Giải mã "mỏ vàng" kẹt giữa Mỹ-Nga khiến hàng nghìn người bạo loạn: Kịch bản Ukraine phút chót bị chặn

Minh Nhật |

Theo WSJ, cuộc bạo loạn của hàng chục nghìn người ở Serbia đã làm hé lộ một "điểm nóng bất ngờ" trong cuộc đối đầu Nga-Mỹ.

Điểm nóng bất ngờ trong quan hệ Nga – phương Tây

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 30/9 đăng bài viết cho hay, một mỏ lithium (hay còn được ví như vàng trắng) nằm gần thành phố Loznica, vùng Jadar, phía tây Serbia (cách thủ đô Belgrade gần 100km) đã trở thành điểm nóng bất ngờ trong quan hệ Mỹ-Nga.

Trong lúc phương Tây đang tìm cách đảm bảo có đủ các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị thì Moscow đang tìm cách duy trì ảnh hưởng ở một khu vực có tầm quan trong chiến lược bằng cách ngăn Serbia thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Mùa hè năm nay, hàng chục nghìn người biểu tình ở Serbia đã xuống đường phản đối dự án khai thác lithium tại mỏ này.

Hình ảnh từ cuộc biểu tình của 27.000 người ở Serbia. Ảnh: Reuters/DW

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Dacic, chỉ riêng trong ngày 10/8 (một ngày đỉnh điểm biểu tình), đã có 27.000 người tham gia, khiến tình hình trở nên hỗn loạn.

Đám đông biểu tình hô vang "Rio Tinto hãy rời khỏi Serbia" và "Các người sẽ không đào được gì ở đây" khi diễu hành qua trung tâm Belgrade, sau đó họ tiến vào ga đường sắt chính của thủ đô và chặn đường ray, làm gián đoạn giao thông nghiêm trọng.

Tiếp đó, người biểu tình chặn cầu Gazela - một phần xa lộ quốc tế E75 nối liền các khu vực cũ và mới của Belgrade. Trên đường đi, họ dừng lại trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Serbia và hét lên "Phản bội".

Đáng lưu ý, tờ Večernje Novosti (Serbia) đưa tin rằng, đại diện của phe đối lập thân phương Tây tại Serbia đã sẵn sàng lợi dụng các cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong ngày 10/8 tại Belgrade để chiếm dinh Tổng thống, loại bỏ nguyên thủ quốc gia và khởi động "kịch bản Ukraine".

Tờ này lưu ý thêm rằng, những thành phần cốt cán tham gia cái gọi là "chiến dịch biểu tình vì môi trường" thực chất đang "xây dựng một kế hoạch rõ ràng để kích động cuộc cách mạng màu".

"Mỏ vàng" 2,4 tỷ đô và cáo buộc của Mỹ-Đức

Theo WSJ, gần 2 tháng sau khi các cuộc biểu tình diễn ra, Mỹ và Đức mới đây đưa ra cáo buộc rằng Moscow đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy làn sóng phản đối dự án.

Nguyên nhân của làn sóng biểu tình được cho là xuất phát từ các thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội, ví dụ như dự án lithium sẽ bí mật khai thác cả uranium, khiến cho nguồn nước uống của Serbia bị đầu độc và mưa axit sunfuric sẽ rơi xuống thủ đô Belgrade nếu khu mỏ được xây dựng.

"Rõ ràng Nga đã nắm bắt cơ hội ở đây để cố gắng chia rẽ Serbia và phương Tây" – Ông Christopher Hill, đại sứ Mỹ tại Serbia cho hay.

Mỏ lithium Jadar hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận lithium của châu Âu. Ảnh: WSJ

Orhan Dragaš - Giám đốc Viện An ninh Quốc tế (một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Belgrade) cho biết dự án lithium Jadar đại diện cho bước ngoặt đối với Serbia, là nơi nước này có thể thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga và gắn bó với các kế hoạch kinh tế và chiến lược của châu Âu.

"Đây là mối đe dọa lớn đối với Moscow, đó là lý do tại sao họ không tiếc công sức để ngăn chặn" – Ông Dragaš nói, đề cập tới các cáo buộc cho rằng những thông tin sai lệch về mỏ Jadar có liên quan tới Nga.

Theo WSJ, mỏ lithium Jadar hứa hẹn sẽ là một tài sản quan trọng đối với Rio Tinto (tập đoàn đa quốc gia Anh-Áo) và đối với việc tiếp cận lithium của châu Âu.

