Đây là kết luận của một nhóm nhà khoa học quốc tế đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 2/7.
Theo báo cáo của tổ chức World Weather Attribution, các quan sát cho thấy những đợt nắng nóng tháng 6 tương tự cách đây một thế kỷ có nền nhiệt thấp hơn những đợt nắng nóng tháng 6 ngày nay khoảng 4 độ C. Biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây.
Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình máy tính trong 3 ngày từ ngày 26-28/6 vừa qua để tính toán các mức nhiệt độ mà họ dự báo. Mức nhiệt độ kỷ lục mới của Pháp, được ghi nhận tại Gallargues-le-Montueux ở miền Nam nước này, cao hơn gần 2 độ C so với kỷ lục trước đó vào tháng 8/2003.
Châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè, với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở nhiều nước như Pháp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và CH Bắc Macedonia.
Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng đang hoành hành tại "Lục địa Già" này là do hệ thống áp thấp trên Đại Tây Dương gây ra, khi đưa không khí nóng như thiêu đốt từ Bắc Phi vào châu Âu.
Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động của tình trạng Trái Đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ấm lên của Trái Đất có liên quan tới việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến các đợt nắng nóng thường xuyên xuất hiện hơn.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo tình hình nắng nóng hiện nay ở châu Âu đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
WMO dự báo Trái Đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm (2015-2019) nóng nhất trong lịch sử. Với nhiệt độ cao trong 5 tháng đầu năm, 2019 đã được xem là năm nóng thứ ba trong lịch sử thế giới. Trong khi đó, Chương trình biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết tháng 6/2019 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử.