Thực tế, lúc đầu, hồ nước muối nơi đây có màu sắc bình thường giống các nơi khác, tuy nhiên bỗng nhiên tất cả nước trong hồ bỗng chuyển màu hồng, một thời gian sau thì... đủ cả 7 màu.
Rất nhiều du khách cũng như chuyên gia đã tới đây để nghiên cứu, cuối cùng họ tìm thấy câu trả lời từ 1 cảnh quay trên cao, nó tiết lộ "thủ phạm" biến hồ nước muối ở Trung Quốc thành 7 màu cầu vồng sặc sỡ là do một loại tảo đặc biệt.
Cụ thể, hồ nước muối Giải Trì ở Vận Thành (Sơn Tây, Trung Quốc) thường được gọi là "Biển chết" của Trung Quốc, thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan vì một lý do khác thường.
Trước đó, hồ nước muối này đã rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì có màu hồng khác thường. Ảnh: Reuters
Đó là vì nước hồ có nhiều màu sắc sặc sỡ như hồng đậm, xanh lá cây, vàng do tảo nở hoa và tốc độ gia tăng nhanh chóng của các loài côn trùng.
Hồ Giải Trì chuyển màu 7 sắc cầu vồng thu hút rất đông người dân tới tham quan. Ảnh: Nationalgeographic
Giải mã nguyên nhân kỳ bí
Theo đó, hiện tượng hiếm gặp này xảy ra là do một loại tảo có tên là Dunaliella salina.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, loại tảo này ban đầu có màu xanh trong môi trường biển nhưng chúng có thể chuyển thành màu đỏ nếu tiếp xúc với độ mặn cao và cường độ ánh sáng mạnh do "quá trình sản sinh nhóm chất carotene bảo vệ trong tế bào".
Carotene được biết đến là sắc tố thực vật chịu trách nhiệm tạo ra những màu sắc rực rỡ, tươi sáng của hồ nước muối.
Một nghiên cứu về loại tảo đặc biệt này do các chuyên gia tại Đại học Concepción (Chile) tiến hành cho thấy, D.salina là loài sinh vật nhân thực có khả năng chịu mặn tốt nhất hiện nay (sinh vật nhân thực chính là sinh vật gồm các tế bào phức tạp, có vật chất di truyền nằm trong nhân có màng bọc).
Loài tảo D.salina có thể được tìm thấy ở những hồ nước mặn trên khắp thế giới như Chile, Australia, Mexico và Israel.
Các nhà nghiên cứu cho biết, một số loài tảo có thể tích lũy hơn 10% trọng lượng khô trong β-carotene nếu chúng bị kích thích do những áp lực môi trường như cường độ ánh sáng mạnh, độ mặn cao, thiếu chất dinh dưỡng hoặc nhiệt độ cực hạn.
Sắc tố đa dạng của tảo D.salina khiến nó trở thành một một chất làm màu thực phẩm và nguyên liệu phổ biến trong sản xuất mỹ phẩm. Nó còn được sử dụng trong các loại vitamin tổng hợp.
Hồ Giải Trì ở Vận Thành được hình thành cách đây khoảng 500 triệu năm trước, thuộc đầu thời kỳ Đại Tân sinh, và trở thành địa điểm thu hoạch muối của cộng đồng địa phương trong suốt 4000 năm qua.
Giải Trì được coi là hồ nội địa chứa hàm lượng natri sunfat lớn thứ ba trên thế giới, bao phủ diện tích khoảng 120 km2.
Nhiều khách du lịch tới tham quan hồ nước muối đặc biệt này. Ảnh: Reuters
Tương tự như Biển Chết nổi tiếng ở Israel, hồ nước muối ở Vận Thành có chứa nhiều khoáng chất có lợi cho da. Tuy nhiên, trong khi bùn đen ở Biển Chết chủ yếu chứa clorua, còn hồ Giải Trì lại chứa nhiều hàm lượng sunfat, có thể giúp hỗ trợ cho sự đa dạng, phong phú của quần thể động thực vật.
Tuy nhiên, thật không may rằng hiện tượng tảo nở hoa đôi khi là do sự dư thừa dưỡng chất trong nước. Điều này có thể tạo ra những vùng chết hay vũng thâm hụt khí oxy. Trên thế giới, cũng có vùng chết đáng sợ ở Vịnh Mexico khiến nhiều loài động thực vật không thể sống nổi.
Khi tảo tiếp tục phát triển thêm và có thể đạt tới hàng triệu tế bào trong mỗi mililit nước, thì các các dạng sống khác sẽ bị chặn lại, chết ngạt và sau đó bị phân hủy do vi khuẩn trong nước.
Xác động vật phân hủy làm suy giảm lượng khí oxy có sẵn trong nước. Do đó, nhiều loài cá và côn trùng không thể tồn tại nổi trong điều kiện sống ở vùng chết như vậy.
Nguồn: Nationalgeographic