Mỏ sẽ sản xuất lithium carbonate cấp pin – một thành phần quan trọng trong pin xe điện (EV) hoặc lưu trữ năng lượng tái tạo, và dự kiến sẽ sản xuất đủ lithium carbonate cho hơn 1 triệu pin EV/năm trong 40 năm.

Dự án Jadar vào năm 2021 ước tính có giá trị 2,4 tỷ USD. Khu mỏ của dự án này cần khoảng 3.500 nhân lực để xây dựng và 1.300 nhân lực vận hành. Theo ước tính của Rio Tinto, sau khi đi vào hoạt động, Jadar sẽ đóng góp khoảng 1% trực tiếp và 4% gián tiếp vào tổng sản phẩm quốc nội của Serbia.

Vào năm 2022, dự án Jadar từng bị tạm dừng do chính phủ Serbia quyết định thu hồi giấy phép sau nhiều tháng người dân biểu tình, đồng thời phe đối lập Serbia đưa dự án này trở thành vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất.

Tới tháng 7 năm nay, chính phủ mới của Serbia đã thông qua dự án khi ký kết quan hệ đối tác chiến lược về khoáng sản với Liên minh châu Âu (EU).

Serbia nói Nga đã cảnh báo về âm mưu đảo chính

Hiện Nga chưa trả lời đề nghị bình luận của WSJ. Tuy nhiên, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin trong ngày 10/8 cho biết, trước khi cuộc biểu tình diễn ra, Nga đã cảnh báo Belgrade về âm mưu đảo chính.

Thông tin này đồng thời được Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic xác nhận 1 ngày trước đó, khi trả lời báo giới về câu hỏi "có phải phương Tây đã chuẩn bị các hành động trên lãnh thổ Serbia nhằm mục đích tiến hành một cuộc đảo chính hay không?".

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: TVP

Ông Vucic nhấn mạnh rằng, Nga đã cảnh báo giới lãnh đạo nước này về một cuộc bạo loạn quy mô lớn đang được lên kế hoạch.

"Chúng tôi đã nhận được thông tin từ Liên bang Nga. Thông tin được tiếp nhận qua các kênh chính thức, chúng tôi đang xử lý thông tin đó. Cơ quan An ninh và Thông tin Serbia (Cơ quan tình báo quốc gia Serbia), cùng các quan chức trong chính phủ Serbia đang thực hiện nhiệm vụ của mình" - Ông Vucic nói.

"Những ai đang mơ tưởng đạt được điều gì đó bằng vũ lực sẽ chẳng giành được gì cả. Serbia đang tiến lên phía trước không ngừng nghỉ, và họ sẽ không ngăn cản được điều đó. Đây là thông điệp tôi muốn gửi tới mọi người" - Tổng thống Serbia cảnh báo.

Về phần mình, đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, một phân tích của Moscow về tình hình Serbia cho thấy "các thế lực xấu" đang tìm cách làm mất ổn định quốc gia này.

"Một số nhóm giả dân chủ đang cố gắng biến mối quan tâm tự nhiên của người dân đối với môi trường thành phong trào phản đối, bất chấp chi phí và rủi ro. Trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay, sự lạm dụng kiểu này gây ra mối đe dọa trực tiếp với Serbia, cản trở nỗ lực theo đuổi lộ trình độc lập và có nguyên tắc đối với các vấn đề trong nước và trên trường quốc tế" - Bà Zakharova nhấn mạnh.

Nước cờ đôi của Serbia

Theo WSJ, Serbia từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Mặc dù không ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng Belgrade vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Nước này còn ký kết các thỏa thuận mới về cung cấp khí đốt và chính sách đối ngoại với Nga.

Bên cạnh đó, công dân Nga được miễn thị thực khi du lịch đến Serbia và đây cũng là một trong số ít quốc gia có chuyến bay thẳng đến Nga.

Tuy nhiên, song song với đó, Serbia tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Theo tờ The Economist (Anh) ngày 20/9, Serbia – mặc dù từ chối áp đặt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga – nhưng đã chuyển hàng nghìn quả đạn pháo qua Cộng hòa Czech, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt công ty bình phong để đến tay Ukraine.

Theo trang tin News.ru (Nga), các báo cáo về sự xuất hiện của vũ khí Serbia trong khu vực xung đột ở Ukraine được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 2/2023.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng, việc chuyển vũ khí cho Ukraine là một phần hành động nhằm cân bằng giữa phương Tây và Nga.

Ngoài ra, vào đầu tháng này, Belgrade đã ký thỏa thuận với Mỹ để khuyến khích Washington đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của quốc gia này. Tờ Financial Times nhận định, đây cũng là một động thái khác nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại