỉ Mặt trời, Mặt trăng cũng gây ảnh hưởng rất nhiều. Trăng tác động đến từ trường Trái đất, mang độ sáng thay đổi qua mỗi đêm, và tác động đến hành vi của các loài động vật. Nhiều loài thậm chí chỉ có thể sinh sản khi có ánh trăng - như san hô giải phóng hàng chục triệu trứng lúc trăng non.
San hô đẻ trứng khi trăng non
Nhưng sẽ có chuyện gì nếu Mặt trời hoặc Mặt trăng đột nhiên biến mất - chính là khi Nhật thực và Nguyệt thực xảy ra? Các loài động vật sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nhật thực - khi Mặt trời biến mất
Trong số các hiện tượng thiên văn, Nhật thực là thứ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến thế giới tự nhiên. Về lý thuyết khi bầu trời tối sập xuống, các loài vật đột nhiên bị lẫn lộn giữa ngày và đêm. Loài sống ở ban ngày lật đật thích ứng giống như khi đêm xuống, trong khi loài ăn đêm thì có lẽ sẽ nghĩ hình như mình ngủ hơi quá giấc rồi.
Giải mã những câu chuyện kỳ dị xảy ra mỗi lần có Nhật thực và Nguyệt thực trong thế giới động vật
Nhật thực: hiện tượng xảy ra khi Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất nằm trên cùng một đường thẳng. Mặt trăng sẽ che một phần ánh sáng từ Mặt trời xuống một vài khu vực trên Trái đất, tạo cảm giác Mặt trời bị "ăn mất".
Các báo cáo thực tế cũng chỉ ra nhiều hành vi kỳ lạ ở các loài vật khi Nhật thực xảy ra. Một số loài nhện bắt đầu phá bớt tổ - điều chúng vẫn thường làm vào cuối ngày, nhưng sau đó tiếp tục giăng lại tơ.
Tương tự, các loài cá và chim sống vào ban ngày ngay lập tức hướng về nơi vốn dùng để nghỉ ngơi vào ban đêm. Dơi thì ngược lại, bay ra khỏi hang ngay khi bầu trời sập xuống.
Hà mã chạy lên đất khô để nghỉ ngơi, rồi lại lật đật quay về sông nước khi trời sáng lên
Hà mã tại Zimbabwe cũng rời sông khi Nhật thực xảy ra, hướng về nơi nghỉ ngơi. Có điều khi Mặt trời xuất hiện trở lại, chúng lật đật quay đầu, tiếp tục hướng ra sông.
Điểm chung giữa chúng là đều tỏ ra hoang mang, kích động trước cảnh ngày và đêm đột nhiên đổi chỗ cho nhau.
Mặt trăng thì sao nhỉ?
Nguyệt thực: Khi Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời nằm gần thẳng hàng, với Trái đất đứng ở giữa. Trái đất chặn hầu hết ánh sáng từ Mặt trời đến Mặt trăng, nhưng vẫn còn một lượng nhỏ sóng ánh sáng vượt qua ngoại quyển của Trái đất rồi phản xạ lại vào chính chúng ta.
Khi qua ngoại quyển - hay bầu khí quyển lớp ngoài, hiện tượng tán xạ sẽ chỉ cho phép ánh sáng đỏ xuất hiện. Đó là lý do Mặt trăng lúc này sẽ trở thành màu đỏ.
Ảnh hưởng của Nguyệt thực với các loài vật thực ra khó để nhận biết hơn.
Theo một nghiên cứu vào năm 2010 trên loài khỉ cú Azara - một loài sống thuần về đêm, các chuyên gia nhận thấy chúng ngưng tìm thức ăn khi ánh trăng trở nên tối hơn bình thường. Chính xác hơn là chúng khó tìm đồ ăn hơn, và cảm thấy căng thẳng mỗi khi di chuyển trên cây.
Nguyệt thực không phải hiện tượng thú vị duy nhất xảy ra với Mặt trăng. Mỗi năm khoảng 3 lần Trái đất được trông thấy "siêu trăng" (supermoon: hiện tượng Mặt trăng ở gần Trái đất nhất), khiến độ sáng từ Mặt trăng lớn hơn khoảng 30% so với trăng tròn bình thường.
Khỉ cú cảm thấy sợ hãi khi có nguyệt thực
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy siêu trăng thực sự gây ảnh hưởng đến hành vi của một số loài động vật. Như loài ngỗng trời, nhịp tim và thân nhiệt của chúng tăng lên đáng kể, gần chạm đến ngưỡng vào ban ngày. Có vẻ như cơ thể của chúng đã bị nhầm lẫn, tưởng rằng trời sắp sáng nên rục rịch chuẩn bị di chuyển.
Tham khảo: Science Alert