Tập đoàn bán lẻ Auchan đã chính thức thông báo đóng cửa 15 siêu thị từ ngày 3/6 tới đây, tuy nhiên theo thông tin mới nhất, tập đoàn này vẫn chưa hoàn tất thương thảo với đối tác mới.
Mặc dù vậy, thương hiệu này vẫn quyết định 15 trong số 18 siêu thị toàn hệ thống để giảm thiểu chi phí trong thời gian chờ hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cho đối tác.
Được biết, Auchan Holding là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp và châu Âu với gần 360.000 nhân viên tại 18 quốc gia trên thế giới, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Bán lẻ (Auchan Retail); Dịch vụ ngân hàng (Oney) và Bất động sản (Ceetrus).
Tập đoàn được mệnh danh “Walmart của Pháp” này đạt doanh thu 51 tỷ euro (khoảng 57 tỷ USD) vào năm 2018, trong đó mảng bán lẻ đóng góp tới 98,6%. Auchan Retail hiện có hơn 4.000 điểm bán trên toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Trong đó, nhiều nhất là tại Pháp, Italia và Tây Ban Nha.
Tại thị trường Việt Nam, "đại gia" bán lẻ nước Pháp mở siêu thị Auchan đầu tiên từ năm 2015 và từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 18 siêu thị được mở tại Hà Nội, TP HCM và Tây Ninh.
Tính đến nay, chuỗi này có 1.000 nhân viên và 10 tỷ lượt khách mua hàng tại Việt Nam. Từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường này nhưng kết quả kinh doanh của Auchan không nổi bật, đạt 45 triệu euro doanh thu năm 2018 và lâm vào cảnh thua lỗ.
Nguyên nhân khiến Auchan "rút quân"
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Về nguyên nhân nguyên khiến siêu thị Auchan rút lui, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chỉ ra rằng, có 4 vấn đề khiến Auchan phải rút khỏi Việt Nam.
"Thứ nhất là, các doanh nghiệp này chọn phân khúc khách hàng chưa đúng. Điển hình như, Parkson đóng cửa do chọn phân khúc bán hàng cao cấp nhưng hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, chỉ hơn 2.500 USD. Phải 5-10 năm nữa, khi GDP người Việt lên tới 5.000 - 7.000 USD thì mặt hàng cao cấp mới bán tốt", ông Phú nói.
Ngoài ra, xu hướng bán lẻ hiện đại là phải đa năng, đa dạng, tổng hợp như các trung tâm thương mại Vincom hay AEON bao gồm tổ hợp vui chơi, ăn uống, dịch vụ,... còn các siêu thị đơn lẻ sẽ khó cạnh tranh hơn.
Thứ hai, việc chọn sai phân khúc khách hàng đã khiến doanh nghiệp không đạt được doanh số định mức để hoà vốn và bắt đầu có lãi. Tình trạng này kéo dài khiến các doanh nghiệp lỗ và buộc phải "rút quân".
"Thứ ba là sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, cạnh tranh lành mạnh có mà cạnh tranh không lành mạnh cũng có", ông Phú nói. Sự cạnh tranh không lành mạnh được ông Phú chỉ ra là giảm giá, khuyến mại "vô tội vạ" mà không được kiểm soát.
Trên thực tế, "nguồn" của sự giảm giá này chính là lấy từ người tiêu dùng và nhà cung ứng. Điển hình như để vào các siêu thị, các nhà cung ứng phải trả phí rất cao, một mặt hàng miến có khi phải trả tới 8 triệu tiền phí hay kẹo lạc cũng phí 8 triệu chưa kể chiết khấu.
Thứ tư là, các vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người bán hàng chân chính. Thậm chí nhiều mặt hàng "đội lốt" hàng Việt Nam hay hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại mang thương hiệu Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình trạng gian lận hoá đơn chứng từ, nhập lậu, trốn thuế... ccppũng ảnh hướng rất lớn tới các nhà bán lẻ làm ăn nghiêm túc. "Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương là mỏng manh", ông Phú nói.
Ông Phú cũng nhấn mạnh rằng, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, cần phải có một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng. "Việc để xảy ra các vụ việc hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, nhập lậu ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người tiêu dùng và cả việc kinh doanh của doanh nghiệp", ông Phú đánh giá.