Có thể nhiều người nghĩ Trái Đất là một quả cầu có hình dạng hoàn hảo, đặc biệt khi nhìn vào mặt cắt của hành tinh từ bên ngoài bầu khí quyển của nó. Mọi bức ảnh chụp hành tinh mà chúng ta đã xem đều khiến nó trông giống như một vòng tròn hoàn hảo.
Tuy nhiên, sự thực không hoàn toàn như vậy. Trên thực tế, có những khu vực phẳng hơn nhiều so với những khu vực khác, thậm chí, giới khoa học còn xác định có một "lỗ hổng trọng lực" khổng lồ ở giữ Ấn Độ Dương.
Lỗ hổng này là nơi lực hấp dẫn thấp hơn mức trung bình, do đó làm cho mực nước biển tại đây thấp hơn 106 mét so với mức trung bình toàn cầu.
Bí ẩn "lỗ hổng" 3 triệu km trên Ấn Độ Dương
Theo Định luật Vạn vật hấp dẫn của Newton, các vật hút các vật khác bằng một lực xác định bởi khối lượng của chúng và bình phương khoảng cách giữa chúng. Nói một cách đơn giản, khối lượng càng lớn thì trọng lực càng lớn, càng gần vật thể thì bạn càng bị (và ảnh hưởng) bởi nó.
Có thể nhiều người cho rằng lực hấp dẫn trên Trái Đất là đồng nhất, nhưng không phải vậy. Điều này là do khối lượng của hành tinh không được phân bố đều như một quả bóng cao su đặc. Thay vào đó, chúng ta có những ngọn núi và rãnh, cùng rất nhiều vật thể và cấu trúc bí ẩn khác nằm dưới chân chúng ta, và phình ra ở đường xích đạo, gây ra một lực hấp dẫn khác nhau trên bề mặt.
Lực hấp dẫn của Trái Đất không nhất quán do bề mặt không bằng phẳng của nó, gây ra sự thay đổi mật độ tạo ra lực hấp dẫn dao động được gọi là geoid. Sâu bên dưới Ấn Độ Dương, tồn tại một dị thường hấp dẫn phi thường - một "lỗ trọng lực" khổng lồ trải rộng khoảng 3 triệu km2.
Bản đồ lực hấp dẫn của Trái đất. Ảnh: NASA/JPL/Trung tâm Nghiên cứu Không gian của Đại học Texas, Mỹ
Một trong những khu vực như vậy có mặt ở Ấn Độ Dương, nơi có trọng lực thấp hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất. Giới khoa học gọi "Lỗ hổng trọng lực" với tên khác là "Vùng trọng trường thấp Ấn Độ Dương" (IOGL).
Các nhà khoa học đã nhận thức được sự bất thường về lực hấp dẫn đáng chú ý này trong một thời gian. Thông qua các cuộc khảo sát trên tàu và các phép đo vệ tinh, họ đã phát hiện ra sự chênh lệch của mực nước biển. Tuy nhiên, nguyên nhân của lực hấp dẫn suy yếu này vẫn còn khó nắm bắt.
Bí mật đáy biển hé lộ
Một nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Khoa học Trái Đất tại Viện Khoa học Ấn Độ tin rằng họ đã có câu trả lời cho bí ẩn khổng lồ dưới Ấn Độ Dương.
Các nhà khoa học đã tái tạo lại 140 triệu năm qua các chuyển động kiến tạo mảng và chạy các mô phỏng trên máy tính để truy tìm nguồn gốc của “lỗ trọng lực”.
Họ phát hiện ra rằng một số phần của các mảng kiến tạo đã chìm qua lớp phủ bên dưới châu Phi, tạo ra các chùm magma từ bên dưới Ấn Độ Dương. Các nhà khoa học Ấn Độ giải thích rằng sự tương tác của các quá trình này bên dưới Ấn Độ Dương có thể đã xác định vị trí và hình dạng của IOGL.
"Vùng trọng trường thấp Ấn Độ Dương" (IOGL) - màu xanh nước biển - khiến giới khoa học điên đầu giải mã bấy lâu nay. Ảnh: MSN
Theo các nhà khoa học Ấn Độ, hơn 1.000 km bên dưới lớp vỏ Trái Đất, tàn dư của một đại dương cổ đại, lạnh giá và dày đặc, chìm xuống bên dưới châu Phi khoảng 30 triệu năm trước, dẫn đến một "nghĩa địa vật liệu rộng lớn". Sự tương tác của vật liệu đại dương cổ đại này với magma nóng chảy xung quanh được cho là nguyên nhân tạo ra geoid.
Nhóm nghiên cứu viết trong bài báo của họ trên tạp chí Geophysical Research Letters: Các chùm magma khổng lồ rất có thể đã giúp Trái Đất có hình dạng như hiện tại hơn 20 triệu năm trước khi Vùng trọng trường thấp Ấn Độ Dương hiện tại được hình thành. (Đây là hình dạng mà bề mặt đại dương sẽ có dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn của Trái Đất, bao gồm lực hấp dẫn và sự quay của Trái Đất).
Các chùm magma có thể tiếp tục di chuyển trong 20 triệu năm qua và khi chúng dừng lại, có khả năng vùng trọng trường thấp ở giữa Ấn Độ Dương dịch chuyển ra ngoài, khiến lực hấp dẫn tại đây tiêu tan một phần.
Mặc dù nhìn trên bề mặt đại dương, chúng ta khó mà thấy được sự khác biệt của sự thiếu hụt lực hấp dẫn này.
Theo các nhà khoa học dự đoán, khó có khả năng các chùm magma siêu nóng bên dưới ngừng hoạt động trong vài triệu năm tới. Cho đến lúc đó, hy vọng chúng ta sẽ có thể tìm hiểu thêm về các vùng trọng trường thấp và nguyên nhân chính xác của các lực hấp dẫn khác nhau trên khắp hành tinh của chúng ta.
Bài viết sử dụng nguồn: MSN, Iflscience.com, BGR